Chàng trai khiếm thị chinh phục cuộc đua bán Marathon lần đầu tiên tại Việt Nam
Mặc dù không nhìn thấy gì nhưng anh Việt luôn cảm nhận được vẻ đẹp của chặng đua qua đôi mắt người đồng hành. Anh muốn dùng bước chạy của mình để tạo niềm tin cho những người khuyết tật khác. Sức lan tỏa từ hình ảnh và âm vang trên từng bước chạy của anh đã tạo nên một cơn địa chấn thật sự, thắp sáng niềm tin cho những người khiếm khuyết thể chất như anh, rằng họ có khả năng làm được nhiều điều hơn thường ngày họ vẫn nghĩ.
Anh Việt trên đường đua |
Anh Việt không phải khiếm thị bẩm sinh. Khi lên 7 tuổi thì đôi mắt của anh mới dần mờ đục. "May mắn mình vừa kịp cảm nhận vẻ đẹp của những thứ xung quanh, đã kịp biết được sắc màu của cuộc sống. Mặc dù trong mắt bây giờ chỉ có một màu đen nhưng trong tưởng tượng của mình cảnh vật luôn đẹp và sống động, có khi còn đẹp hơn đời thực", anh Việt lạc quan nói.
Mặc dù lạc quan nhưng anh thừa nhận, đối với một người đi phải có người dắt, bước phải cầm gậy dò đường thì dù giàu sức tưởng tượng đến mấy cũng không thể tin rằng mình có thể chạy Marathon trên cung đường đồi núi dài hơn 20km như thế.
Nghị lực vượt đến cái đích cùng bạn đồng hành |
Có rất nhiều người giúp đỡ, động viên, cũng không ít người tỏ ra lo lắng, e ngại. Tuy nhiên hơn tất cả là sự nỗ lực của bản thân. Anh đã luyện những kỹ năng cảm nhận khác, nâng khả năng nghe của mình vượt qua "giới hạn" bình thường để bù đắp khiếm khuyết của mắt.
Anh kể, hồi sinh viên, anh phải bắt xe buýt nhiều chặng từ khu nhà của hội người mù để đến trường. Sau nhiều lần được người khác giúp đỡ, anh đã tự luyện cho mình cách phân biệt các xe buýt qua điểm dừng để có thể lên xe chính xác.
"Mỗi lần xe vào bến thì sẽ bật xi nhan, mình dựa trên tiếng xi nhan đó để phân biệt xe của các tuyến với nhau. Nói vậy nhưng phải tập trung rất nhiều mới có thể phân biệt được bằng cách đó. Trong bốn năm đại học anh chỉ lên nhầm xe vài lần, lý do là vào mùa hè năm nhất đại học, ve kêu to át tiếng xe, không thể phân biệt được. Sau đó mình rút kinh nghiệm, không đứng ở những điểm có nhiều cây cối nữa. Với lại mình đi nhiều nên mỗi lần đến điểm các bác tài lại gọi 'Việt ơi lên xe' nên không lạc đi đâu được", anh Việt kể.
Anh biết đến cuộc thi Marathon cho người mù từ rất lâu rồi, tuy nhiên khi đó anh không nghĩ mình có thể chinh phục được chặng đua này. Đến đầu năm 2017, khi anh Lâm, một người bạn động viên rất nhiều anh mới thay đổi suy nghĩ và bắt đầu luyện tập.
Khi biết anh có ý định đi thi chạy thì nhiều hội viên trong hội người mù đều tỏ ra lo ngại, cho rằng anh hoang tưởng viển vông. Vợ anh cũng không đồng ý vì cho rằng đó là điều không thể.
Anh Việt (đeo kính) và anh Lâm - người dẫn đường cho anh trong cuộc đua |
Song, sự quyết tâm của anh đã khiến vợ anh thay đổi, từ ngăn cản đến ủng hộ chồng hết mức. Mỗi sáng hai vợ chồng lại dậy tập chạy từ hơn 4 giờ, gần 6 giờ lại về để chuẩn bị cho một ngày làm việc. Vợ đi xe đạp phía trước, buộc một sợi dây vào xe. Anh chạy theo đằng sau, tay nắm sợi dây và nghe những chỉ dẫn của vợ.
Cũng không ít khó khăn, anh cũng không ít lần ngã trầy da, trẹo chân khi luyện tập. Thế rồi, khi giải chạy Hạ Long Marathon diễn ra, anh đã đăng ký chạy cự ly 21km. Nhờ một bạn chạy dẫn người Hàn Quốc, anh Việt đã hoàn thành đường đua và lấy đi bao nhiêu nước mắt của những người theo dõi. Cho đến khi cán đích đường đua anh mới biết mình là người Việt đầu tiên chinh phục được nội dung chạy đường trường này.
Nhìn lại quá trình từ chỗ nghĩ rằng không thể cho đến lúc lên bục nhận kỷ niệm chương, anh Việt nói rằng cái gì cũng cần có sự bắt đầu, nếu chỉ ngồi nghĩ thôi thì đầy thứ khó khăn. Anh mong những người có khiếm khuyết thể chất như anh cũng sẽ thay đổi suy nghĩ, tự tin làm những điều mà từ trước đến nay cho là không thể.
Ngày 30/4 vừa qua, anh Việt đã bước lên bục nhận kỷ niệm chương khi tiếp tục chinh phục chặng đường 21 km qua đỉnh Mã Pí Lèng trong cuộc đua Hà Giang Marathon 2018. Giây phút anh Lâm với vai trò người dẫn đường dắt anh Việt bước lên bục của những người chiến thắng đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người đứng xem cũng như nhiều người theo dõi qua truyền hình.
Anh Việt bước lên bục nhận kỷ niệm chương khi chinh phục chặng đường 21 km qua đỉnh Mã Pí Lèng trong cuộc đua Hà Giang Marathon 2018. |
Từ chỗ bắt đầu là những đường chạy ngắn 100 mét, 200 mét hay 500 mét, giờ đây mục tiêu của anh là trong năm nay sẽ chinh phục một cuộc đua Marathon đúng nghĩa với quãng đường 42 km.
Ngọn lửa trong đôi mắt khiếm khuyết của anh đang dần bén và rực cháy phía sau những cặp kính đen khác. Hy vọng ngọn lửa mà anh Việt đã thắp sẽ đốt cháy những rào cản trong suy nghĩ của những người khác, để họ có thể cùng anh chinh phục những mục tiêu mà định kiến vẫn luôn cho là không thể.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.