Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành quy chế đào tạo chính quy trực tuyến
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của gần 100 đại biểu là lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, học viện trên cả nước tham dự. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng tham dự và chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về xu hướng thế giới và các bài học kinh nghiệm bao gồm các vấn đề về mô hình tổ chức học tập e-learning trong giáo dục đại học, vai trò công nghệ trong phát triển e-learning, huy động nguồn lực cho phát triển e-learning, bảo đảm chất lượng giáo dục e-learning.
Mục đích nhằm bước đầu xác định các định hướng lớn trong phát triển e-learning trong giáo dục đại học Việt Nam dựa trên phân tích xu hướng thế giới.
PGS.TS Vũ Hữu Đức- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết; Đào tạo e-learning (trực tuyến) phát triển từ lâu ở các nước phát triển; Tại Việt Nam đã được triển khai ở nhiều trường ĐH, giai đoạn 2013-2018 Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tốc độ phát triển e-learning.
Hiện có 16 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam cung cấp các khóa học trực tuyến hoàn toàn, kết hợp hoặc một phần các môn học. Đào tạo trực tuyến đơn giản và dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng, tùy biến học tập…
Các đại biểu tham dự hội thảo Thực trạng đào tạo e-learning tại Việt Nam
Theo PGS.TS Vũ Hữu Đức, một trong những yếu tố dẫn đến tốc độ phát triển nhanh chóng này là mức chi cho giáo dục của chính phủ và người dân cao, tỉ lệ người dùng Internet cao, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Báo cáo cho thấy năm 2018 người dân Việt Nam chi 9 tỉ USD cho giáo dục. Chi tiêu cho giáo dục chiếm gần ½ tổng chi tiêu của gia đình.
Tuy nhiên hình thức này cũng có nhược điểm là thực hành thí nghiệm không được như đào tạo truyền thống, rèn luyện kỹ năng bị hạn chế, hạ tầng công nghệ, giáo trình… chưa đáp ứng được yêu cầu, sự tiếp cận công nghệ của giảng viên, tài liệu học tập bị sao chép khiến giảng viên ngại đưa tài liệu lên mạng, chưa có quy chế đào tạo….
Tại các phiên thảo luận về Thực trạng e-learning tại các trường đại học Việt Nam hiện nay, Chính sách phát triển e-learning Việt Nam và Các nhân tố tác động đến sự thành công của e-learning nhiều đại biểu cho rằng: việc thúc đẩy phát triển e-learning là cần thiết nhưng cần đảm bảo các yếu tố về hạ tầng công nghệ, pháp lý liên quan hình thức này phải hoàn thiện, chính sách chất lượng phải đảm bảo và thống nhất.
Giảng viên cũng phải được trang bị kỹ năng công nghệ cũng như sư phạm phù hợp, xây dựng nội dung học liệu chất lượng và có thể chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục.
Một trong những nội dung được nhiều ý kiến đề xuất là việc Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các quy định về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến. Bởi thực tế dù hiện nay Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều quy chế đào tạo với nhiều bậc và loại hình đào tạo nhưng chưa có quy chế đào tạo trực tuyến.
Hội thảo thu hút khá đông lãnh đạo các trường ĐH-CĐ tại TP.HCM tham dự
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: các trường đại học phải nhìn thấy tiềm năng của loại hình này, chủ động và tích cực để phát triển loại hình đào tạo này. Trong đó, người đứng đầu đơn vị đóng vai trò rất quan trọng.
“Nếu như hiệu trưởng quyết liệt, xem trọng vai trò của hình thức đào tạo này song song với hình thức đào tạo truyền thống sẽ góp phần mở rộng cơ hội học tập, nâng cao kiến thức cho nhiều người.
Vì vậy, tôi đề nghị trong thời gian tới các trường đại học phải thật sự quan tâm đến hình thức đào tạo này, có một chiến lược cụ thể lớn trong phát triển e-learning. Bộ GD&ĐT đang xây dựng và sẽ sớm ban hành quy chế đào tạo chính quy trực tuyến, tạo hành lang pháp lý để các trường đẩy mạnh hình thức đào tạo này”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.