Chàng trai khuyết tật mưu sinh bằng nghề làm sản phẩm từ tre
Bộ sưu tập nhạc cụ giống đến từng chi tiết được anh Hồ Em làm từ tre.ẢNH: Duy Tân
Năm học lớp 3, anh Triệu Hồng Hồ Em (32 tuổi, ngụ xã Long Điền A, H.Chợ Mới, An Giang) không may bị sốt bại liệt dẫn đến teo cơ, đi đứng, vận động rất khó khăn; đặc biệt cổ bị cứng không xoay trở được. Do khuyết tật, sức khỏe yếu nên dù rất ham học và học giỏi nhưng anh đành ngậm ngùi gác lại việc học từ năm lớp 6.
Vượt qua nghịch cảnh, anh Hồ Em làm ra những đồ handmade từ tre để kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Ảnh: Duy Tân
“Lúc đó, ở nhà nằm một chỗ rất buồn chân, buồn tay. Chợt thấy những que tre được cha vót để đan lọp bắt cá, tôi nảy sinh ý tưởng làm những mô hình trang trí từ tre để tạo niềm vui trong cuộc sống. Dần dần, việc này trở thành niềm đam mê tự lúc nào không hay”, anh Hồ Em kể.
Trong thời gian tập tành làm, hoàn chỉnh sản phẩm là anh dành tặng người thân, bạn bè. Mãi đến năm 2010, khi tay nghề đã thành thạo, anh quyết định làm đồ handmade từ tre để bán kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống.
Móc khóa bằng tre với đủ hình dạng đẹp mắt. Ảnh: Duy Tân
“Cha bệnh nặng nên mất sớm, anh trai cũng qua đời vì tai nạn. Bản thân tôi bị bệnh không làm được việc gì nặng nhọc. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ hết lên vai mẹ. Ngày ngày, mẹ cũng phải lặn lội hái rau đem bán kiếm tiền mua gạo. Vậy nên tôi quyết tâm vượt lên chính mình, ráng làm kiếm tiền phụ mẹ. Sản phẩm đầu tiên tôi làm bán được là mô hình nhà rông, giá 35.000 đồng, lúc đó tôi vui lắm”, anh Hồ Em chia sẻ.
Nguyên liệu là thân tre sau khi mua về đem phơi khô, cưa ống, vót, chuốt, mài, đục đẽo, ráp lại... Do tay cử động rất khó khăn, cổ không thể xoay chuyển được nên tùy vào từng sản phẩm anh Hồ Em phải mất một ngày hoặc cả tuần mới hoàn thiện. Anh sáng tạo rất nhiều vật trang trí như: bộ nhạc cụ, mô hình nhà rông, xe đạp, móc khóa, chậu hoa .
Những cành hoa được anh Hồ Em làm từ tre thật đẹp mắt. Ảnh: Duy Tân
Mỗi sản phẩm handmade từ tre do anh Hồ Em làm ra có giá dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Nhờ những sản phẩm đẹp mắt nên lượng đặt hàng nhiều làm không kịp giao. “Khó nhất là bộ sưu tập 11 loại nhạc cụ thu nhỏ như đàn bầu, guitar, đàn cò, đàn tranh... bởi cần có độ tỉ mỉ từng chi tiết. Bộ sản phẩm này được nhiều Việt kiều đặt mua và tôi phải mất thời gian gần 1 tháng mới hoàn thiện được 1 bộ. Giá mỗi bộ khoảng 2 triệu đồng”, anh Hồ Em cho biết.
Mỗi bộ nhạc cụ bằng tre, anh Hồ Em phải mất 1 tháng mớ làm xong. Ảnh: Duy Tân
Nhận thấy những bạn trẻ khuyết tật như mình nhưng chưa có công việc ổn định, anh Hồ Em ấp ủ dự định dạy nghề miễn phí với hy vọng truyền được một chút tự tin, lạc quan của mình cho các bạn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.