Vi phạm trật tự xây dựng tại Phường Ngọc Thụy: Thách thức và giải pháp
Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, là một khu vực có bề dày lịch sử và đang phát triển mạnh về đô thị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phường đã trở thành tâm điểm chú ý bởi hàng loạt vi phạm trật tự xây dựng (TTXD). Những vi phạm này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều hệ lụy về an toàn, môi trường và quản lý quy hoạch.
Ngày 15/03/2025 UBND Thành phố Hà Nội có Công văn 938/UBND-NNMT: Về việc đẩy mạnh công tác giám sát quản lý đất đai, môi trường trong thời gian thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó có nội dung đáng chú ý là “UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai thực hiện ngay các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời gian các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở đang tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm pháp luật môi trường”. Đây là một chỉ đạo rất kịp thời của thành phố để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn tại thời điểm này.
Theo phản ánh tại phường Ngọc Thuy, nhiều tuyến phố đã thấy nhiều công trình có dấu hiệu sai mật độ, chiều cao, tum và tầng lửng biến thành tầng, sai thiết kế. Đơn cử như công trình tại tổ 7 phường Ngọc Thụy, theo như thông tin từ tổ TTXD phường cung cấp thì chỉ được xây dựng 5 tầng, 1 lửng nhưng hiện trạng hoàn toàn khác:
Hình ảnh công trình tại tổ 7 phường Ngọc Thụy chụp từ đê
Ngoài ra ngay trong khu đô tại định cư Ngọc Thụy cũng vi phạm trật tự xây dựng rất nhiều tại các địa chỉ như TT1-09, TT2-44, đối diện TT5-07, đối diện TT4-8 (A4/N01), những công trình này đều gặp chung tình trạng kéo tum, kéo lô gia:
Theo QCVN 06:2021/BXD (Quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình), lô gia phải đảm bảo là lối thoát hiểm phụ trong trường hợp khẩn cấp. Việc cơi nới, quây kín lô gia có thể bị coi là vi phạm nghiêm trọng vì cản trở lối thoát nạn.
|
Ngay cạnh UBND phường, công trình vừa hoàn thiện đưa vào sử dụng và cho thuê tại số 5 Nguyễn Gia Bổng cũng vậy, việc kéo tum, và quây kín tum khiến công trình không đảm bảo lối thoát hiểm PCCC theo quy định của luật xây dựng
Không những vậy còn có những công trình được hợp khối như công trình đầu ngõ 43 Nguyễn Gia Bổng. Theo thông tin cung cấp từ tổ TTXD phường cho biết, công trình này được xây dựng trên nhiều mảnh đất kề nhau.
Việc để một sai phạm tồn tại quá lâu đồng thời gây mất lòng tin của người dân vào chính quyền sở tại, nhất là khi những phản ánh của người dân không được đáp lại, không được xử lý dứt điểm. Điều này cũng dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật của những chủ đầu tư dự án, khi người này “học” người kia vi phạm pháp luật, cuối cùng dẫn đến tình trạng sai phạm hàng loạt, sai phạm trên địa bàn mà muốn xử lý cũng khó khăn vô cùng.
Tình trạng sai phạm trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Hà Nội đã trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2024, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 23.621 công trình xây dựng, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý đối với 415 công trình vi phạm. Những sai phạm thường gặp bao gồm: xây dựng không có giấy phép; xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp; xây dựng gây lún, nứt, có nguy cơ sụp đổ công trình lân cận; và xây dựng sai quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế được phê duyệt.
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại phường Ngọc Thụy đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách về an toàn cộng đồng, mỹ quan đô thị và công tác phòng cháy chữa cháy. Các hành vi xây dựng trái phép, cơi nới, kéo tum, xây dựng không phép không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để đảm bảo an toàn, trật tự và mỹ quan đô thị, chính quyền địa phương cần có các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức cộng đồng. Chỉ khi đó, môi trường sống của cư dân mới thực sự an toàn, lành mạnh và bền vững.
Vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội tiến hành bắt giữ và tạm giữ hình sự đối với sáu cán bộ thuộc Ủy ban nhân dân các phường Thanh Trì, Hoàng Liệt và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai là một phần trong chuyên án nhằm cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện Kết luận 12-KL/TW ngày 6 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước, để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. |
Trả lời câu hỏi của tòa soạn về vấn đề làm thế nào để hạn chế và xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
-
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát: Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không để tồn đọng kéo dài.
-
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm: Áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính, cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, không phép theo đúng quy định của pháp luật.
-
Tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng: Phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của vi phạm trật tự xây dựng, khuyến khích người dân tố giác hành vi vi phạm.
-
Thực hiện các biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ: Đối với các công trình xây dựng trái phép, không phép, cần có biện pháp cưỡng chế phù hợp, đảm bảo tính răn đe, tránh tình trạng vi phạm kéo dài.
-
Điều chỉnh, cấp phép hợp lý: Các công trình vi phạm cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn, mỹ quan, phù hợp quy định của thành phố.
-
Xây dựng quy hoạch rõ ràng, minh bạch: Cần có quy hoạch cụ thể, rõ ràng, công khai để người dân biết và tuân thủ, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.