Đầu tư hơn 8 tỷ đô cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

2025-02-19 22:11:45 0 Bình luận
Quốc hội chốt đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.

Sáng ngày 19/2/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD. Dự án dự kiến hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

Tuyến đường sắt mới sẽ có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới tại tỉnh Lào Cai và điểm cuối tại ga Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng, với tổng chiều dài khoảng 391 km.

Tuyến đi qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Đường sắt được thiết kế đường đơn, khổ 1,435m, phục vụ cả vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế tối đa đạt 160 km/h cho đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, 120 km/h cho đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội, và 80 km/h cho các đoạn tuyến còn lại.

Nguồn vốn dự án từ ngân sách bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn hợp pháp khác. Suất đầu tư dự án tương đồng với một số dự án tham khảo trong khu vực, khoảng 15,96 triệu USD/km (tuyến Vientiane - Boten của Lào có suất đầu tư 16,77 triệu USD/km).

Năm 2025 các cơ quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất năm 2030.

Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án, Quốc hội đã cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ được quyền phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung vốn nếu dự toán ngân sách hàng năm không đáp ứng tiến độ, mà không làm tăng bội chi ngân sách.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng được phép huy động vốn ODA và các khoản vay ưu đãi nước ngoài mà không cần lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án nếu ngân sách hàng năm không đáp ứng tiến độ. Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

UBND các tỉnh, thành phố liên quan được phép lập và điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi; đồng thời điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong vùng phụ cận ga để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.

HĐND cấp tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga, nhằm tạo quỹ đất phát triển đô thị. Số tiền thu được từ khai thác quỹ đất này, sau khi trừ chi phí, địa phương được giữ lại 50%, phần còn lại nộp vào ngân sách trung ương.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại phiên họp bế mạc.

Quốc hội quyết định sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng, đến từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. 

Thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến đề nghị phải làm rõ nguồn vốn, cơ cấu vốn cho Dự án, tác động nợ công, tính toán vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư cho Dự án; cần có giải pháp bố trí vốn tổng thể cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội chứ không tính riêng cho từng dự án, cần xác định nguồn vốn cụ thể cho từng dự án, có cách thức huy động vốn hợp lý nhất, huy động thêm nhiều nguồn vốn cho Dự án; đồng thời, phải cân đối hài hòa giữa việc tập trung huy động nguồn vốn cho các dự án trọng điểm với việc giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đang được quan tâm.

“Về khả năng cân đối vốn, do đây là Dự án đặc biệt ưu tiên nên Chính phủ sẽ cân đối để trình Quốc hội quyết định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch tài chính 5 năm từng thời kỳ, trên nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình.

Theo tính toán, vay nước ngoài và vốn đối ứng trong nước có thể làm nợ công tăng 1,4 - 1,5% GDP giai đoạn 2025-2032. Tuy nhiên, nếu GDP tăng cao hơn dự kiến, tỷ lệ nợ công sẽ giảm. Một số ý kiến đề xuất tăng vốn từ trái phiếu Chính phủ để giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.

Với vay vốn nước ngoài, hiện Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để xác định quy mô khoản vay, lãi suất và các điều kiện ràng buộc của khoản vay. Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở kết quả làm việc với các đối tác, sẽ xem xét quy định cơ cấu nguồn vốn cho Dự án.

Thành phố Hải Phòng đã đề xuất đóng góp 10.960 tỷ đồng cho dự án, bao gồm 5.860 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn và 5.100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến nhánh dài 12 km từ ga Nam Hải Phòng đến ga Nam Đồ Sơn.

Việc đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các địa phương mà tuyến đường đi qua.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Trao giải cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu lịch sử 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2 (1930-2025) và lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh”

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết, trao giải cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu lịch sử 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 (1930-2025) và lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh”; phát động hưởng ứng Giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) tỉnh Quảng Ninh lần thứ 6 năm 2025; Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tỉnh Quảng Ninh năm 2025.
2025-02-21 20:48:05

Quảng Ninh: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh hội kiến Bí thư Khu ủy Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)

Ngày 20/2/2025, nhân dịp Đoàn đại biểu Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tham dự Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025 tại Quảng Ninh, ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã hội kiến với ông Trần Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây.
2025-02-21 13:55:13

Thanh Hóa chi sai chế độ người có công 258 tỷ, mới truy thu được hơn 1 tỷ

Chi sai chế độ chính sách người có công với cách mạng hơn 258 tỷ đồng, cán bộ địa phương ở Thanh Hóa đến từng hộ gia đình vận động nộp trả lại, nhưng mới truy thu được hơn 1,1 tỷ đồng.
2025-02-20 19:09:26

Nghệ thuật kết nối hành động: Chương trình Nghệ thuật vì Khí hậu Hạ Long 2025

Chiều 20/2, tại Bảo tàng Hà Nội, buổi họp báo giới thiệu chương trình Nghệ thuật vì Khí hậu Hạ Long 2025 (Art for Climate Festival Halong 2025) đã chính thức diễn ra. Sự kiện đánh dấu sự kết hợp giữa nghệ thuật và bảo vệ môi trường trên quy mô toàn cầu, góp phần tôn vinh và bảo tồn di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long.
2025-02-20 19:03:14

Hải Phòng khai mạc Kỳ họp thứ 23 HĐND thành phố

Chiều 20/2, HĐND thành phố Hải Phòng tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kỳ họp xem xét, quyết định những nội dung quan trọng, cấp bách, phục vụ yêu cầu sắp xếp tinh gọn bộ máy, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
2025-02-20 18:42:14

Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh

Đảng ủy Chính phủ nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới.
2025-02-20 01:01:09
Đang tải...