Đại biểu Quốc hội cảnh báo về bẫy tín dụng đen công nghệ

2020-11-04 08:32:28 0 Bình luận
Ngày 3/11, tiếp tục chương Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế-xã hội; trong đó có vấn đề về bẫy tín dụng đen kiểu mới thời công nghệ, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn.

Ngày 3/11, tiếp tục chương Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế-xã hội.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đã cảnh báo về các bẫy tín dụng đen kiểu mới thời công nghệ với nhiều chiêu thức và thủ đoạn đòi nợ tinh vi, tàn khốc hơn rất nhiều so với kiểu tín dụng đen truyền thống.

Vay vài triệu, nợ hàng trăm triệu đồng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), thời gian qua sau khi bị cơ quan chức năng truy quét, triệt phá quyết liệt, kiểu tín dụng đen truyền thống với chiêu thức đòi nợ là tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà người vay đã giảm, nhưng gần đây lại nổi lên tình trạng cho vay qua mạng hay còn gọi là cho vay qua các ứng dụng điện thoại di động (app), trong đó nhiều ứng dụng cho vay với mức lãi suất “cắt cổ” và thủ đoạn đòi nợ tàn khốc hơn rất nhiều.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết hiện nay chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “vay trực tuyến” hoặc “vay qua app,” lập tức sẽ hiện lên hàng loạt các địa chỉ cho vay. Đặc điểm của loại hình cho vay này là đơn giản, nhanh chóng, không cần gặp mặt và không cần thế chấp tài sản.

Người vay chỉ cần gửi ảnh chụp khuôn mặt, ảnh chụp chứng minh thư nhân dân, cung cấp số tài khoản ngân hàng, đặc biệt phải chấp thuận điều kiện cho phép các ứng dụng này được truy cập vào danh bạ điện thoại.

Nếu chấp thuận các điều kiện này, chỉ sau 10 phút, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay. Nhưng cũng kể từ đây, những kẻ đứng ẩn sau những ứng dụng này sẽ có được toàn bộ số điện thoại Zalo, Facebook của người thân, đồng nghiệp, bạn bè của người vay để sử dụng cho các mục đích sau này.

Đặc điểm của loại hình cho vay này là số tiền trao tay nhỏ và thời gian cho vay ngắn hạn, khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, người vay chỉ nhận được 2/3 số tiền trên hợp đồng vay, 1/3 số tiền còn lại người cho vay giữ để trừ vào tiền lãi, phí các loại dịch vụ.

Hết hạn trả nợ, nếu người vay không trả được nợ, nhân viên của ứng dụng tiếp tục giới thiệu các ứng dụng mới để người vay tiếp tục vay của ứng dụng sau để trả cho ứng dụng trước.

Trên thực tế đã có hàng chục nghìn người dính vào bẫy tín dụng đen kiểu này với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, mặc dù ban đầu chỉ vay vài triệu đồng để tiêu dùng. Có những nạn nhân cho biết ban đầu chỉ vay 8 triệu đồng của hai ứng dụng và khi đến hạn không có tiền trả, nhân viên của ứng dụng giới thiệu cho ứng dụng mới để vay trả nợ.

Sau vài tháng từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng đã thành vay nợ hơn 200 triệu đồng để trả nợ và từ chỗ chỉ vay của hai ứng dụng (app), đến nay đã phải vay của 64 ứng dụng với số tiền lãi và tiền phạt tăng theo cấp số nhân hàng ngày.

“Có thể thấy là loại hình tín dụng đen kiểu mới đã biến những con nợ nhỏ thành những con nợ lớn, chất chồng những khoản nợ không thể trả nổi,” đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng nêu lên những đau khổ mà các nạn nhân phải trải qua. Từ những vụ việc vừa qua cho thấy cách đòi nợ của các ứng dụng cho vay còn tàn khốc hơn cả tín dụng đen truyền thống.

Đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần của người vay, từ gọi điện thoại truy lùng suốt ngày đêm với những lời lẽ thô tục, độc ác đến sử dụng mạng xã hội để phát tán hình ảnh người vay để làm nhục họ.

Không những thế, các đối tượng còn gọi điện cho tất cả những người có trong danh bạ điện thoại để bêu riếu người vay nhằm gây sức ép trả nợ, thậm chí có những cháu nhỏ là con cái của người vay cũng bị khủng bố tinh thần khiến các cháu xấu hổ, không dám tới trường.

“Có những trường hợp cha đi vay tiền, nhưng con bị lập bàn thờ trên mạng xã hội hết sức độc ác và có những người vì không chịu nổi áp lực này đã tự tìm đến cái chết để giải thoát như các trường hợp ở Kiên Giang, Tiền Giang và Tây Ninh thời gian qua,” đại biểu Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Tín dụng đen công nghệ đang lách luật, hoành hành

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết sở dĩ tín dụng đen kiểu mới hoành hành thời gian qua là do các đối tượng đã có những thủ đoạn lách luật.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, một trong những yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi là phải vượt mức trần lãi suất pháp luật quy định. Tuy nhiên, vừa qua các đối tượng đã lách luật bằng cách để lãi suất luôn ở dưới mức trần pháp luật quy định, còn lại là dồn vào tiền phí và tiền phạt vi phạm.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, pháp luật chỉ khống chế mức trần lãi suất, không khống chế mức trần đối với tiền phạt vi phạm. Mức tiền phạt vi phạm là do các bên tự thỏa thuận và vừa qua công an các địa phương đã truy quét nhiều nhóm cho vay qua ứng dụng, trong đó có những vụ số tiền phạt và số tiền lãi lên đến hơn 1.000%/năm. Đây cũng là điểm khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen công nghệ.

Để phòng, chống loại hình tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen công nghệ để người dân chủ động phòng tránh.

Các cơ quan tố tụng Trung ương khẩn trương tổng kết những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật trong xử lý loại tội phạm này và kiến nghị Quốc hội sửa các quy định của pháp luật có liên quan. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có các khoản vay nhỏ với thủ tục xét duyệt vay nhanh chóng, thuận lợi, giúp người dân có nhu cầu, dễ dàng tiếp cận được các khoản tín dụng này.

Chia sẻ quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, mặc dù thời gian qua ngành Công an đã rất quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm tín dụng đen, nhưng vẫn còn đó những vấn đề tồn tại mà nếu như không có giải pháp hữu hiệu, loại hình tội phạm này vẫn hiện hữu như một tất yếu khách quan.

Tuy nhiên, theo đại biểu, mục đích vay trong dân rất đa dạng, nhiều trường hợp không thể đáp ứng tiêu chí cho vay của ngân hàng. “Thực ra các ngân hàng tạo điều kiện rất dễ dàng cho người dân vay tiền nhưng không phải nội dung gì cũng cho vay, trong khi tín dụng đen thậm chí sẵn sàng cho vay ngay cả với mục đích là đánh bạc,” đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ.

Dai bieu Quoc hoi canh bao ve bay tin dung den cong nghe hinh anh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Một vấn đề nữa, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương là thời gian giải quyết hồ sơ vay. Trong khi các ngân hàng phải mất hàng giờ, thậm chí nhiều ngày xét duyệt thì với tín dụng đen chỉ cần vài phút là có thể cho vay.

Trước đó, tại Hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đầu tranh với hoạt động tín dụng đen,” Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) chia sẻ, trường hợp vay của người thân, bạn bè với lãi suất dưới 20% (theo Bộ luật Dân sự) thì vẫn đúng quy định, còn nếu mức lãi suất vượt quá 20% thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp người thân giúp đỡ về mặt tài chính trong lúc khó khăn, mà vẫn đúng quy định pháp luật (lãi suất dưới 20%/năm) đó là điều đáng hoan nghênh. Còn nếu cho vay với lãi suất rất cao nhằm trục lợi trên khó khăn của người khác thì đó là điều phải lên án và rất có thể bị xử lý hình sự nếu lãi suất trên 100%/năm và thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…

“Tuy nhiên, hiện nay lãi suất trong tín dụng đen thường rất cao, có khi lên đến 300-700%/năm. Thậm chí, một số mô hình cho vay qua mạng lãi suất lên 1.400%/năm, cao gấp 700 lần quy định,” Trung tá Ngô Hồng Vương cho hay.

“Trong hoạt động cho vay dân sự, cho vay lãi suất cao và các hành vi đòi nợ côn đồ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật là 2 đặc trưng cơ bản để xác định đó là hoạt động tín dụng đen,” Trung tá Ngô Hồng Vương chia sẻ.

“Chúng tôi khuyến cáo bà con nên tìm hiểu thật kỹ khi vay qua các app và cũng không nên truy cập vào danh bạ thông tin cá nhân tránh những phiền phức sau này,” Trung tá Ngô Hồng Vương nhấn mạnh./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân

Ngày 21/11, tại TP Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, đồng tổ chức Diễn Đàn: Thực thi Luật Đất đai 2024 và các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân.
2024-11-22 12:05:00
Đang tải...