Chuyện về cô giáo một chân suốt 13 năm làm thiện nguyện
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm hiện là giáo viên dạy toán Trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Còn nhớ 13 năm trước, trong một lần tham gia vận động học sinh đến trường, cô Tâm không may gặp tai nạn giao thông, dù được sự cứu chữa tận tình của các y bác sĩ nhưng vụ tai nạn khiến cô gái trẻ vĩnh viễn mất đi một phần chân trái.
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm luôn giữ cho mình một tâm hồn lạc quan, yêu đời và hướng đến những người gặp khó khăn hơn mình. Ảnh: plo.vn
Cô Minh Tâm tham gia hoạt động hiến tóc tặng bệnh nhân ung thư và vận động học sinh cùng tham gia. Ảnh: plo.vn
Vượt lên nghịch cảnh, lan tỏa năng lượng tích cực
Cô Tâm bồi hồi nhớ lại: “Khi quay lại với cuộc sống bình thường, tôi mới hiểu được rằng đây là một tai nạn kinh khủng với mình. Những ánh nhìn kỳ thị của xã hội, lời nói từ những người xa lạ dành cho một người khiếm khuyết khiến tôi vô cùng buồn tủi cho số phận của mình. Nhiều đêm, tôi chỉ biết nằm khóc một mình”.
Theo lời cô Tâm, sau biến cố đó, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, ngay khi hồi phục thương tật, cô Tâm ngay lập tức quay lại với công việc giảng dạy để ổn định cuộc sống. Ít ai hiểu được rằng để thích nghi lại với cuộc sống bình thường, cô Tâm đã phải trải qua những ngày vô cùng kinh khủng. Từ việc tập đi nạng, sinh hoạt cá nhân, đi lại bằng chân giả... đều trở nên nhọc nhằn với cô giáo trẻ.
Vượt lên nghịch cảnh, cô Tâm tìm niềm vui sống cho mình bằng việc tích cực tìm những quyển sách về nhiều tấm gương nghị lực để đọc, đăng ký học thêm văn bằng 2 tiếng Anh. Ngoài ra, hằng ngày cô Tâm còn sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động thể dục thể thao, chạy marathon, tham gia luyện tập yoga với những động tác khó, cần sự thăng bằng mỗi ngày. Cô còn tìm đến những người có cùng cảnh ngộ với mình để được chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau, vực dậy tinh thần, tìm niềm vui sống.
Hướng đến những mảnh đời khó khăn
Năm 2015, cô Tâm thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm với 19 thành viên. Nhóm tập trung hỗ trợ giáo viên về hưu khó khăn, người già neo đơn, kêu gọi giúp đỡ cho các bệnh nhân hiểm nghèo, hỗ trợ hằng tháng cho trẻ em khó khăn, mồ côi, trao học bổng, bảo hiểm y tế đến học sinh…
Ban đầu, cô Tâm bán hoa hồng để gây quỹ làm từ thiện, tuy nhiên cô chưa nhận được sự ủng hộ. Gặp khó khăn trong việc di chuyển, đường trơn khiến cô nhiều lần bị ngã. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, sau đó cô còn có thêm nhiều hoạt động khác giúp đỡ nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là người khuyết tật. Và rồi hành trình đó kéo dài đến tận hôm nay.
Bên cạnh đó, cô Tâm cũng dành thời gian tham gia một số hoạt động xã hội ở đoàn thể, đơn vị, trường học, tổ chức, như nói chuyện với phạm nhân ở trại giam, học viên trại cai nghiện. Cô chia sẻ về sách, nói chuyện với học sinh, trở thành đại sứ thương hiệu của công ty chân giả, gương mặt hồng của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.
Cô Tâm tâm niệm rằng: “Dù cuộc sống như thế nào thì phải sống tử tế với chính mình, tử tế với mọi người xung quanh. Việc đó thể hiện qua cách hành xử, lời nói trong giao tiếp, qua những điều tích cực mang đến cho mọi người và biết giúp đỡ những người khó khăn trong khả năng của bản thân”.•
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.