Anh nằm lại nơi xa – tên anh sống mãi trong lòng người ở lại
Hành trình từ người lính trẻ Tây Tiến
Sinh ra và lớn lên tại Thanh Chương (Nghệ An), năm 1964, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Thư lên đường nhập ngũ khi mới 18 tuổi. Anh được biên chế về Trung đoàn 10, Sư đoàn 4 – một trong những đơn vị chủ lực từng chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt như Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ...
Với bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần quả cảm, Nguyễn Xuân Thư nhanh chóng trưởng thành trong chiến đấu. Anh được tín nhiệm giao giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 7 – đơn vị đặc công chủ lực của Trung đoàn. Trong đơn vị, anh mang bí danh “Hai Thư” – người chỉ huy cao gầy, điềm tĩnh, sống giản dị, khiêm nhường, luôn có mặt tại những nơi cam go nhất.
Từ năm 1970 đến đầu 1973, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Xuân Thư, Tiểu đoàn 7 đã lập nhiều chiến công vang dội tại các địa bàn trọng yếu như Cà Mau, Bà Thầy, Nông Cạn, Long Mỹ…
Trong mỗi trận chiến, anh luôn xông pha đi đầu, trực tiếp chỉ huy đánh vào những nơi hiểm yếu, mở đường cho đồng đội vượt qua vòng vây, thoát khỏi nguy hiểm. Không chỉ là người chỉ huy mưu lược, anh còn là biểu tượng tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Đêm 26 rạng sáng ngày 27/1/1973 – chỉ vài giờ trước thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực – Nguyễn Xuân Thư nhận nhiệm vụ tổ chức tiến công chi khu Long Mỹ. Đó cũng là trận đánh cuối cùng của anh. Một loạt bom đã giáng trúng vị trí chỉ huy, khiến anh hy sinh khi vừa tròn 26 tuổi.
Ảnh tư liệu.
Mãi mãi tuổi 26
Thi thể của Nguyễn Xuân Thư không được tìm thấy sau trận đánh. Năm 1975, gia đình mới nhận được giấy báo tử, với thông tin vỏn vẹn: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”. Anh ra đi khi chưa kịp để lại một tấm ảnh chân dung làm ảnh thờ. Sau ngày thống nhất, đến năm 2011, gia đình vào Hậu Giang – nơi anh hy sinh – bốc vài nắm đất thiêng mang về quê nhà an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Thanh Chương.
Theo lời kể của các đồng đội cũ, sau khi anh Thư hy sinh, đơn vị đã huy động lực lượng tìm kiếm suốt nhiều ngày nhưng không thể tìm được thi thể do anh bị trúng bom trực tiếp. Dẫu vậy, tinh thần và hình ảnh về người chỉ huy trẻ vẫn luôn được giữ lại trong trái tim những người đã từng chiến đấu cùng anh.
Anh hùng LLVTND Hoàng Đình Kiền – người từng sát cánh cùng Nguyễn Xuân Thư – nhớ lại trận đánh ác liệt tại Tống Binh (Phú Yên) năm 1968: “Chúng tôi chỉ có 6 người được giao nhiệm vụ đánh vào sở chỉ huy Lữ dù 101 của địch, vũ khí thiếu thốn. Dù bị bao vây và thương vong lớn, anh Thư vẫn kiên cường chỉ huy tấn công, phá được vòng vây. Tinh thần chiến đấu của anh là điều khiến tôi không thể nào quên.”
Cho đến hôm nay, tên tuổi của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư vẫn được nhắc lại trong các cuốn hồi ký, trang viết của đồng đội như “Những chặng đường chinh chiến” – như một phần ký ức thiêng liêng của Trung đoàn 10.
Anh chưa từng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, song với đồng đội, chỉ huy và thế hệ sau, danh hiệu cao quý nhất chính là sự ghi nhớ, lòng biết ơn và tinh thần bất diệt mà anh để lại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.