Cần xem lại nhiều luận cứ bảo vệ người khởi kiện Bộ trưởng giáo dục
2016-10-14 10:17:38
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Do bị kết luận sao chép 30,2% luận án của người khác và bị thu hồi bằng tiến sĩ, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện hành chính quyết định của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Sau khi hoãn phiên tòa từ ngày 28/7/2014, đến nay, phiên tòa sơ thẩm tiếp tục diễn ra vào ngày 10/10 vừa qua và dự kiến nghị án kéo dài đến ngày 17/10.
Bìa cuốn sách chuyên khảo chứa đựng nhiều nội dung nguyên trạng từ luận án bị tố cáo “đạo văn” của ông Hoàng Xuân Quế. |
Ngay sau phiên xét xử ngày 10/10/2016, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau về những luận cứ mà ông Hoàng Xuân Quế, luật sư của ông Quế và đại diện Viện Kiểm soát Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra để đề nghị Tòa chấp nhận một phần khởi kiện theo yêu cầu của đương sự ông Hoàng Xuân Quế và tuyên hủy Quyết định 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 về việc thu hồi bằng tiến sỹ đối với ông Quế.
“Mỏi mắt” tìm cái lý của người khởi kiện?
Tại phiên tòa, ông Quế không công nhận 3 cuốn luận án mà Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo, khẳng định đó là những cuốn luận án mạo danh tên nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế. Tuy nhiên, 3 cuốn luận án trên được lưu tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD, Thư viện Thành phố Hồ Chí Minh là do ông Quế nộp sau khi hoàn thành thủ tục bảo vệ luận án để xin cấp bằng.
Nếu như ông Quế cho rằng mình “nộp nhầm” luận án cách đây 13 năm như bản giải trình ngày 01/7/2013 với Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT thì căn cứ vào Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD&ĐT và Quy định quản lý văn bằng chứng chỉ, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002, rất có thể ông Quế sẽ bị thu hồi bằng tiến sỹ do các “sai sót” trong khi làm thủ tục cấp văn bằng.
Ngoài ra, nội dung 3 cuốn luận án mà ông Quế “nộp nhầm” lại có nhiều điểm trùng khớp với cuốn sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”, Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004 (Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục Xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004). Đây là cuốn sách chuyên khảo được ông Hoàng Xuân Quế đứng tên một mình, xuất bản từ nội dung luận án tiến sỹ của mình bảo vệ năm 2003.
Chưa hết, 3 cuốn Luận án “chính thức” được ông Quế nộp lại sau khi giải trình nộp nhầm cách đây 13 năm được A83 - Bộ Công an chuyển Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự giám định cho thấy 3 cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế nộp lại sau 10 năm được gỡ ghim đóng lại đến 76 lần, thực hiện tại nhiều máy photocopy khác nhau, phông chữ nhiều trang khác nhau, có hàng chục trang khác định dạng...”, đã thay các trang bị “tố” sao chép từ luận án của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng).
Sau khi giải trình “nộp nhầm” luận án cách đây 13 năm, ông Hoàng Xuân Quế có nộp lại 3 bản luận án “chính thức” cho Bộ GD&ĐT.
Cũng giống như lần trước, lần này, sự trùng hợp về mặt nội dung trong các cuốn luận án do Quế nộp có hàng chục trang “sinh đôi” y đúc từ hai tác giả mới. Cụ thể, tại mục 2.2.4 trong luận án “chính thức” của ông Hoàng Xuân Quế lại có nội dung “na ná” giống 10 trang không ghi trích dẫn nội dung mục 2.2 trong luận văn “Giải pháp đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái ở Việt Nam”của Thạc sỹ Nguyễn Văn Khách, mã số LV60/03, bảo vệ năm 2002 (trước 1 năm so với thời điểm ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ luận án tiến sỹ) tại Thư viện Học viện Ngân hàng.
Đồng thời, tại mục 2.2.3, sự trùng hợp đến “kỳ lạ” được ông Hoàng Xuân Quế lặp lại khoảng 11 trang từ mục 2.2.1.1 của Luận văn Thạc sỹ, mã số 48/03, bảo vệ năm 2002 tại Thư viện Học viện Ngân hàng với đề tài “Giải pháp hoàn hiện sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”của Thạc sỹ Hoàng Thị Kim Thanh (Học viện Ngân hàng).
Chờ đợi một phán quyết công tâm của Tòa
Xuyên suốt quá trình giải quyết vụ “lùm xùm”, Bộ GD&ĐT đã có cuốn luận án gốc của ông Hoàng Xuân Quế nộp Bộ để ra quyết định thành lập Hội đồng bảo vệ luận án (lưu tại Thư viện Thành phố Hồ Chí Minh).
Đồng thời, theo quy định của pháp luật, bản luận án lưu tại Thư viện Quốc gia (do nghiên cứu sinh có trách nhiệm nộp) mới là sản phẩm cần đối chiếu, kiểm tra cuối cùng. Nghiên cứu sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc giao nộp luận án tại Thư viện trước khi làm thủ tục cấp bằng tiến sỹ.
Tại phiên xét xử luận điểm của bên bảo vệ ông Quế cho rằng, Bộ GD&ĐT đã không đúng khi không xem xét ý kiến của các nhà khoa học trong Hội đồng chấm luận án trước đây của ông Hoàng Xuân Quế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Hội đồng chấm luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế đã giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm 2003. Việc Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng để thẩm định việc sao chép Luận án của ông Hoàng Xuân Quế theo kết quả xác minh, tố cáo chứ không phải là Hội đồng đánh giá lại Luận án của ông Quế. Đồng thời, có ý kiến cho rằng phải thu thập các bản luận án do các thành viên Hội đồng đánh giá luận án năm 2003 để đối chiếu, so sánh là không đúng với Quy chế đào tạo sau đại học. Các thành viên Hội đồng không có trách nhiệm phải lưu luận án đã bảo vệ của nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ phải có trách nhiệm nộp và chịu hoàn toàn trách nhiệm với bản luận án nộp trên Thư viện Quốc gia và Thư viện của cơ sở đào tạo.
Cuối cùng, một số ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT đã không đúng khi thành lập Hội đồng cấp ngành, phải là Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá lại luận án ông Hoàng Xuân Quế. Vậy nhưng, trong vụ việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Hội đồng giáo sư ngành để đánh giá về Kết luận giải quyết tố cáo việc sao chép của ông Hoàng Xuân Quế chứ không phải là Hội đồng đánh giá lại luận án của ông Hoàng Xuân Quế. Nếu đúng là luận án sao chép sẽ bị hủy bỏ kết quả theo quy định đào tạo sau đại học và quy chế cấp văn bằng.
Do tính chất phức tạp của vụ án, đại diện Viện Kiểm sát sau khi đánh giá về vụ kiện hành chính đã đề nghị xác minh lại một số nội dung và chấp nhận một phần đề nghị của nguyên đơn.
Bên cạnh sự quan tâm của xã hội, vụ việc này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội vào cuộc, chuyển đơn đề nghị làm rõ. Do đó, dư luận đang trông chờ sự phán quyết công tâm, khách quan của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đối với vụ án.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Công Tâm