Cô gái khuyết tật mồ côi, vẽ tranh thú cưng khiến mọi người cảm động
Đó là Trần Ngọc Anh Thư (25 tuổi), bị teo chân bẩm sinh. Cô chỉ biết mình bị bỏ rơi tại ngôi chùa thuộc tỉnh Đồng Nai khi vừa 5 tuổi và được các sư cô nuôi nấng. Ngày bé, thấy các bạn nhỏ mồ côi có người đến nhận nuôi, chỉ riêng mình không có khiến Thư tủi thân, lạc lõng.
Mỗi ngày, Thư tự thu mình lại với thế giới xung quanh. Cô chọn bút chì, giấy trắng để làm bạn. Hễ buồn chuyện gì, Thư ngồi vẽ về nỗi sợ, những chuyện mình gặp phải lên giấy để giải tỏa nỗi niềm.
Cô gái khuyết tật đam mê vẽ tranh (Ảnh: Thanh Niên)
Lớn hơn, khi được đi học, Thư bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về hội họa. “Tôi học vẽ thông qua các kênh YouTube chứ không phải học chính thống”, Thư kể lại.
Tốt nghiệp THPT, Anh Thư đậu ngành Công nghệ thông tin, nhận được học bổng nhưng bỏ dỡ giữa chừng. Năm tiếp theo, Thư tiếp tục thi và đậu ngành dược một trường cao đẳng ở TP.HCM theo nguyện vọng của các sư cô.
Năm 2016, Thư rời chùa vào TP.HCM để học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thư chọn con đường khác, phù hợp với bản thân là vẽ tranh. “Tôi quyết định không theo ngành dược như nguyện vọng của sư cô nữa. Trong một lần tham gia dự án phi lợi nhuận tôi nhận được lời mời từ một người chú vẽ một bức tranh thú cưng rồi tặng cho chú. Không ngờ, đó là khách hàng đầu tiên của tôi”, Thư tâm sự.
(Ảnh: NVCC)
Từ bức tranh đầu tiên đó, cô được nhiều người nước ngoài biết đến và đặt hầng các tác phẩm. Đa phần người nước ngoài đều muốn Thư vẽ tranh thú cưng của họ. Cô cảm thấy mình khá tự hào khi làm được một công việc yêu thích mà không phụ thuộc vào ai.
Thư chia sẻ: “Có một đơn hàng mà tôi nhớ nhất là khi nhận vẽ một con chó, con mèo khuyết tật bị chủ nhân bỏ rơi vì nó khá giống với hoàn cảnh của tôi. Hoặc có lúc tôi vẽ những chú chó đã mất của khách hàng. Khi xem xong họ khóc rất nhiều. Tôi vẽ mà xúc động lắm. Nhiều lúc tự nghĩ nó chỉ là thú cưng còn được chủ yêu thương nhưng mình thì không được ba mẹ yêu thương như vậy”.
(Ảnh: NVCC)
Trung bình Thư vẽ xong một bức về thú cưng trong vòng 3 ngày. Sau 2 năm làm nghề vẽ, Thư cho hay cô đã vẽ hơn 100 bức cho những vị khách nước ngoài.
Hiện tại, Anh Thư đang sống trọ tại quận 3 TP.HCM. Giờ đây, cô gái trẻ có thể tự nuôi sống, trả chi phí hàng tháng bằng cách vẽ tranh. Cô nghĩ rằng dù bị khiếm khuyết nhưng bản thân không tự ti, cố vươn lên thì mọi thành công sẽ đến. Thư cũng thầm cảm ơn người chị nuôi, chú khách hàng đầu tiên đã truyền cảm hứng cho những bước đường đã qua.
Tương tự Thư, cô gái tật nguyền Huỳnh Thị Thảnh (26 tuổi) ở Huế có đam mê vẽ tranh và vé rất đẹp. Mẹ của Thảnh từng đi thanh niên xung phong và dân quân tự vệ rồi bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Những bức tranh vẽ bằng đôi chân của Thảnh (Ảnh: Trí thức trẻ)
Sinh ra vốn tật nguyền, lại không có cha nên Thảnh phải mang họ mẹ. Bại liệt, chân tay co quắp, không được đi học như người ta nhưng Thảnh có sở thích đặc biệt với vẽ tranh.
Ban đầu những bức tranh của Thảnh chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc không hình hài trên nền gạch, tường nhà. Sau này, cô được mẹ mua thêm giấy, bút màu khích lệ tình thần con gái.
Ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên Thảnh chỉ vẽ bằng trí tưởng tượng và những cảm nhận màu sắc của bản thân. Những bức tranh Thảnh vẽ chủ yếu về chủ đề bạn bè, gia đình và những ước mơ của chính mình. Như Thảnh tự vẽ mình đang ngồi xe lăn và được mẹ đẩy đi chơi, được làm cô giáo đang dạy học cho trẻ tật nguyền. Thảnh cũng vẽ và mơ về một tình yêu đôi lứa, vẽ đôi trai gái cùng nhau dạo bước trên con đường làng thơ mộng…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.