Chuyện cảm động phía sau ông bố gần 40 tuổi đi học chữ
Bức ảnh người đàn ông trung niên chăm chú học bài trong một lớp học cùng với các em nhỏ, đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội những ngày qua, bởi câu chuyện cảm động phía sau. Người chụp tấm ảnh này là anh Huỳnh Quang Khải (30 tuổi), sống tại Hiệp Thành, quận 12 (TP.HCM).
“Anh “Mậu” (38 tuổi) đã đi học lại ạ.
Theo em học từ năm 2018. Tình cờ con anh hỏi “Ba ơi, chữ này là chữ gì...” anh ấy tự ti với con, và quyết định tìm đến em để biết con chữ. Giờ anh ấy đã đọc, viết được chữ rồi, à còn hát cả karaoke nữa chứ.
Anh ấy đã lên được lớp 3, anh ấy luôn học trước con anh ấy 1 bài. Em hỏi để làm gì. Thì anh trả lời: “Để… con nó có hỏi mà biết đường trả lời chứ”.
Thương lắm ạ.
Đây là 1 trong những động lực, mà em có thể duy trì lớp cho đến giờ”, anh Khải chia sẻ về người đàn ông trong bức ảnh.
Theo anh Khải, ông bố trong ảnh là anh N.U.M., năm nay 38 tuổi. Anh M. đã đăng ký theo học lớp học tình thương Ngọc Việt được 3 năm nay. Ngày xưa, do gia đình khó kăn, anh không có điều kiện học tập. Sau này, lập gia đình, anh sinh được cô con gái 8 tuổi và mong muốn có thể học để giảng bài cho con.ư
Ông bố chăm chú học bài để con tự hào
Được biết, lớp học tình thương đã hoạt động được 14 năm nay, anh Khải cho biết, hiện tại chỉ có 29 học sinh nên một mình anh đứng lớp. Lớp được mở ra từ năm 2008 khi Khải nhận thấy trong khu phố mình sinh sống có nhiều đứa trẻ không được đến trường. Từ đó, lớp học nhỏ nằm trên mảnh đất mượn tạm của người nhà của Khải thu hút vài chục học sinh sống quanh khu vực phường Hiệp Thành, Quận 12 (TP.HCM).
Không chỉ đa dạng các độ tuổi, lớp học của Khải còn nhận cả những học sinh khuyết tật như bị bệnh não, chậm phát triển… Những đứa trẻ tới đây được Khải coi như con em mình. Niềm vui biết viết, biết đọc của chúng chính là động lực để Khải duy trì lớp học cho đến tận bây giờ.
Anh Khải kể, có lần anh chứng kiến một phụ nữ trung niên đã bật khóc trong lớp học khi tự viết được tên mình trên giấy. Hay như anh M. - nhân vật chính trong bức ảnh - đôi khi cũng chia sẻ anh đọc được cuốn sách này, tờ báo kia… Những niềm vui ấy là món quà vô giá đối với người đứng lớp như anh.
“Mình tự hỏi, nếu bây giờ mình đóng cửa lớp thì bọn trẻ sẽ như thế nào? Chúng sẽ trở thành ai trong xã hội này?... Cứ nghĩ thế là mình lại cố thêm mỗi ngày đến chừng nào mình còn sức”.
Không chỉ tặng sách bút, Khải còn lo cho bọn trẻ cả quần áo, đôi khi là đồ ăn vặt để chúng có tinh thần đến lớp. Gần như đều đặn cả tuần, cứ 18h30 là lớp học bắt đầu và kéo dài cho tới 21h.
Ngoài dạy toán, văn, cứ thứ 7, anh lại dạy kỹ năng sống, giáo dục giới tính cho bọn trẻ. Vốn dĩ những đứa trẻ phải tới đây đều là con nhà nghèo, thiếu sự quan tâm của bố mẹ nên những kiến thức cơ bản về giới tính, về sự thay đổi của cơ thể.
Hiện tại, để kiếm sống và nuôi con, Khải mở một hệ thống bánh mỳ chả cá bán hàng bằng xe đẩy trên các con phố. Tuy nhiên, cùng với việc mưu sinh, anh cũng muốn dạy nghề cho bọn trẻ, giúp chúng tiếp cận với những cách kiếm tiền lương thiện.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.