Bí thư Thành ủy vừa nhắc, Giám đốc dự án Cát Linh - Hà Đông đã có mặt ở Hà Nội
Cụ thể, theo ông Phương, sở dĩ chỉ có ông Hồng có mặt tại Việt Nam thời gian này vì duy nhất ông Hồng có hộ chiếu công vụ nên được cấp visa vào Việt Nam. Những chuyên gia khác hiện chỉ có hộ chiếu phổ thông.
“Đến 9/3, ông Hồng sẽ hết thời hạn cách ly và có thể quay trở lại làm việc”, ông Phương nói và cho biết đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra xem xét việc cấp visa cho các chuyên gia Trung Quốc tại dự án.
Được biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu EPC là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát (TVGS) thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh thực hiện. Nhân sự tham gia thực hiện dự án đến từ nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Ảnh: Zing.vn
Từ tháng 1/2020, Tổng thầu EPC và TVGS đã cho các nhân sự thực hiện dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Trước đó, trong cuộc họp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra diễn ra chiều 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “phải ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc, trừ trường hợp công vụ”.
Liên quan đến việc triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Phía Hà Nội cho biết đã bố trí khách sạn để cách ly các chuyên gia Trung Quốc. Tại đây sẽ trang bị đầy đủ thiết bị để có thể làm việc trực tuyến”, Bộ trưởng thông tin.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ có buổi làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội về kết quả công tác mặt trận những năm qua và chương trình công tác sắp tới.
Tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ cho biết tới đây, Thường trực Thành ủy sẽ có buổi làm việc chuyên đề với Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan để tháo dỡ khó khăn tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
"Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trách nhiệm chính là Bộ Giao thông vận tải nhưng lại trên địa bàn thủ đô. Chúng tôi đang chỉ đạo UBND Hà Nội sắp tới đây có buổi làm việc để đưa ra kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền và có báo cáo với Thủ tướng. Chúng ta quyết tâm sớm đưa dự án này vào hoạt động", tân Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông vận tại (GTVT) phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC với Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.
Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.
Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.