Chuyện thật như đùa ở vùng quê xây nhà không phép, không sổ đỏ
2016-08-22 14:46:08
0 Bình luận
Hàng chục hộ dân xây dựng công trình nhà ở không phép trên phần đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không có sổ đỏ) đã bị "điểm mặt" sai phạm, nhưng một số công trình mới vẫn tiếp tục mọc lên, chỉ vì lý do “ở nông thôn, xưa nay, người dân xây nhà không phải xin phép.”
Ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Đích đã hoàn thành xây dựng từ đầu năm 2016. (Ảnh: H.V/Vietnam+) |
Câu chuyện xây nhà “2 không” trên tưởng chừng như khó hiểu, nhưng lại diễn ra phổ biến ở thôn Tăng Long, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, trong suốt nhiều năm qua.
Cơ chế xây nhà "kiểu nông thôn"
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Việt Long, trên địa bàn thôn Tăng Long hiện có gần 30 hộ dân xây dựng nhà ở không phép trên khu vực đất giãn dân, đất nông nghiệp chưa được cấp sổ đỏ. Trong số này, có những căn nhà đã được người dân xây dựng từ lâu, song cũng có một số công trình nhà ở vừa hoàn thiện, đang bị “tố” sai phạm.
Việc người dân xây dựng nhà ở "không cần phép" trên được chính người dân và chính quyền địa phương nhận định là do “cơ chế truyền thống-kiểu nông thôn” (người dân chủ động xây dựng nhà ở trên phần đất của mình khi có điều kiện) xuất phát từ nhiều năm trước.
Đây cũng là lý do mà lâu nay, người dân ở thôn Tăng Long được chính quyền địa phương “tạo điều kiện” cho xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sở hữu (mua bán trao tay, đất bao thầu dài hạn) mà không phải xin giấy phép xây dựng, bởi mục đích người dân xây nhà là để ở, không vì mục đích thương mại.
Xét về "tình cảm" là vậy, song lãnh đạo xã Việt Long cũng thừa nhận việc gần 30 hộ dân tự ý xây dựng công trình nhà ở trên khu vực đất giãn dân, đất nông nghiệp, khi chưa có bìa đỏ là sai. Trong đó, một phần lỗi là do chính quyền địa phương chưa quyết liệt ngăn chặn công trình xây dựng.
Đơn cử như công trình nhà của ông Nguyễn Tiến Đích xây dựng trên khu vực đất giãn dân, vừa được hoàn thành vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, vì căn nhà của ông Đích xây kiên cố và “đẹp” nhất nhì ở thôn Tăng Long, nên đã bị một số người dân “tố” xây dựng sai phạm.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, năm 1995, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tăng Long (xã Việt Long) đã cho người dân hợp đồng một số diện tích đất công của thôn, trong đó ông Đích có hợp đồng bao thầu dài hạn đất tại khu Thùng Lò với diện tich 756m2.
Tiếp đó, thực hiện giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64 thôn Tăng Long, tiểu ban 64 của thôn đã đổi cho ông Đích về khu vực đầu Làng (vị trí ông Đích xây dựng nhà ở hiện nay). Đây là quỹ đất công nằm trong khu vực quy hoạch giãn dân đã được chính quyền địa phương phê duyệt quy hoạch sử dụng đất.
Trong quá trình sử dụng, phần diện tích đất của gia đình ông Đích được sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Vì thế, ông Đích đã xây tường bao, trồng cây và xây căn nhà tạm. Hàng năm, gia đình ông Đích vẫn đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Gần đây, vào tháng 7/ 2015, gia đình ông Đích xây lại căn nhà và đã hoàn thành vào đầu năm 2016, dù trước đó (tháng 11/2015), công trình của ông Đích đã bị đình chỉ xây dựng.
Cùng chung cảnh xây nhà "2 không" (không phép, không sổ đỏ) trên phần đất công được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tăng Long cho bao thầu từ năm 1995 ở thôn Tăng Long, nhiều hộ gia đình khác như hộ bà Nguyễn Thị Dung, hộ ông Nguyễn Văn Đá cũng tự ý xây dựng công trình nhà ở từ năm 2014, và cả hai đã bị thanh tra xã Việt Long đình chỉ thi công vì vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, đến nay các công trình này đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Gần đây nhất, là trường hợp xây dựng nhà ở không phép, không có sổ đỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Gái (do cháu bà Gái xây dựng) vừa bị thanh tra xã Việt Long đình chỉ xây dựng vào đầu năm 2016, để rà soát lại nguồn gốc đất đai. Được biết, diện tích đất nhà bà Gái đang xây dựng được mua lại của ông Nguyễn Tiến Đích từ năm 2000, và bà Gái đã từng xây dựng nhà ở từ năm 2006.
Quay trở lại với căn nhà đang bị "tố" sai phạm của ông Nguyễn Tiến Đích, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Đích thừa nhận là gia đình xây nhà không xin giấy phép xây dựng và chưa được cấp sổ đỏ. Thế nhưng, chủ căn nhà cũng lập luận rằng, gia đình chỉ nâng cấp lại ngôi nhà, bởi từ năm 2000, ông đã xây nhà tạm trên lô đất được Hợp tác xã Tăng Long và tiểu ban 64 của thôn chuyển đổi cho gia đình.
Để chứng minh, ông Đích cung cấp cho phóng viên một số giấy tờ có liên quan, trong đó có các biên lai thu tiền sử dụng đất phi nông nghiệp mà ông Đích cho rằng đây là căn cứ để chứng minh đất này đã không còn là đất nông nghiệp mà đã được chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp (có biên lai nộp thuế).
“Ở đây, nói thật từ trước đến giờ, có ai xây nhà mà phải xin phép đâu. Vì thế, năm ngoái, gia đình cũng tự ý xây lại ngôi nhà, mẫu nhà cũng tự mình chọn. Nông thôn mà, người dân lam lụng làm ăn, đến khi nào có tiền thì xây nhà thôi,” ông Đích nói.
Trên phương diện là trưởng thôn, ông Nguyễn Văn Sáng cũng khẳng định: “Ở nông thôn, bà con có điều kiện kinh phí là xây nhà thôi, chứ không phải xin phép xây dựng như ở huyện hay đô thị. Đây cũng là tình trạng chung đã tồn tại từ trước, nên chỉ mong cơ quan chức năng tạo điều kiện hợp thức hóa cho các hộ dân đã xây dựng nhà cửa trên phần đất họ đã được quyền sở hữu.
Kiến nghị xử phạt hành chính
Lý giải về việc người dân thôn Tăng Long xây nhà “không xin phép” nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Chuyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Việt Long cho biết, ngay sau khi nhận được đơn thư “tố” người dân xây nhà sai phép, chính quyền địa phương đã kiểm tra và báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn xin ý kiến xử lý.
Trên cơ sở đó, ngày 5/10/2015, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cũng đã có văn bản số1288/UBND-BTCD yêu cầu Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn kiểm tra hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Việt Long lập hồ sơ xử lý trật tự xây dựng (yêu cầu dừng thi công) đối với công trình nhà ở của ông Đích - một trong những hộ dân xây nhà không phép, không có sổ đỏ.
“Tuy nhiên, tranh thủ ngày nghỉ, ngày Tết, ông Đích vẫn tiến hành xây nhà và đã hoàn thành vào đầu năm 2016. Trong việc này, tôi thừa nhận chính quyền xã chưa quyết liệt, và có phần lúng túng trong việc xử lý, bởi diện tích đất ông Đích xây nhà đã được Hợp tác xã Tăng Long bàn giao sử dụng từ nhiều năm trước (thuê đất dài hạn), hàng năm họ vẫn đóng thuế đất phi nông nghiệp."
"Một điều cần lưu ý nữa là, việc người dân xây dựng nhà không phép trên phần dất chưa được cấp bìa đỏ không chỉ duy nhất hộ ông Đích, mà trong thôn Tăng Long còn có 28 hộ khác cũng nằm trong diện tương tự. Vì thế, nếu ép ông Đích phải tháo dỡ ngôi nhà thì những hộ khác sẽ phải xử lý ra sao?,” ông Chuyền trăn trở.
Mặc dù “bảo vệ” quyền lợi cho người dân, song ông Chuyền cũng khẳng định, với tinh thần “thượng tôn pháp luật,” ngày 8/7/2016, Ủy ban nhân dân xã Việt Long đã kiến nghị lên Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, xem xét xử phạt hành chính đối với gia đình ông Đích về hành vi vi phạm trật tự xây dựng, khi diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ, theo Quyết định 37/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
“Đây là vấn đề phức tạp, phải nghiên cứu, phải bàn, bởi việc người dân xây nhà không xin phép ở trên địa bàn đã có từ lâu. Mặt khác, vị trí đất mà ông Đích xây nhà ở đã được Hợp tác xã Tăng Long bàn giao (bao thầu dài hạn) sử dụng từ nhiều năm trước. Vì thế, nếu chỉ bắt một gia đình trong số hàng chục căn nhà xây dựng không phép phải tháo dỡ, trong khi nguyên nhân ‘tố’ sai phạm là do mâu thuẫn cá nhân thì tình địa phương sẽ rất phức tạp,” ông Chuyền thành thật.
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân xã Việt Long, ngày 15/7, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cũng đã có văn bản số 1020/UBND-VP về xử lý vi phạm trật tự xây dựng (do ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn ký), yêu cầu phòng tài nguyên và môi trường huyện Sóc Sơn rà soát, thẩm định hồ sơ (nguồn gốc đất đai) theo đề nghị của Ủy ban nhân dân xã Việt Long; đồng thời cân nhắc phương án xử phạt theo quy định của pháp luật và báo cáo Ủy ban nhân dân huyện trước ngày 30/9 tới./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Infonet.vn