Chiếm đoạt nhiều tỷ đồng bằng trò "chạy" đất tái định cư
2016-05-16 15:41:37
0 Bình luận
Do công ty đặt tại phố Ngô Gia Tự nên Đăng nắm khá rõ về những thắc mắc của một số người khi có nhà nằm trong diện giải phóng mặt bằng ở tuyến phố này. Từ đó, đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Cựu Giám đốc Công ty DAMASA tại phiên tòa |
Theo tài liệu truy tố, Đặng Văn Đăng (SN 1975, trú ở phố Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) vốn thành lập Công ty CP DAMASA (Công ty DAMASA) từ năm 2008 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng dân dụng. Năm 2010, do phố Ngô Gia Tự phải giải phóng mặt bằng (GPMB) nên Đăng chuyển công ty vào khu đô thị Việt Hưng hoạt động. Cùng thời điểm, đối tượng nắm khá rõ về những thắc mắc, băn khoăn của một số hộ dân đối với diện tích đất tái định cư và giá cả đền bù.
“Đục nước béo cò”, Đăng liền tung ra thông tin có nhiều mối quan hệ tốt nên có thể giúp các hộ gia đình nhận được thêm đất tái định cư và nâng giá bồi thường nhà đất phải GPMB. Trong khi đó, năm 2010, gia đình ông Nguyễn Hữu Nhạ (ở phường Giang Biên, quận Long Biên) cũng thuộc diện phải GPMB gần 200m2 ở mặt phố Ngô Gia Tự và được cấp 90m2 đất tái định cư tại phường Giang Biên.
Mong muốn được thêm suất đất tái định cư, đầu tháng 8-2010, ông Nhạ tìm đến công ty của Đăng nhờ cậy. Đổi lại, Đăng ra giá chi phí mà ông Nhạ phải bỏ ra là 2 tỷ đồng. Không chút do dự, người đàn ông này nhanh chóng mang đủ 2 tỷ đồng đến đưa cho Đăng mà không có giấy tờ xác nhận. Cầm tiền trong tay, đối tượng cam kết chỉ sau 2-3 tháng sẽ đáp ứng mong muốn của ông Nhạ.
SkipAdAd finishes in 21 seconds
Đến hẹn, ông Nhạ không thấy “tăm hơi” đất tái định cư đâu nên gặng hỏi và đòi lại Đăng tiền thì nhận được câu trả lời rằng: “Đã đưa hết cho những người có thẩm quyền cấp thêm đất đền bù rồi”. Sau đó, ông Nhạ tiếp tục chờ đợi nhưng vẫn không thấy gì, do đó lại đến yêu cầu Đăng trả tiền thì được đối tượng viết cho một tờ giấy biên nhận số tiền nêu trên.
Cuối năm 2011, được Đăng hướng dẫn viết đơn khiếu nại gửi tới cấp có thẩm quyền nên ngày 7-5-2012, gia đình ông Nhạ được UBND quận Long Biên xem xét và cấp thêm cho 30m2 đất tái định cư nữa. Mặc dù chẳng biết Giám đốc Công ty DAMASA có vai trò gì trong phần diện tích đất tái định cư được cấp thêm không, song ông Nhạ vẫn chấp nhận trừ cho kẻ lừa đảo 1 tỷ đồng. Số tiền còn lại, ông Nhạ kiên quyết truy đòi vì thực tế Đăng không làm được gì. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn, Đăng vẫn không chịu hoàn trả cho bị hại này.
Giống như ông Nhạ, sau khi bị GPMB hơn 100m2 và được cấp 79m2 đất tái định cư, bà Nguyễn Thị Ngọc (trú ở phường Đức Giang, quận Long Biên) cũng muốn được thêm một phần diện tích đất tái định cư. Nghe một số người giới thiệu, tháng 8-2010, bà Ngọc đến gặp Đăng nhờ “chạy” cho 40m2 đất ở mới với chi phí 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Giám đốc Công ty DAMASA còn tiếp thị sẽ giúp bà Ngọc thay đổi được giá đền bù đất bị thu hồi từ 16 triệu đồng/m2 lên con số gấp đôi. Đổi lại, gia đình bà Ngọc phải trả cho Đăng 700 triệu đồng. Tin vào khả năng của giám đốc doanh nghiệp, bà Ngọc cũng đưa ngay số tiền 1,7 tỷ đồng. Về sau, gia đình bà Ngọc khiếu nại và được cơ quan chức năng cấp thêm 28m2 đất tái định cư nữa.
Thế nhưng việc này hoàn toàn không hề do Đăng tác động hay “lo lót”. Đối với giá cả đền bù diện tích đất bị thu hồi, do Ban GPMB dự án đường Ngô Gia Tự đã áp dụng đúng và đầy đủ nên gia đình bà Ngọc không thể nhận thêm đồng nào. Biết bị Đăng lừa đảo, bà Ngọc nhiều lần đòi lại tiền nhưng cũng mới chỉ nhận lại được 300 triệu đồng.
Với hành vi nêu trên, ngày 13-5, TAND TP Hà Nội đã trích xuất Đặng Văn Đăng ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS. Quá trình thẩm vấn tại phiên xử cho thấy, cần phải xem xét lại vai trò của một người liên quan tới hành vi của Đăng và làm rõ hơn các lần giao nhận tiền giữa bị cáo và các bị hại nên HĐXX sơ thẩm đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo ANTĐ