Đi tìm khoảng "mù" tại bản án số: 1264/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 của Tòa án Nhân dân quận Phú Nhuận
Con đường dẫn tới vụ tranh chấp giữa Ngân hàng TMCP Phương Nam và gia đình ông Hoàng Hữu Hiệp
Tại trang 2 Bản án số 1264/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 của TAND quận Phú Nhuận (sau đây viết tắt là Bản án 1264) có ghi: “Theo đơn khởi kiện ngày 26-3-2015, nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sau đây viết tắt là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Ngày 26/6/2011, Ngân hàng TMCP Phương Nam – Chi nhánh Sài Gòn và ông Hoàng Hữu Hiệp, bà Nguyễn Thị Điệp có ký Hợp đồng tín dụng số 050/06/11. Theo hợp đồng đã ký thì Ngân hàng TMCP Phương Nam – Chi nhánh Sài Gòn cho ông Hiệp, bà Điệp vay số tiền 5.050.000.000 (Năm tỷ năm mươi triệu) đồng, thời hạn vay 12 tháng từ ngày 29/6/2011 đến 29/6/2012, gia hạn đến ngày 29/6/2013, mục đích vay: Thanh toán tiền mua nhà, lãi suất 1,9%/tháng.
Bản án số 1264/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 của TAND quận Phú Nhuận - TPHCM |
Để đảm bảo nợ vay và nghĩa vụ khác có liên quan, ông Hiệp, bà Điệp đã dùng tài sản thuộc sở hữu của mình là Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số 130 Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh và Quyền sử dụng đất tại thửa đất 453, tờ bản đồ số 07 xã An Phước. huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để thế chấp cho Ngân hàng theo Hợp đồng thế chấp số 033/ HĐTC/SG11 ngày 28/6/2011, số công chứng 017159, đăng ký giao dịch đảm bảo tại Văn Phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh và Hợp đồng thế chấp số 030/ HĐTC/SG11 ngày 29/6/2011, số công chứng 279/2011 đăng ký giao dịch đảm bảo tại Văn Phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai…
Nay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín khởi kiện yêu cầu ông Hiệp, bà Điệp phải thanh toán toàn bộ số tiền nợ vốn còn lại và lãi tạm tính đến ngày 21/11/2018:
+ Nợ gốc: 1.050.000.000 đồng;
+ Lãi trong hạn: 7.634.295.000 đồng;
+ Lãi quá hạn: 2.648.156.667 đồng;
Tổng cộng 11.332.451.667 đồng.
Trường hợp ông Hiệp, bà Điệp không thanh toán được nợ thì đề nghị phát mãi tài sản thế chấp là Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại 130 Nguyễn Đình Chính, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh để thu hồi nợ”.
Tại trang 3 Bản án 1264 có viết: “Tại biên bản ngày 24 tháng 10 năm 2017 và quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, ông Hoàng Hữu Hiệp cùng đại diện cho bà Điệp xác nhận ngày 28/6/2011 ông Hiệp và bà Điệp có ký Hợp đồng tín dụng số 050/06/11 vay của Ngân hàng TMCP Phương Nam số tiền 5.050.000.000 (Năm tỷ năm mươi triệu) đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 1,9%/tháng, mục đích vay để thanh toán tiền mua nhà. Tuy nhiên ông không đồng ý trả tiền lãi vì ông không vay tiền để thanh toán mua nhà, số tiền 5.050.000.000 (Năm tỷ năm mươi triệu) đồng do bị đơn vay nhiều lần từ 1999, đóng lãi đầy đủ đến tháng 5/2001, sau đó thì việc làm ăn kinh doanh gặp khó khăn, bị đơn không có khả năng trả tiền lãi nên từ năm 2002 đến 2011 Ngân hàng TMCP Phương Nam liên tục cho bị đơn vay để đóng lãi, tổng cộng tạm tính là 3.000.000.000 (Ba tỷ) đồng. Đến tháng 6 năm 2011 thì Ngân hàng TMCP Phương Nam – Chi nhánh Sài Gòn gộp các hợp đồng vay thành một, tổng cộng là 5.050.000.000 (Năm tỷ năm mươi triệu) đồng”.
Hé lộ khoảng “mù” trong bản án 1264
Tại trang 5 Bản án 1264 có đoạn ghi: “Quá trình thu thập chứng cứ, ông Hiệp yêu cầu Tòa thu thập chứng cứ là đơn xin đề nghị vay vốn của ông từ năm 2001 đến 2010 và các giấy chủ quyền những căn nhà mà Ngân hàng đề nghị ông viết trong đơn vay vốn nhằm xác định mục đích vay là giả tạo, ông đã sử dụng tiền vay để trả lãi cho Ngân hàng, không sử dụng tiền vay để thanh toán tiền mua nhà và yêu cầu tòa triệu tập những người đã ký hợp đồng tín dụng cho ông vay tiền. Yêu cầu của bị đơn không được chấp nhận, nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích là nghĩa của khách hàng, không vì việc khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích để xác định hợp đồng giả tạo và không tính lãi cho Ngân hàng theo thỏa thuận của hợp đồng”.
Thật khó hiểu khi Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Bà Trần Thị Ngọc Trâm lại đưa ra nguyên nhân bác bỏ yêu cầu của bị đơn kiểu như trên. Bởi Thẩm phán Trâm đã khéo biết tạo dựng ra một khoảng “mù” nhằm che lấp hộ hành vi vi phạm pháp luật của Ngân hàng TMCP Phương Nam trong hoạt động tín dụng.
Thẩm phán Trâm nói: “nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích là nghĩa vụ của khách hàng”. Điều này rất đúng với các quy định mà pháp luật đã ban hành. Song nó lại không trúng với những gì diễn ra trong vụ án này.
Thực tế cho thấy, Hợp đồng tín dụng số 050/06/11 ông Hiệp, bà Điệp vay của Ngân hàng TMCP Phương Nam số tiền 5.050.000.000 (Năm tỷ năm mươi triệu) đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 1,9%/tháng là thực. Mục đích Ngân hàng TMCP Phương Nam cho ông Hiệp, bà Điệp vay tại Hợp đồng tín dụng này là để “đáo nợ” những khoản vay trước còn nợ lại chứ không phải vay để thanh toán tiền mua nhà.
Hành vi cho vay này của Ngân hàng TMCP Phương Nam đã vi phạm vào Khoản 5, Khoản 6, Điều 8 về “Những nhu cầu vốn không được cho vay”, tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thậm chí, nhằm thực hiện trót lọt hành vi vi phạm đó, cán bộ phòng tín dụng Ngân hàng TMCP Phương Nam đã làm giả mạo các hợp đồng mua bán nhà giúp ông Hiệp, bà Điệp hoàn tất hồ sơ đề nghị vay vốn nộp cho ngân hàng.
Nhận định về hành vi này, Tạp chí Doanh nghiệp&Hội nhập kỳ 2-11/2017 có bài viết “Chuyện lạ xảy ra ở Sacombank: Chính ngân hàng làm “thủ thuật” đáo nợ cho khách vay tiền”. Trong bài viết này, tác giả Hà Minh có viết: “Việc ngân hàng làm “thủ thuật” đáo nợ cho khách vay tiền, mà thực chất là dồn khách hàng vào “chỗ chết”, rõ ràng là hành vi cố ý làm trái qui định của Ngân hàng Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của khách hàng đang thế chấp tại ngân hàng”.
Mặc dù biết rõ Hợp đồng tín dụng số 050/06/11 là hợp đồng ký trái quy định của pháp luật; Những tài liệu kèm theo hồ sơ vay vốn của ông Hiệp, bà Điệp do Ngân hàng TMCP Phương Nam tạo lập đều là giả mạo, vậy mà Thẩm phán Trần Thị Ngọc Trâm – Chủ tọa phiên tòa vẫn ra Quyết định: “1. Buộc ông Hoàng Hữu Hiệp và bà Nguyễn Thị Điệp trả cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín số tiền gốc 1.050.000.000 đồng; lãi trong hạn: 7.634.295.000 đồng; lãi quá hạn: 2.648.156.667 đồng; tổng cộng 11.332.451.667 (Mười một tỷ ba trăm ba mươi hai triệu bốn trăm năm mươi mốt nghìn sáu trăm sáu mươi bảy) đồng của hợp đồng tín dụng số 050/06/11 ngày 28/6/2011. Thi hành một lần ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật”.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, Bản án sơ thẩm số 1264 của TAND quận Phú Nhuận - TPHCM đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Hữu Hiệp, bà Nguyễn Thị Điệp; thậm chí quyền lợi hợp pháp của chính cơ quan tiến hành tố tụng cũng bị xâm hại (gây mất uy tín và niềm tin). Rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết dứt điểm những nội dung sai trái này để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, trong sạch trong hoạt động tài chính – ngân hàng và để mỗi người dân có được niềm tin vào công lý.
5. Để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
6. Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;
b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
(Trích Điều 8, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.