Cô giáo gần 15 năm chăm nuôi, dạy nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật
Từng bị coi là "khùng"
Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa nằm sâu trong con ngõ ở xã Hữu Hoà (huyện Thanh Trì). Nhiều năm nay, cô Hoa không chỉ là người dạy nghề mà còn tận tình chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho nhiều em bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ có hoàn cảnh khó khăn.
Từng phải bán đất để có tiền thành lập trung tâm từ thiện, trong ký ức của cô Hoa, đợt dịch COVID-19 vừa qua đã khiến nhiều sản phẩm thủ công do các em làm ra không thể xuất đi được. Nhiều khi cô Hoa phải tranh thủ ra đồng, tự tay cấy rau, tăng gia sản xuất để có nguồn thực phẩm sạch để chăm lo cho học sinh của mình.
Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa nằm sâu trong con ngõ ở xã Hữu Hoà (huyện Thanh Trì). Ảnh: Lan Nhi
Cô Đoàn Thị Hoa chia sẻ: "Trước kia, nhiều người, kể cả người thân trong gia đình khi thấy tôi có ý định bán đất, thành lập trung tâm từ thiện cũng đã phản đối dữ dội. Họ bảo tôi bị khùng. Nhưng sau này, do thấy tôi quyết tâm và có tình cảm đặc biệt dành cho những người khuyết tật nên nhiều người cũng sẵn lòng ủng hộ".
Trong những chuyến đi từ thiện từ Nam ra Bắc, cô Hoa nhận thấy nhiều người khuyết tật dù tự ti nhưng họ đều mong muốn có một cái nghề để chủ động nuôi sống bản thân, không tạo gánh nặng cho xã hội.
Ở trung tâm, cô Hoa thường nhận những trẻ em bị khuyết tật vận động, câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Trước kia, khi chưa có dịch COVID-19, những em học sinh ở gần thường được gia đình sáng đưa đến, tối đón về. Hiện tại, ở trung tâm của cô Hoa chỉ còn những em ở xa trọ lại, cô Hoa sẵn sàng hỗ trợ nơi ăn, chỗ ở miễn phí.
Cô Đoàn Thị Hoa đang hướng dẫn, dạy nghề cho học sinh bị khuyết tật vận động, câm điếc, thiểu năng ở nội trú tại trung tâm. Ảnh: Lan Nhi
"Trước kia, khi chưa có dịch bệnh, nhiều khi gia đình tôi có lúc phải nhường các gian nhà trên cho các em ở xa, có hoàn cảnh khó khăn. Giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số em không xuống được phải tạm nghỉ một thời gian.
Xuất phát từ tấm lòng, trung tâm lập ra tuy không thông báo rầm rộ, thế nhưng vẫn được nhiều gia đình ở khắp các tỉnh thành trên cả nước tin tưởng, mách bảo nhau gửi gắm con em đến đây để học nghề miễn phí" - ông Tuấn (chồng cô Hoa) tâm sự.
Kiên trì hướng dẫn
Dạy nghề cho người lành lặn đã khó, theo cô Hoa, hướng dẫn cho người khuyết tật lại càng khó hơn. Đã thử nghiệm và tham khảo nhiều phương pháp, cô Hoa cho rằng, nghề làm giấy thủ công là nghề phù hợp với sức khỏe và thể trạng của người khuyết tật nhất.
Cô Hoa tâm sự: "Công việc hướng dẫn này đòi hỏi tính nhẫn nại cao vì các em ở đây tiếp thu bài rất chậm. Ở trung tâm, tôi thường dạy các em làm ra những sản phẩm như con giống, bưu thiếp, khung tranh bằng giấy... Những mặt hàng đạt chất lượng sẽ được chuyển đến các cửa hàng trên phố cổ, công ty du lịch đặt mua và phân phối giúp".
Những con giống, bưu thiếp, khung tranh bằng giấy sau khi được gia công sẽ chuyển đến các cửa hàng trên phố cổ, công ty du lịch. Ảnh: Lan Nhi
Theo cô Hoa, những năm về trước, sản phẩm giấy thủ công mà các em học sinh làm ra có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho hoạt động du lịch trong nước khó khăn nên những sản phẩm gửi đi cũng khó bán. Số tiền lương mà cô Hoa tích cóp lại để chi trả cho những em học sinh thạo nghề cũng hạn chế hơn.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Công Tuấn - Trưởng thôn Thanh Oai (xã Hữu Hoà) cho biết: Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã thành lập và hoạt động trên địa nhiều năm nay.
Nhiều người khuyết tật ở khắp mọi miền tổ quốc khi đến trung tâm học nghề, sau một thời gian có thể trở về gia đình, tự mở cửa hàng để nuôi sống bản thân. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần vận động, quyên góp ủng hộ thực phẩm cho những em học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt tại trung tâm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.