Điểm danh những đại gia ngoại muốn thâu tóm Big C Việt Nam
Doanh thu bán lẻ tăng và đầu tư từ nước ngoài bùng nổ đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh suốt thập kỷ qua. Ông Tos Chirativath, Chủ tịch kiêm CEO Central Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan từng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng lớn với 90 triệu dân. Trong đó 60% ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. "Việt Nam đã và đang trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, trong đó có Thái Lan", vị này cho biết.
Vì thế, khi Casino Group (Pháp) - đơn vị sở hữu thương hiệu Big C Việt Nam thông báo kế hoạch bán chuỗi siêu thị ở Việt Nam để tái cơ cấu, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài đã không bỏ qua cơ hội thâu tóm Big C Việt Nam. Reuters cho biết hôm qua (10/3) là hạn chót để các hãng nộp hồ sơ ban đầu chào mua Big C Việt Nam. Còn Bloomberg cũng tiết lộ TCC Holding, Lotte Group và Central Group nằm trong số các công ty đã nộp đơn.
1. Berli Jucker
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - Chủ tịch Berli Jucker. Ảnh: Forbes
Giữa tháng 1, Berli Jucker thông báo đang nhắm tới mua mảng kinh doanh tại Việt Nam của Casino Group. Berli Jucker thuộc TCC Holding - công ty của tỷ phú giàu nhì Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi.
Hãng cho biết do nhu cầu từ thị trường trong nước yếu, họ muốn theo đuổi chính sách tích cực mở rộng sang nước ngoài. Cụ thể là các thị trường châu Á đang tăng trưởng nhanh, như Campuchia, Lào và Việt Nam, Nutt-Hathai Thanachairunsiri - người phụ trách quan hệ cổ đông của tập đoàn cho biết trên Reuters.
Berli Jucker thành lập năm 1882, là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với vốn hóa khoảng 59,3 tỷ Baht (khoảng 1,68 tỷ USD). Hoạt động kinh doanh của BJC được phân thành 5 chuỗi cung ứng chính gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe - kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.
Hồi tháng 1, Berli Jucker cũng đã hoàn tất mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu euro.
2. Central Group
Gia đình tỷ phú Chirathivat đã mở một trung tâm mua sắm tại Hà Nội năm 2014.
Chỉ vài ngày sau khi thông tin Berli Jucker muốn mua Big C Việt Nam được phát ra, Central Group cũng tỏ ý muốn mua mảng hoạt động của Casino Group tại cả Việt Nam và Thái Lan. Thời gian gần đây, Central rất tích cực mua các tài sản bên ngoài để mở rộng hoạt động ra khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Tập đoàn Central Group do ông Tiang Chirathivat sáng lập năm 1927. Năm 1957, Samrit Chirathivat - con trai ông Tiang tiếp tục kế thừa sự nghiệp và khánh thành khu trung tâm mua sắm đầu tiên ở Thái Lan, là Central Department Store tại Wang Burapha, Bangkok.
Hiện tại, cháu nội ông Tiang Chirathivat - Tos Chirathivat là CEO Central Group. Tài sản lớn nhất của gia đình là Central Retail - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu các trung tâm mua sắm như Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).
3. Lotte Group
Lotte Group cũng muốn sở hữu Big C Việt Nam. Ảnh: Asia One
Cuối tháng 1, Reuters đưa tin Lotte Shopping (thuộc Lotte Group) cũng sẽ tham gia cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam. Lotte Shopping là chuỗi trung tâm mua sắm tổng hợp lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong 5 mảng - trung tâm thương mại, cửa hàng giảm giá, tài chính, cửa hàng điện tử và các mảng kinh doanh khác.
Mảng trung tâm thương mại điều hành các chuỗi trung tâm thương mại mang thương hiệu Lotte. Mảng cửa hàng giảm giá sở hữu chuỗi cửa hàng giảm giá Lotte và Lotte Mart. Mảng tài chính chủ yếu tham gia phát hành và quản lý thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Mảng cửa hàng điện tử quản lý các cửa hàng điện tử. Còn mảng kinh doanh khác liên quan đến siêu thị, rạp phim và kênh mua sắm qua truyền hình.
Năm 2014, công ty này đạt doanh thu 23 tỷ USD với lợi nhuận 509 triệu USD.
4. Dairy Farm International Holdings
7 Eleven là một trong các thương hiệu của Dairy Farm. Ảnh: Reuters
Thông tin hãng này muốn mua Big C Việt Nam được phát đi cuối tháng 1. Khi ấy, Dairy Farm cho biết họ vẫn đang thảo luận giá mua với các ngân hàng.
Dairy Farm là tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 tại Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Đến cuối tháng 6/2015, hệ thống của hãng có khoảng 6.400 cửa hàng với hơn 170.000 nhân viên. Dairy Farm hoạt động trên các mảng - siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, cửa hàng đồ nội thất với nhiều thương hiệu như 7-Eleven, Cold Storage, Guardian, Wellcome, Giant, Hero...
Doanh thu năm 2014 của đơn vị này vào khoảng 13 tỷ USD. Dairy Farm International Holdings đã niêm yết tại sàn London, Bermuda và Singapore. Mọi hoạt động của hãng được điều hành từ Hong Kong (Trung Quốc) bởi Dairy Farm Management Services.
5. Aeon
Aeon là hãng bán lẻ hàng đầu Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Cuối tháng 1, Reuters cũng trích lời một nguồn tin cho biết Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon cũng đang cân nhắc đề nghị về việc tham gia cuộc đua này. Tuy nhiên, theo vị này, Aeon chưa có thêm động thái tích cực nào.
Aeon thành lập năm 1758, là hãng bán lẻ có doanh thu hoạt động cao nhất ngành tại Nhật Bản trong 4 năm tài chính gần đây. Theo số liệu trên website, tính đến tháng 2/2015, hãng có hơn 600 cửa hàng, 207 trung tâm mua sắm và 440.000 nhân viên. Aeon gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.