Cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa chỉ là hiểu lầm?
Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nêu rõ: “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. Ngay sau khi hướng dẫn được ban hành, nhiều chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo cho rằng, đây là một yêu cầu cứng nhắc, không phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục. Trước phản ứng của dư luận, Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có giải thích về hướng dẫn mới ban hành.
Ảnh minh họa |
Tại Công văn số 4612 ban hành ngày 3/10/2017 gửi các Sở Giáo dục - Đào tạo, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng, các trường phổ thông trực thuộc với một số yêu cầu cho chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã hướng dẫn: "Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa".
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục - Đào tạo, do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Việc dư luận hiểu là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học, là không đúng tinh thần chỉ đạo.
Ông Nguyễn Xuân Thành nói rõ: “Có 1 ý nữa trong câu đó là phải thường xuyên “bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin đã cũ, lạc hậu” thì điều đó đã thể hiện rõ yêu cầu của Bộ là không giới hạn giáo viên chỉ khai thác ngữ liệu trong sách giáo khoa mà phải luôn luôn tìm hiểu những ngữ liệu, thông tin trong thực tế cuộc sống biến động hàng ngày. Do diễn đạt, cũng là do một câu quá dài thành ra gây hiểu lầm cho mọi người. Khi các Sở, các nhà trường, các thầy, các cô đọc câu đó với chỉnh thể câu một cách liên tục và như vậy sẽ hiểu được ý của câu đó và hiểu được ý chỉ đạo của Bộ”.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong quá trình tập huấn triển khai thực hiện sắp tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.