Độc quyền SGK gây ra tình trạng nô lệ cho cả thầy lẫn trò
Liên quan đến chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) đã được Quốc hội thông qua đang gây ra nhiều tranh cãi, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Phạm Thị Ly - chuyên gia quản lí giáo dục, giám đốc chương trình nghiên cứu – Viện đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM.
TS. Phạm Thị Ly - chuyên gia quản lí giáo dục, giám đốc chương trình nghiên cứu – Viện đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM |
Thưa chị, xin chị cho biết quan điểm về chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK” đã được Quốc hội thông qua?
TS. Phạm Thị Ly: Một chương trình nhiều bộ sách SGK là một chủ trương mới mà chúng ta đang dò dẫm thực hiện từng bước nhưng điều này là một thực tế hoàn toàn không mới. Trái lại, rất phổ biến trên thế giới, thậm chí đã từng là thực tế của miền Nam trước năm 1975.
Dĩ nhiên là có nhiều lý do để điều này được chấp nhận phổ biến như vậy. Triển khai chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK chỉ là một trong những nỗ lực đưa việc vận hành hệ thống giáo dục của chúng ta đi theo những nguyên tắc phổ quát đã được công nhận rộng rãi trên thế giới. Nó là một phần của xu hướng toàn cầu hóa không thể đảo ngược; mà toàn cầu hóa có nghĩa là mở cửa, và mở cửa nghĩa là chấp nhận giao lưu, liên minh và thỏa hiệp, đa dạng và đa nguyên.
Vậy ưu và khuyết điểm của việc một chương trình nhiều bộ SGK là gì thưa chị?
Hiển nhiên là người dùng có nhiều lựa chọn hơn và do đó có nhiều cơ hội có được sản phẩm tốt hơn để dùng. Phi độc quyền sẽ tạo ra cạnh tranh, và cạnh tranh sẽ tạo ra động lực phát triển. Chỉ cần có thêm một hãng máy bay khác bên cạnh Vietnam Airlines, một công ty viễn thông khác bên cạnh Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN, chúng ta đã thấy chất lượng tốt hơn trước nhiều và giá rẻ hơn gấp bội. Trong lĩnh vực SGK cũng vậy thôi. Độc quyền không bao giờ là tốt cả, vì tình trạng độc quyền sẽ triệt tiêu mọi động lực cải thiện.
Tình trạng độc quyền SGK đã diễn ra ở Việt Nam trong một thời gian quá dài, hệ quả của nó là giá sách quá cao dẫn tới sách in lậu, nhưng quan trọng nhất là tình trạng nô lệ bất đắc dĩ của cả thầy lẫn trò. Các nhà soạn sách không chịu áp lực cạnh tranh, không bị thách thức bởi ai khác trong giới hàn lâm, đã duy trì những cách làm lạc hậu mà không thấy cần phải thay đổi.
Chùm bài Sách giáo khoa Việt Nam quá lạc hậu
Sách giáo khoa lạc hậu: Mất 3 lớp chỉ để học "gõ máy tính 10 ngón"?
SGK Tiếng Anh: Học sinh lẫn giáo viên phát chán vì phải học đi học lại
SGK Địa lý lạc hậu 10 năm: Tôi thấy ngượng khi dạy cho HS những kiến thức này
Chấp nhận một chương trình nhiều bộ SGK là chấp nhận sự đa dạng trong phương pháp tiếp cận để đạt đến một mục tiêu, chấp nhận “xã hội hóa” theo đúng ý nghĩa của từ này, tức là khích lệ sự tham gia và sử dụng mọi nguồn lực trí tuệ, tài năng, vật chất trong xã hội vào việc cải thiện hệ thống giáo dục.
Đa dạng liệu có dẫn đến bát nháo, lộn xộn, tùy tiện, loạn chuẩn mực? Tất nhiên nhiều người cùng làm thì sẽ có hay có dở có tốt có xấu, hoặc có tốt nhiều tốt ít, tốt về mặt này chưa tốt về mặt kia.
Nếu Bộ GD&ĐT tuân thủ đúng cách làm hiện nay theo như đã công bố (tức là có tiêu chí đánh giá SGK để làm cơ sở cho các nhóm tác giả soạn thảo, đặc biệt nhấn mạnh việc hỗ trợ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh) thì chúng ta có thể hy vọng vào việc hạn chế sự tùy tiện.
Thật ra, bộ tiêu chí này (gồm 18 tiêu chí và 44 chỉ số, hiện còn đang lấy ý kiến, chưa chính thức ban hành), là một yếu tố quan trọng, nhưng chưa đầy đủ. Hai yếu tố khác không kém phần quan trọng, là quy trình thẩm định công khai, minh bạch đến mức độ nào, và thành phần của Hội đồng thẩm định là những ai?
Nếu bộ tiêu chí thẩm định SGK được xây dựng trên cơ sở hợp lý, có tổ chức phản biện và được chấp nhận rộng rãi; nếu quy trình thẩm định bảo đảm được sự công bằng chính trực; nếu hội đồng thẩm định là những người mà năng lực chuyên môn và uy tín của họ thuyết phục được giới biên soạn sách và công chúng; thì chúng ta có thể tin rằng sẽ có được những bộ SGK tốt.
Các thầy cô giáo sẽ là người lựa chọn dùng bộ SGK của nhóm tác giả nào. Bởi vì SGK nào cũng phải đáp ứng những chuẩn mực tối thiểu và hướng tới thực hiện chương trình đã ban hành, cho nên các trường và các bậc phụ huynh không cần e ngại. Các nhóm biên soạn SGK cần có nhiều hoạt động truyền thông để cung cấp thông tin đầy đủ giúp các trường và phụ huynh hiểu rõ quan điểm biên soạn của họ.
"Một chương trình nhiều bộ SGK" đã được Quốc hội thông qua, theo đánh giá, thực hiện chủ trương này có thể xóa bỏ độc quyền SGK của NXB Giáo dục Việt Nam. Liệu có thể xóa được độc quyền này không thưa chị?
Biên soạn SGK và in ấn SGK là hai vấn đề khác nhau. Nếu Bộ quy định SGK phải được in ở NXB GD thì độc quyền vẫn là độc quyền! Nhưng tôi tin là sẽ chẳng ai quy định như thế. Kể cả nếu Bộ có quy định như vậy chăng nữa thì độc quyền in sách chỉ dẫn tới giá sách cao thôi, chứ không ảnh hưởng tới việc đa dạng hóa những cách tiếp cận giáo dục.
SGK liệu có thể giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục không thưa chị?
SGK có một vai trò quan trọng nhưng một mình nó không thể gánh nổi trách nhiệm sửa chữa hết những khiếm khuyết của cả hệ thống giáo dục.
Kể cả khi đã có chương trình tốt và những bộ SGK thực sự tốt, vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước để làm thay đổi nhận thức của giáo viên và phụ huynh. Không có sự thay đổi này thì SGK dù có tốt cũng chỉ có không bao nhiêu tác dụng.
Xin cảm ơn sự chia sẻ của TS!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.