Cựu chiến binh và cuộc chiến làm kinh tế đầy thử thách
Từ bản lĩnh được tôi rèn trong quân ngũ, khi trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Văn Xây (SN 1966, ngụ ấp Nguyễn Sơn, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) tiếp tục xông pha trên trận tuyến mới, vươn lên làm giàu, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế.
Năm 1986, ông Xây tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, năm 1991, ông xuất ngũ, trở về với cuộc sống đời thường và lập gia đình. Lúc đó, vợ chồng ông được 2 bên cha mẹ cho 8.000m2 đất nông nghiệp nhưng bị nhiễm phèn nặng, chỉ làm được 1 vụ lúa. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng không vì thế mà ông Xây “bó tay ngắm thời cuộc”, ngược lại, ông luôn trăn trở tìm hướng làm giàu. Việc đầu tiên ông nghĩ đến là phải khai hoang đồng ruộng, dẫn nước rửa phèn, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt để tăng năng suất lúa, kiếm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình.
Ảnh: Cựu chiến binh Nguyễn Văn Xây bên mô hình nuôi ốc bươu đen và ốc lác.
Bà Nguyễn Thị Tưởng (vợ ông Xây) kể: “Vốn là những người năng động, với khát vọng vươn lên làm giàu, vợ chồng tôi vừa áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng lúa, vừa nuôi thêm gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ chăm chỉ lao động, vợ chồng tôi tích góp mua thêm được 10ha đất nông nghiệp, xây được ngôi nhà tường khang trang, nuôi 3 người con trưởng thành, có việc làm ổn định”.
Dù kinh tế gia đình khá giả sau bao nhiêu năm nỗ lực nhưng Cựu chiến binh Nguyễn Văn Xây vẫn không ngừng cố gắng. Theo đó, ông tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế mới, với mong muốn vừa đem về thu nhập cho gia đình, vừa mở ra hướng đi mới cho người dân quê mình. Nghĩ là làm, cách đây 2 năm, ông bắt đầu nuôi thử nghiệm ốc bươu đen và ốc lác thịt. Ông Xây chia sẻ: “Trăn trở sau nhiều vụ nuôi cá tra thất bại, tôi quyết định mua 10.000 con ốc giống về thả vào ao nuôi kết hợp trồng mít trên bờ ao để tận dụng mít dạt làm thức ăn cho ốc. Sau khoảng 4-5 tháng thả nuôi, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch ốc thịt để bán, trọng lượng khoảng 20-30 con/kg, giá bán từ 50.000 đồng/kg trở lên. Thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi bắt đầu thử sức với việc ươm ốc giống. Để tạo môi trường thuận lợi cho ốc sinh sản, tôi thả vào trong ao nuôi các tấm mành làm vèo cho ốc đẻ trứng, trung bình mỗi tháng thu hoạch 20kg trứng ốc, giá bán từ 300.000 đồng/kg trở lên, cá biệt có thời gian bán 1 triệu đồng/kg; còn ốc giống cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 con/tháng, giá bán từ 200-300 đồng/con. Qua đó, gia đình tôi thu về lợi nhuận hàng chục triệu đồng/tháng”.
Không chỉ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Xây còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động như hiến đất làm đường, xây dựng cầu giao thông nông thôn; chăm lo cho người nghèo; tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hội viên Hội Cựu chiến binh trong xã, giúp các hội viên phát triển kinh tế.
Nhìn lại thành quả lao động sau hơn nửa đời người, vợ chồng ông Xây rất tự hào. Với những nỗ lực trên, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Xây nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành về nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Ông Xây cho biết thêm: “Với tôi, làm kinh tế không chỉ làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn khẳng định bản lĩnh, ý chí vươn lên của người lính Cụ Hồ giữa đời thường”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.