Đẩy mạnh vay tiêu dùng để chặn "Tín dụng đen"
Siết cho vay tiền mặt
Với khoảng 13 triệu dân đang sinh sống, TP Hồ Chí Minh là thành phố luôn dẫn đầu cả nước về mức độ tiếp nhận người di cư. Đây cũng là nơi tập trung những công ty công nghệ, ngân hàng trong và ngoài nước. Tại thành phố nhộn nhịp vào bậc nhất cả nước, tín dụng tiêu dùng-khoản cho vay với mục đích tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng hộ gia đình- luôn là ngành kinh doanh tiềm năng. Việc ra đời nhiều công ty cho vay tiêu dùng lớn trong và ngoài nước là minh chứng cho mảnh đất đầy màu mỡ của cho vay tín dụng tại TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, song song với cho vay tiêu dùng, “tín dụng đen” cũng phát triển và biến tướng dưới nhiều hình thức, gây nhiều phiền toái và hệ lụy không nhỏ cho khách hàng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, bình quân trong 3 năm (2016-2018), mức tăng trưởng dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng đến 36%/năm và tiếp tục tăng mạnh trong 3 quý đầu năm 2019. Theo đó, tính đến hết tháng 11/2019, dư nợ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt gần 450 nghìn tỉ đồng. Về logic khi thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, nhiều nhu cầu vay được đáp ứng sẽ giảm thiểu “tín dụng đen”, bởi nhu cầu vay vốn chính thức được đáp ứng thuận lợi hơn người dân sẽ không tìm ra những địa chỉ phi chính thức vay vốn tiêu dùng.
Việc phát triển tín dụng tiêu dùng đã tác động tích cực lên việc ngăn chặn “tín dụng đen”. Về góc độ quản lý nhà nước, NHNN ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động an toàn, hiệu quả và văn hóa hơn.
Quy định trong Thông tư 18 có điểm quan trọng:
(1) Yêu cầu về tỉ lệ giải ngân trực tiếp cho vay đề ra lộ trình giảm tỉ lệ giải ngân trực tiếp của các công ty tài chính cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2023 chỉ còn 30%. Hiện tại tỉ lệ này đang ở mức trên 70%. Thông tư 18 đã đưa ra lộ trình khá dài hơi. Cụ thể, trong năm 2021 tỷ lệ tối đa tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tại một công ty tài chính là 70%; năm 2022 tối đa là 60%; năm 2023 tối đa là 50% và từ đầu năm 2024 là 30%.
Một điểm rất đáng chú ý là tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng theo quy định nêu trên chỉ bao gồm khách hàng có tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp (bao gồm cả số tiền cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại các hợp đồng đã được ký kết đến ngày ký kết hợp đồng nhưng chưa giải ngân) tại công ty tài chính đó trên 20 triệu đồng. Với những quy định này đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho các công ty tài chính có tỷ trọng giải ngân tiền mặt lớn. Quả vậy, theo Công ty chứng khoán SSI, hiện FE Credit là công ty tài chính có tỷ trọng cho vay tiền mặt lớn nhất trên thị trường hiện nay, ở mức 76%; 24% còn lại là dành cho các khoản cho vay mua xe, mua điện thoại và cho vay thẻ tín dụng. Trong khi HDSaison và MCredit, tỷ lệ cho vay tiền mặt thấp hơn, song vẫn khá cao. Cụ thể, đến cuối tháng 9/2019 tỷ lệ cho vay tiền mặt của HDSaison ở mức 33%; trong khi MCredit có tỷ lệ này ở mức 70%, nhưng do quy mô thị trường còn nhỏ nên đơn vị này có thể dễ dàng điều chuyển, tái cấu trúc danh mục sản phẩm. Đây là một bước đi rất hợp lí để tránh gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty tài chính. Cụ thể, đối với FE Credit, các chuyên gia tại JP Morgan cho rằng, hiện tại tỷ lệ cho vay tiền mặt của công ty này khá lớn nhưng các khoản vay trên 20 triệu đồng chỉ dưới 70%. Do đó, trong 2 năm tới (2020 và 2021), tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Ngoài ra, việc “mở cửa” cho các công ty tài chính giải ngân trực tiếp các khoản vay dưới 20 triệu đồng sẽ giúp cho các công ty tài chính đẩy mạnh hoạt động tại các vùng nông thôn với nhiều món vay tiêu dùng nhỏ lẻ, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Hiện nay, không có quy định chia tỉ lệ dư nợ giải ngân trực tiếp (công ty tài chính gọi là cho vay tiền mặt) nên các công ty tài chính đẩy mạnh hoạt động cho vay tiền mặt. Cùng với đó, sự phát triển của internet, các công ty tài chính sử dụng các phương thức digital như app, mạng xã hội, tiếp cận khách hàng để giải ngân trực tiếp vào tài khoản ngân hàng để người vay tùy ý sử dụng vốn.
Các công ty tài chính đưa ra hàng loạt các sản phẩm khuyến khích người vay tiền mặt, như duyệt hồ sơ vay tiền mặt qua ứng dụng (app) điện thoại di động chỉ mất 10 phút là người vay đã có thể ra cây ATM rút tiền giải ngân, chuyển khoản thanh toán cho một hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ; Shinhan Finance còn đưa ứng dụng chatbot vào trang điện tử của công ty để người vay tương tác trực tiếp các nhu cầu vay tiền mặt…
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit cho biết, trước đây các công ty tài chính thường có cách làm một người vay vốn sẽ khuyến khích giới thiệu cho người khác vay theo để mở rộng khách hàng. Hiện nay, mọi người dành rất nhiều giờ trong ngày ở trên internet, công ty tài chính cũng phải thay đổi phương thức tiếp cận người vay vốn theo thói quen thường ngày của người tiêu dùng. Để tối ưu phương pháp tiếp cận người vay tiêu dùng, FE Credit đã cá nhân hóa khách hàng bằng các nguồn dữ liệu tập hợp từ các tệp khách hàng phân tích nhu cầu của từng nhóm khách hàng hiểu họ cần mua sắm gì để cung cấp khoản vay tiêu dùng.
“Công nghệ số hóa đã giúp rút ngắn toàn bộ quy trình một khoản vay FE Credit hiện nay rút xuống còn 1 ngày thay vì 4-5 ngày như trước đây. Doanh thu cho vay tiêu dùng thông qua kênh số hóa trong 5 năm qua đã tăng 28%”, Tổng giám đốc FE Credit cho biết. Sự phát triển của công nghệ càng đẩy nhanh tốc độ cho vay tiền mặt và giải ngân trực tiếp các khoản vốn vay dưới 100 triệu đồng trong ngày. Cho vay tiêu dùng có mặt ở mọi lúc mọi nơi, len lỏi vào từng ngóc ngách nhu cầu của người tiêu dùng, ở đâu có tiêu dùng ở đó có tài chính tiêu dùng sẵn sàng cho vay vốn.
(2) Văn hóa đòi nợ, thu nợ của công ty tài chính. Thời gian qua, trong xã hội còn nhiều công ty tài chính có nét văn hóa thu hồi nợ gây nhiều phản cảm cho dư luận, xã hội. Thông tư 18 sẽ điều chỉnh hoạt động thu hồi nợ khi quy định rõ thời gian, số lần, đối tượng nhắc nợ. Trong đó, công ty tài chính chỉ được nhắc nợ với người nợ thay vì thông tin đến cả những người liên quan cá nhân vay nợ như thời gian qua. Cụ thể, ngoài các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật, với đặc thù của khách hàng, quy định mới yêu cầu các công ty tài chính thu hồi và nhắc khách hàng trả nợ phải phù hợp với đặc thù từng khách hàng; bên thu hồi nợ không được đe dọa khi thu hồi nợ; mỗi ngày chỉ được nhắc nợ không quá 5 lần, nhưng chỉ được nhắc nợ sau 7 giờ và không quá 21 giờ trong ngày; cấm bên đòi nợ gửi thông tin khách hàng có nợ đến tổ chức hoặc cá nhân không có nghĩa vụ nợ và công ty tài chính phải bảo mật thông tin khách hàng vay vốn.
(3) Thông tư 18/2019/TT- NHNN cũng bổ sung nhiều. Ngoài ra, công ty tài chính phải công khai lãi suất cho vay tiêu dùng, các mức phí nếu có, phương pháp tính lãi suất phải rõ ràng và công ty tài chính phải trả lời mọi khiếu nại tố cáo từ bên vay vốn.
Với những cơ sở pháp lí như vậy, thị trường tài chính tiêu dùng theo số hóa sẽ diễn biến tích cực, an toàn và minh bạch hơn, góp phần hữu hiệu đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”. Không phủ nhận các công ty tài chính cho vay tiêu dùng đã góp phần giảm bớt “tín dụng đen” ngoài xã hội, nhưng nếu tỉ lệ các khoản vay tiền mặt ngày càng cao và không được quan tâm đến mục đích sử dụng vốn đúng mức sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro cho thị trường tài chính tiêu dùng. Điều này lí giải vì sao nhà quản lý thực hiện lộ trình giảm dần tỷ trọng giải ngân trực tiếp của các công ty tài chính.
Vay tín chấp FE Credit Thủ tục đơn giản, nhanh chóng, cam kết giải ngân chỉ sau 48 giờ. Vay đến 70 triệu mà không cần tài sản thế chấp
Chặn “tín dụng đen” bằng vay tiêu dùng
Việc phát triển cho vay tiêu dùng thông qua ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được cấp phép sẽ là “chốt chặn thép” giúp đẩy lùi “tín dụng đen”, cung cấp cho người dân những lựa chọn tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, để ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” đòi hỏi các đơn vị phải có giải pháp đồng bộ. Phía người dân cần ý thức được những rủi ro, hệ lụy khi vay “tín dụng đen”. Về phía ngân hàng cần có những biện pháp để thúc đẩy cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ hơn. Thông tư 18 sửa đổi Thông tư 43 chính là giải pháp nhằm hạn chế “tín dụng đen” và giúp thị trường vay tiêu dùng đi vào nề nếp, ổn định hơn.
Trong thời gian, nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng được cấp phép cũng đã đẩy mạnh các hoạt động cho vay tiêu dùng. Cụ thể, bên cạnh các gói cho vay kinh doanh, nhiều ngân hàng như Sacombank, Agribank, TPBank, MB... đã triển khai các gói cho vay nhỏ lẻ, phục vụ mục đích tiêu dùng với các hình thức có tài sản hoặc không cần tài sản bảo đảm nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, những khoản nợ xấu trong cho vay tiêu dùng, đặc biệt là các khoản cho vay đầu tư bất động sản núp bóng vay tiêu dùng. Do các khoản cho vay mua nhà thường có thời hạn rất dài, giá trị cho vay lại lớn, trong khi thị trường bất động sản vẫn còn những cơn sốt “nóng lạnh” rất bất thường... nên tiềm ẩn rủi ro lớn. Vì vậy, ngân hàng không nên chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà quên đi các tiêu chí phòng ngừa rủi ro; phải đảm bảo những nguyên tắc chặt chẽ trong việc thẩm định cho vay tiêu dùng. Đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng lại gia tăng nợ xấu thì sẽ rất có hại cho nền kinh tế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.