Cảm phục hành trình chinh phục con chữ của nữ sinh khuyết tật Cao Bằng
Tôi biết đến nữ sinh có nghị lực phi thường này qua lời kể của một người bạn hiện đang là giảng viên trường ĐH tại Hà Nội. Cảm phục ý chí và nghị lực của cô gái khiếm thị, tôi đã tìm đến Dung với mong muốn được viết bài về cô nữ sinh có niềm say mê đặc biệt với những con chữ nổi này.
Được biết, em Nông Thị Dung – cô gái dân tộc Tày sinh ra và lớn lên tại xã Sóc Hà (Hà Quảng, Cao Bằng) trong một gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nhớ lại khoảng thời gian mấy chục năm trước, bà Nông Thị Liễu – mẹ Dung cho hay: “Khi sinh ra, ai cũng khen con kháu khỉnh, đáng yêu. Lần đầu tiên nhìn thấy con giây phút hạnh phúc ấy không thể diễn tả bằng lời.
Và rồi bác sĩ mang đến một tin như sét đánh ngang tai rằng mắt con có vấn đề, có thể cả cuộc đời này con sẽ vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Tôi bàng hoàng nắm chặt tay bố cháu mà mong bác sĩ chuẩn đoán nhầm. Nếu không thể nhìn thấy ánh sáng thì đau đớn quá.
Thời gian sau đó gia đình tôi chạy vạy đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng đến đâu cũng chỉ nhận lại là cái lắc đầu. Tuyệt vọng, nhưng lại thương con rồi cứ nghĩ còn nước còn tát. Tôi vẫn kiên trì đưa con đi với hi vọng “có bệnh thì vái tứ phương” nhưng vẫn không có tiến triển gì. Trong khi bố nó làm nghề thợ xây, tôi quanh năm đầu tắt mặt tối với mấy sào ruộng nên chạy chữa mãi rồi kinh tế gia đình cũng kiệt quệ và đành phó mặc mọi thứ cho trời đất”.
Được biết khi lên 5 tuổi, Dung được gia đình cho đi học ở trường mầm non gần nhà. Thời gian trôi qua, cũng đến lúc Dung đủ tuổi vào lớp 1, Dung năn nỉ bố mẹ tìm trường để cho em đến lớp.
Thế rồi, thương con, bố mẹ Dung cũng tìm được một trường dạy chữ nổi trên thị xã Cao Bằng cho em. Chia sẻ về khoảng thời gian đầu tiên phải xa nhà, Dung cho hay: “Hồi đó em mới 7 tuổi, thấy bố mẹ bảo em được lên trường mới để học lớp 1 em vui lắm. Ngày đêm mong chờ đến ngày được đến trường mới.
Thế nhưng, mọi thứ không như em nghĩ, khi em vùa xuống trường được mấy ngày thì em phải xa mẹ vì mẹ phải về quê để thu hoạch vụ mùa. Đây cũng là lần đầu tiên em xa mẹ lâu đến thế. Mấy hôm đầu em buồn lắm vì nhớ mẹ, có lúc em ngồi khóc tu tu.
Trước khi về, mẹ có gửi tiền cho cô giáo dạy em và nhờ cô chăm sóc em. Mẹ cũng nhờ cô nếu thấy em thiếu đồ gì thì xin cô mua giúp”.
Trải qua bao khó khăn trong học tập và sinh hoạt, với nỗ lực từ bản thân và sự giúp đỡ từ thầy cô, Dung đã đạt thành tích tốt trong chặng đường chinh phục những con chữ đầu tiên. 5 năm liền Dung luôn là học sinh khá, giỏi của lớp.
Cứ tưởng rằng từ đây cuộc sống sẽ êm đếm trôi mãi. Vậy nhưng, khi em lên cấp THCS thì bị từ chối nhận dạy. Bởi lẽ, cấp THCS có thêm nhiều môn mới và mỗi thầy cô dạy một môn khác nhau. Có những giáo viên không hiểu chữ nổi nên khó lòng dạy tiếp cho em hiểu vấn đề.
“Việc em bị từ chối nhận dạy như một cú sốc lớn. Nghĩ đến việc em không được tiếp tục đi học em buồn lắm và không muốn nói chuyện với ai. Thương em, bố mẹ dò hỏi khắp nơi và cuối cùng em được nhận vào học tại trung tâm Giáo dục hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên.
Rồi lên cấp em xuống Hà Nội học vì ở đây mới có trường dành cho học sinh cấp 3 khiếm thị. Vì không muốn là gánh nặng cho bố mẹ nên em đã giấu gia đình đi học lớp dạy tẩm quất cho người mù và sau đó xin đi làm. Mỗi tháng em kiếm được khoảng hơn 1 triệu. Đó không phải số tiền lớn nhưng cũng đủ giúp bố mẹ em đỡ phần nào vất vả.
Khi biết chuyện em đi làm thêm, mẹ em phản đối gay gắt nhưng sau đó em cũng thuyết phục thành công. Bằng sự nỗ lực của mình, năm 2015 em được gọi nhập học tại trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn và em đã chọn khoa Công tác xã hội”, Dung chia sẻ.
Đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng qua chất giọng ấm áp, gương mặt thanh thoát luôn hướng về phía trước và đặc biệt là sức sống mãnh liệt, tôi tin rằng Dung nhất định sẽ thành công trên con đường phía trước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.