Bộ GD&ĐT: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng
38/49 bộ sách giáo khoa được xếp bản đạt
Ngày 24/6/2019, Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch số 544/KH-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và Thông báo số 543/TB-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1.
Tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hội đồng gồm nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo. Ảnh TH
Hết thời hạn thông báo, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 03 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số có 49 bản mẫu sách giáo khoa đối với 09 môn học ở lớp 1, cụ thể như sau: môn Tiếng Việt: 6 bản mẫu; môn Toán: 6 bản mẫu; môn Đạo Đức: 6 bản mẫu; môn Tự nhiên-Xã hội: 5 bản mẫu; môn Giáo dục thể chất: 4 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Âm nhạc): 5 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Mĩ thuật): 5 bản mẫu; Hoạt động trải nghiệm: 6 bản mẫu; môn Tiếng Anh: 6 bản mẫu.
Sau khi tiếp nhận bản mẫu sách giáo khoa từ Ban Tổ chức, mỗi thành viên Hội đồng nghiên cứu độc lập (15 ngày). Tiếp đó Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (07 ngày) gồm các nội dung: nghe tác giả báo cáo về nội dung bản mẫu sách giáo khoa, thảo luận tập trung công khai về bản mẫu sách giáo khoa, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng và thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa, đồng thời có ý kiến phản biện lại Hội đồng (nếu có).
Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 33, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu sách giáo khoa và kết luận theo ba mức: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”. Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức “Đạt”; có 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức “Không đạt”.
Hầu hết các tác giả có bản mẫu sách giáo khoa xếp loại “Không đạt” đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD-ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Kết quả thẩm định của các Hội đồng vừa qua cho thấy, nhiều bản mẫu sách giáo khoa được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực. Đặc biệt có nhiều tác giả tuổi cao, sức khỏe đã yếu nhưng với tinh thần chăm lo cho thế hệ trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đã nghiên cứu và biên soạn các bản mẫu sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam; bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau khi tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định đánh giá mức “Đạt”, Bộ GD-ĐT tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lí đối với sách giáo khoa để trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học được phê duyệt trong lần này.
UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn
Việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 (Sách giáo khoa giáo dục phổ thông) Luật Giáo dục 2019: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT".
Thực hiện quy định tại Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật. Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách giáo khoa cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.
Trong Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học. Dự thảo Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.
Hiện nay, dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Bộ GD-ĐT sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các Nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.