Điều kỳ diệu của nữ sinh ước được lắp chân giả để đi học
Ngày 27/4, TAND thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Trọng Hiệp (41 tuổi, nhân viên lái xe của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thiên Định Vũng Tàu) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bị hại trong vụ án là hai em Trần Minh Lực và Trần Thị Hồng (sinh năm 2004). Trong đó, em Hồng bị thương rất nặng, phải cắt một bên chân trái, bàn chân phải biến dạng dù đã được phẫu thuật, tỉ lệ thương tật tới 87%...
Hồng gặp nhiều khó khăn sau tai nạn (Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM)
Gần 2 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, do Lực bị thương nhẹ nên được đến trường và chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Còn Hồng, em phải nghỉ học, trải qua nhiều ca mổ với những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần khi chân trái bị cắt gần hết, còn chân phải dù dần có hình hài nhưng không thể trở lại như xưa.
Với chân phải yếu, thường xuyên đau nhức, cùng chiếc xe lăn, Hồng cũng đã cố gắng tập làm quen để tự làm một số việc cá nhân nhưng rất khó khăn, phải phụ thuộc vào người nhà trợ giúp, chăm sóc…
Tại phiên tòa, khi được HĐXX hỏi, Hồng bày tỏ mong muốn Công ty Thiên Định sớm hỗ trợ em chi phí lắp một cái chân giả. Bởi sau khi có chân, em sẽ phải tập làm quen dần trước khi có thể bắt đầu theo học ở môi trường mới, cuộc sống mới.
Hồng đã được một mạnh thường quân hỗ trợ lắp chân giả (Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM)
Tuy nhiên, sau phiên tòa, nỗi lo về chi phí ngày một lớn khi doanh nghiệp đã từ chối bồi thường vì khó khăn. Tòa thì quyết định tách phần chi phí lắp chân giả để giải quyết ở một vụ khác.
Mới đây, theo báo Pháp Luật TP.HCM, một mạnh thường quân hứa sẽ tài trợ toàn bộ chi phí lắp chân giả cho em Hồng.
Nhận được tin, Hồng rất vui mừng. Cô bé cho biết, chân phải của em hiện giờ qua các lần phẫu thuật cũng không thể đứng được bình thường, chỉ ít phút xỏ giày vào chân là nước mủ sẽ xì ra. Tuy nhiên trước mắt, em chỉ mong được lắp chân trái.
“Con cũng rất đắn đo, có lẽ không nên lắp chân giả quá tốt, giá cao. Vì trong quá trình đi sau này sẽ có lúc hỏng phải sửa, con sợ khi ấy không có tiền để sửa”, Hồng chia sẻ chân thật những suy nghĩ của mình.
Đồng thời, Hồng cho biết em đã xác định sẽ tập trung, nỗ lực học về vi tính để sau này tìm nghề phù hợp khi sức khỏe cho phép.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.