Doanh nghiệp “kiệt sức” cần bơm thêm “oxy tín dụng”

2021-09-23 18:58:43 0 Bình luận
Chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó như lúc này, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang “kiệt sức” trong thời điểm TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng nay. Vì vậy, doanh nghiệp cần bơm “oxy tín dụng” để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp cần “oxy tín dụng”

Làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát đã khiến doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền, vì thế, lúc này doanh nghiệp cần ngân hàng bơm thêm “oxy tín dụng” cho doanh nghiệp để tạo thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với trên 21.500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh (trong đó có 50% số doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh) thực hiện cuối tháng 8/2021 cho thấy, có đến 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) phải tạm dừng sản xuất - kinh doanh do dịch. Và có đến 40% doanh nghiệp đang hoạt động chỉ đủ tiền duy trì dưới 1 tháng.

Khó khăn phổ biến nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu tiền trả tiền lương cho người lao động, trả lãi vay cho ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng... Có 40% doanh nghiệp phải vay ngân hàng để giải quyết những vấn đề trên. 

Đó là con số thống kế, còn trên thực tế, tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành thực phẩm đang rất… khát vốn. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Doanh nghiệp đã đuối rồi, không còn sức chống chọi. Trong số các doanh nghiệp còn sức chống chọi thì sức của họ cũng còn chưa đầy 30%. Nếu những gì bất cập, không đi vào thực tế vẫn còn và cơ quan chức năng không kịp thời giúp cho doanh nghiệp có nguồn vốn hoạt động trong thời điểm này, chắc chắn vào dịp lễ Tết tới đây người dân TP.Hồ Chí Minh sẽ thiếu thực phẩm”.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh (HUBA), Thành viên Tổ công tác phục hồi kinh tế Thành phố cũng xác nhận các doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh hiện nay rất cần tiếp thêm vốn vì nguồn vốn của các doanh nghiệp đã cạn kiệt. “Doanh nghiệp cần ngân hàng “bơm” một lượng vốn lớn để có thể phục hồi sản xuất. Lâu nay, các doanh nghiệp vay vốn bằng thế chấp tài sản nhưng hiện nay hầu hết các tài sản này đều nằm ở ngân hàng. Vì vậy, doanh nghiệp không còn gì để bảo đảm các khoản vay thêm” - ông Chu Tiến Dũng thông tin. 

Theo ghi nhận, hàng loạt doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cho biết đang “thoi thóp”, khó có thể cầm cự thêm sau hơn 3 tháng giãn cách, nên việc thành phố mở dần nền kinh tế là rất cấp thiết.

 Doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp để duy trì dòng tiền trong khó khăn

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, doanh nghiệp cũng đang “kiệt quệ”. Mặt khác, khá nhiều đơn hàng cho quý 4 cần doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nếu không mở cửa sớm, các đơn hàng cần giao sẽ khó đáp ứng. Đặc thù của dệt may là theo mùa và mùa này đơn hàng cận Tết khá dồi dào. Do đó, nếu tiếp tục giãn cách, doanh nghiệp sẽ gãy chuỗi sản xuất và mất đơn hàng quý 4. TP. Hồ Chí Minh nên mở cửa sớm để doanh nghiệp dễ dàng trong kế hoạch kinh doanh và nhận đơn hàng cho quý 4.

Cũng theo ông Hồng, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 có 80% công nhân đã tiêm vắc xin mũi 1 và một vài nhóm đã tiêm mũi 2. Do đó, công ty sẵn sàng cho mở rộng hoạt động; công ty cũng đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, cơ cấu lại “sức khỏe tài chính” và lên kế hoạch tốt nhất.

 “Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình” - Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhấn mạnh.

Theo HoREA, cái khó “thiếu dòng tiền” có liên quan trực tiếp đến “cái khó về tín dụng” vì trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng. Thậm chí, Hiệp hội này còn cho biết, có doanh nghiệp phải đi “vay nóng” để trả lương, duy trì hoạt động tối thiếu.

Đứng ở góc độ một chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét hiện có rất nhiều doanh nghiệp không thể vay tiền ngân hàng vì tài chính sa sút hoặc không có tài sản thế chấp. Vì thế, những biện pháp như giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ hoặc không chuyển nhóm nợ không còn ý nghĩa, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Ông Đào Gia Hưng - phụ trách khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng VPBank cho biết, ông đã trực tiếp làm việc với những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh - phân khúc khách hàng chịu tác động nhiều nhất từ Covid-19 và thấy có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là doanh nghiệp không trả được nợ, dòng tiền bị đứt trong khi tài sản của doanh nghiệp thì… “nằm một đống”. Vì vậy, lúc này, các doanh nghiệp rất cần được ngân hàng “bơm oxy tín dụng” để qua cơn ngắc ngoải.

Hỗ trợ tài chính trực tiếp

Cũng theo ông Đào Gia Hưng, khi có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên phân loại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có ý chí vươn lên, có thể tồn tại qua đại dịch thì xứng đáng được hỗ trợ. “Những doanh nghiệp đã cạn kiệt nên mạnh dạn chuyển trạng thái. Những doanh nghiệp còn khả năng hoạt động nếu được hỗ trợ kịp thời sẽ bùng lên như lò xo nén sau khi kinh tế mở cửa. Với loại doanh nghiệp này, cần giảm lãi suất 2,0%, 3,0% và có nguồn tiền giúp họ giải quyết nợ vay. Và điều này cần “bàn tay hữu hình” của Chính phủ”, ông Đào Gia Hưng nói.

Ngoài giảm lãi suất, theo nhiều doanh nghiệp, cần nâng hạn mức tín dụng và tài sản lên thêm 10% - 15% (trần 100% hoặc hơn) để doanh nghiệp có tiền hoạt động. Với những doanh nghiệp vẫn còn duy trì thanh khoản cũng nên “bơm vốn” cho họ.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó đưa ra nhiều yêu cầu về các chính sách hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền… cần báo cáo ngay trong tháng 9. Chẳng hạn như phải có chính sách về ưu đãi thuế, giảm giá điện, giảm lãi suất cho vay, miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội, quản lý giá cước vận tải, xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn…

Thực tế là để giải quyết khó khăn do dòng tiền, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất hoặc đi vay từ ngân hàng và các tổ chức khác… Theo bà Lê Dung - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup, tài chính là yếu tố then chốt và sống còn với các doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp phải đưa ra nhiều biện pháp như tiết giảm chi phí, giảm giá dịch vụ để giữ khách hàng, thậm chí doanh nghiệp còn bán bớt tài sản để cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cũng về vấn đề này, bà Vũ Thị Thuận - Thành viên HĐQT Công ty Traphaco cho hay, khó khăn chung của các doanh nghiệp chính là sức mua của người dân giảm nhiều cùng chi phí sản xuất, phân phối là rất lớn... dẫn đến chi phí tăng trong khi doanh thu của doanh nghiệp lại giảm. Vì thế, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức làm việc, quản trị, đưa ra những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn; cắt giảm chi phí không cần thiết để ứng dụng cho công nghệ.

Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp luôn mong muốn có các gói tài chính hỗ trợ trực tiếp về thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các doanh nghiệp dệt may đề nghị giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021, kiến nghị thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; TP. Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022… Bên cạnh đó, Vitas cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,0%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ xây mới nhà thiệt hại do bão số 3

Những ngày qua, TP.Hải Phòng đã nhận dc sự quan tâm, chung tay, góp sức từ các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 gây ra. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp, khiến cho Hải Phòng thiệt hại về người và tài sản lên tới 11.000 tỷ đồng.
2024-09-19 19:48:34

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, hôm nay (18/9) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tổ chức Hội nghị lần thứ 10 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
2024-09-19 16:02:36

Đại nhạc hội sinh viên kinh tế 2024 chính thức ấn định ngày trở lại

Một tin vui bất ngờ dành cho cộng đồng sinh viên NEU! Sau khi tạm hoãn vì những lý do khách quan, BTC NEU Concert 2024 đã chính thức xác nhận thời gian trở lại vào ngày 5/10.
2024-09-19 15:25:44

Hà Giang: CSGT đến tận trường phổ biến luật ATGT cho học sinh

Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là đối với các em học sinh, Đội 2 Phòng CSGT Công tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Hà Giang tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho các em học sinh trong trường.
2024-09-19 15:04:52

Chính sách ưu đãi đối với Doanh nghiệp của thương binh và NKT: Những bất cập cần giải quyết

Hiện nay, Việt Nam các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật còn thiếu đồng bộ và bất cập. Nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.
2024-09-19 10:50:25

UBMTTQ Việt Nam TP.Hải Phòng tiếp nhận hơn 60 tỷ đồng hỗ trợ sau bão số 3

18/9, Quân khu 7 và các doanh nghiệp đã đến trao tặng kinh phí, nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư hỗ trợ Hải Phòng khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, tổng số tiền 2 tỷ đồng. Tính đến nay, UBMTTQ Việt Nam TP.Hải Phòng tiếp nhận kinh phí ủng hộ khoảng hơn 60 tỷ đồng.
2024-09-19 10:31:19
Đang tải...