Cựu binh Phạm Văn Luốn và 'chiến tích' nuôi 500 tấn cá
Anh Phạm Văn Luốn sinh năm 1970; quê anh ở xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Năm 1990, anh nhập ngũ vào đơn vị Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây Nguyên. Sau khi rời quân ngũ, anh chọn thôn 1, xã Đắk Ma, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum lập nghiệp. Tại quê hương mới, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, anh đã mạnh dạn chuyển hướng làm ăn, không cam chịu đói nghèo, tích cực đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và đã thành công với mô hình nuôi cá.
Cựu chiến binh Phạm Văn Luốn tại Đại hội thi đua yêu nước Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tháng 12-2019.
Ban đầu khi mới khởi nghiệp, trên vùng quê mới, dù trong tay không có vốn và gặp không ít khó khăn, song nhờ siêng năng, chịu khó làm ăn, tích cóp, hai vợ chồng trẻ đã quyết định phát triển sản xuất bằng nghề nuôi cá. Bước đầu, anh đề xuất, đặt vấn đề với chính quyền các xã như: Đắk Ma, Hà Mòn, Đắk La của huyện Đắk Hà và Trạm thủy nông của huyện để đăng ký nhận khoán các hồ thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản. Được chính quyền xã và các cấp có thẩm quyền chấp thuận, dù không có vốn, Phạm Văn Luốn đã huy động thêm 4 hộ gia đình cùng xã góp lại, đồng thời, vay thêm tiền của ngân hàng, đầu tư trên 9 tỷ đồng để gia cố hệ thống bờ đập trên hồ Cà Sâm và 3 hồ khác tại xã Đắk La; mở đường, củng cố hệ thống điện, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, bảo đảm kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ cho việc nuôi cá hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Huấn, Trạm trưởng Trạm thủy nông huyện Đắk Hà, thuộc Ban Quản lý Khai thác và xây dựng Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ, tiếp sức cho anh Luốn nuôi cá trên các măt hồ nước của trạm quản lý. Đây là mô hình nuôi cá vừa hiệu quả, vừa thực hiện tốt các quy định được hai bên thỏa thuận”.
Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nuôi cá nên vụ nào gia đình anh cũng đạt năng suất cao; sản phẩm chủ yếu là các loại như: cá trắm, cá trôi, rô phi, điêu hồng... được bán đi một số tỉnh, thành phố lân cận như Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… nên chất lượng cá luôn được bảo đảm vì đều được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt trước khi xuất hàng. Anh Luốn cho biết, mỗi năm, anh thu khoảng trên 500 tấn cá các loại. Anh nhẩm tính: “Em cứ tính trung bình giá mỗi cân là 30.000 đồng, nhân cho 500 tấn, tổng thu là 15 tỷ đồng; trừ chi phí, chúng em còn lãi khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm”. Anh chia sẻ thêm: “Nhưng 2 năm gần đây, giá thức ăn cho cá liên tục tăng cao, giá bán cá lại giảm và khá bấp bênh do dịch Covid-19 nên lãi cũng giảm đi khá nhiều. Nhưng chúng em quyết không bỏ cuộc, xác định sống chết với nghề mà cuộc đời mình đã chọn.”. Ngoài lao động của 4 hộ gia đình, anh Luốn còn tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên với mức lương hàng tháng là 5 triệu đồng, người lao động được ăn cơm hằng ngày, bám trụ tại các hồ cá, chăm nuôi cho cá phát triển đúng quy trình và chu kỳ thời vụ.
Anh Luốn thu hoạch cá tại hồ Cà Sâm.
Không chỉ năng động, giỏi giang trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, anh Luốn còn thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kết hợp tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong các phong trào của địa phương.
Ngoài 50 tuổi, cựu chiến binh Phạm Văn Luốn giữ được sức lực dẻo dai, vạm vỡ với nước da ngăm đen, săn chắc… Anh có thể đắm mình xuống các hồ nước, tường tận từng khu vực sinh sống, tính cách của từng loại cá; anh có thể lặn sâu từ 5-6 mét để chăm sóc, đánh bắt cá hàng giờ…mà không ai có thể làm được. Với những đóng góp tích cực trong lao động sản xuất và công tác xã hội trong thời gian qua, anh Luốn được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp, được tham dự Đại hội thi đua yêu nước (giai đoạn 2014-2019) của Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tháng 12-2019.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.