Cô bé khuyết tật được hàng xóm tặng một ngôi trường riêng
Ixel Blandon McIntire (8 tuổi) bị khuyết tật học tập bẩm sinh, một thuật ngữ dùng để chỉ nhóm đối tượng gặp khó khăn trong việc nghe, nói, đọc, viết, suy luận và tính toán. Vì vậy, cô bé khó có thể theo kịp các bạn đồng trang lứa, nhất là trong thời điểm phải học online.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Ixel phải “vật lộn” với những tiết học trực tuyến trong khi ở nhà với bố mẹ tại phía bắc Virginia (Mỹ). Khả năng tập trung của em rất kém do ảnh hưởng của tình trạng sức khỏe.
Vì vậy, cô bé chẳng tiếp thu được mấy mặc dù giáo viên trường Công lập Arlington và gia đình đã cố hết sức để giúp đỡ Ixel.
Bé gái Ixel Blandon McIntire và bố mẹ.
Nhưng bây giờ, nữ sinh lớp 2 đã có một góc học tập mới. Đó là một “ngôi trường” nhỏ làm bằng gỗ sơn màu trắng và xanh lá cây, được đặt trên khối đá cũ bên cạnh ngôi nhà.
Thay vì ngồi tại chiếc bàn bếp chật hẹp, cô bé có riêng cho mình một cái bàn học màu hồng yêu thích. Ngoài ra, mái nhà được lợp bằng những tấm nhựa 7 màu trong suốt. Ixel vui vẻ gọi đây là “trường Tiểu học Cầu vồng”.
Ngay từ lần đầu đặt chân vào ngôi trường đặc biệt này, cô bé dường như hoàn toàn nhập tâm vào việc học. Mẹ Ixel cho biết tường sơn trắng và cửa sổ nằm ở độ cao 1,8 m nhằm ngăn sự phân tâm của con gái.
Trong giờ nghỉ giải lao, Ixel ra sân tập thể dục để giảm bớt năng lượng dư thừa bên trong cơ thể. Cô bé thường lựa chọn chơi với tấm bạt nhún lò xo.
Ngôi trường tí hon này giúp Ixel hạn chế bị phân tâm, tập trung hơn vào việc học.
Bố của Ixel cho biết trước đây, khu phố chỉ biết đến gia đình qua chiếc xe tải bán đồ ăn có tên Mac’s Donuts. Nhưng hiện nay, địa điểm thu hút nhất lại là trường học tí hon của con gái anh.
Ngôi trường rộng 9 m2 là thành quả lao động nhiều tháng trời của bố mẹ Ixel cùng với sự giúp đỡ của những người hàng xóm.
Họ cùng nhau tìm mọi thứ cần thiết để xây dựng căn nhà nhỏ này như gỗ thừa, hộp sơn cũ hay tấm kính cửa sổ không dùng đến của một nhà vừa sửa lại. Nhờ đó, gia đình cô bé gần như không mất khoản chi phí nào.
“Ai mà ngờ được rằng cộng đồng chúng tôi lại đoàn kết như vậy. Mọi người đều xuất hiện và hỗ trợ gia đình McIntire”, Susan Thompson (54 tuổi), một hàng xóm sống gần nhà cô bé Ixel, nói.
Bản thân cô đã dành tặng cho cô bé và hai vị phụ huynh 4 chiếc cốc thiết kế riêng với dòng chữ “trường Tiểu học Cầu Vồng”.
Hàng xóm Susan dành tặng cho gia đình McIntire 4 chiếc cốc.
vanna Hardman (38 tuổi), người sống cách gia đình McIntire 800 m, cho biết việc xây dựng đã giúp cô thay đổi cách nhìn về khu phố của mình.
“Trước đây, chúng tôi chỉ ở đây và không biết ai với ai. Nhưng nhờ có công trình tí hon kia, chúng tôi bắt đầu tương tác và gắn kết với nhau”, cô chia sẻ.
Theo Hardman, sau khi ngôi trường cầu vồng được hoàn thành, hàng xóm trở nên thân thiết với nhau hơn. Mới đây, họ rủ nhau mang đồ ăn sang nhà một người phụ nữ mang thai. Họ cũng quyên góp đồ chơi cho một gia đình có con trai bị gãy chân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.