Cô gái khuyết tật mở thư viện miễn phí
Thúy Nga nhớ lại: “Vào một ngày mùa hè năm 1998, căn bệnh viêm đa khớp bất ngờ ập xuống đời tôi. Bác sĩ bảo bệnh của tôi không thể chữa trị dứt điểm mà phải sống chung với nó. Căn bệnh khủng khiếp tàn phá từng khớp xương và tôi chỉ còn cử động được mấy ngón tay. Mọi thứ như sụp đổ trước mắt tôi! Bao ước mơ, dự định, bao yêu thương với người thân tôi muốn đền đáp đành dừng lại”.
Thúy Nga tự nhận là người gieo duyên đọc sách
Những trang sách là bạn
Bệnh mỗi ngày nặng thêm, thân hình Thúy Nga ngày càng bị biến dạng, đau nhức và cô không còn điều khiển được tay chân, cơ thể theo ý mình. Thúy Nga nghẹn ngào: “Biết bao đêm tôi đau đớn không ngủ được và mắt tôi lúc nào cũng sưng húp vì khóc. Nhưng rồi tôi không còn khóc vì đau, bởi đau đớn tôi ráng chịu cũng quen. Dùng thuốc đắng hay phải đắp bao nhiêu loại thuốc khắp các khớp khó chịu đến mấy, phải tiêm chích hay châm cứu bao nhiêu lần tôi cũng không ngại. Tôi chỉ ước mong đỡ bệnh để người thân bớt vất vả, u sầu vì tôi. Tôi cứ muốn mình tan biến như chưa từng xuất hiện trên cõi đời này hoặc ngủ luôn mãi mãi...”.
Thế rồi trong những ngày tháng đầy bế tắc đó, Thúy Nga đã tìm đến sách để làm bạn. Từ những trang sách về các tấm gương nghị lực, Thúy Nga mới biết trong xã hội cũng có những người có hoàn cảnh còn khó hơn rất nhiều. Thúy Nga đã tìm được sự sẻ chia cùng dịch giả Nguyễn Bích Lan trong Không gục ngã, Nguyễn Ngọc Ký với Tôi đi học, Tâm “sida” với Vượt lên cái chết, Nick Vujicic với Không gục ngã.... Những nhân vật đó cũng có số phận giống như Thúy Nga nhưng họ đã không đầu hàng số phận mà cố gắng để sống, vươn lên làm được những việc có ích, vừa giúp chính mình sống vui vừa giúp ích cho xã hội, lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người.
Những trang sách và những nhân vật ấy đã thôi thúc Thúy Nga khát vọng muốn làm được điều tốt đẹp cho cuộc đời. Quên đi mọi đau đớn, Thúy Nga tập viết, luyện vẽ. Cô luôn kiên trì tập để dần trở nên bớt run và nét vẽ cũng dần đẹp hơn trở lại.
Thư viện miễn phí cho người nghèo
Rồi có một số người đến hỏi mượn sách của Thúy Nga để đọc, trong cô chợt nảy ra ý tưởng mở một thư viện miễn phí dành cho mọi người. Năm 2004, thư viện của Thúy Nga ra đời, ban đầu chỉ vài chục cuốn sách. Để có tiền mua sách, Thúy Nga đã mở một cửa hàng online. Được bao nhiêu tiền, cô lại đổ vào sách nên số đầu sách tăng dần mỗi ngày.
Cô đích thân đi chọn mua từng quyển sách. Thúy Nga cho biết, khi mua sách cô chọn lựa được những cuốn hay. Khi cho mượn sách, cô luôn mong người đọc cảm nhận được điều hay và sau đó giới thiệu cho người khác. “Theo tôi, khi đã gieo duyên đọc sách miễn phí thì phải là sách chọn lựa kỹ, sách hay và ý nghĩa thì mới đủ thuyết phục và khuyến khích được nhiều người đọc. Ngoài ra, do tự mua nên tôi luôn mua sách. Tôi muốn ủng hộ sách thật, để tác giả và những người làm sách chân chính có thêm tài chính và động lực làm sách thật. Làm từ thiện mà còn dùng sách giả thì còn có ý nghĩa gì nữa”, Thúy Nga nói.
Đến nay, thư viện của Thúy Nga đã có trên 4 ngàn cuốn sách, được chia thành nhiều chuyên mục như sách dạy kỹ năng sống, sách kỹ thuật, sách văn học, sách thiếu nhi.... Hằng ngày luôn có hàng trăm người tới mượn sách, từ những cô cậu học sinh cho tới giáo viên, những người làm quản lý và thậm chí cả những người lao động. Biết cô bé quý sách, những người đọc cũng rất trân trọng, gìn giữ sách và cùng truyền thụ các kiến thức từ sách. “Tôi khuyến khích mọi người kể lại câu chuyện từ sách sau khi đọc. Cách khuyến đọc đó của tôi dần dần đã có hiệu quả. Nhiều người tâm sự rằng, những cuốn sách tôi thuyết phục họ đọc đều có ý nghĩa truyền động lực và thức tỉnh sâu sắc”, Thúy Nga cho biết thêm.
Sứ mệnh mà Thúy Nga tự nhận là “Gieo duyên đọc sách - lan tỏa yêu thương” suốt 16 năm qua đã và đang ươm trái ngọt. Nhiều người từng đọc sách từ thư viện của Thúy Nga nay đã thành công, trở thành những người có ích cho xã hội. Thúy Nga tâm sự: “Tôi đã học hỏi được bao điều ý nghĩa từ các trang sách quý. Tôi đã biết nhìn vào điều tích cực nhất để có niềm tin vào những điều tốt đẹp vẫn tồn tại, để thấy cuộc sống này đáng sống, giá trị bản thân mình vẫn xứng đáng để sống và lan tỏa”...
“Từ ngày có thư viện của Thúy Nga, thanh thiếu niên ở địa phương thông qua đó cũng đã có thêm nhiều kiến thức, nhiều em từ đó đã giành điểm cao trong các kỳ thi. Lãnh đạo địa phương chúng tôi cũng sẽ đồng hành với Nga để cùng nhau làm lan tỏa văn hóa đọc tại địa phương”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.