Gặp Cựu chiến binh tham gia 2 chiến dịch “Điện Biên Phủ”
Bao lần lỡ hẹn, đến hôm nay tôi mới có dịp ghé thăm gia đình Đại tá Đinh Thế Văn, AHLLVT – Người đã vinh dự được tham gia 2 chiến dịch “Điện Biên Phủ”. Tư gia Đại tá Văn nằm bên dòng sông Cà Lồ (Đông Anh – Hà Nội) mượt bóng cau, vườn trầu, và những vườn bưởi trĩu quả.
Tiểu Đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) đang thuyết minh cách đánh B.52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Biết tôi tới thăm, Đại tá Văn đã quân phục chỉnh tề đón chúng tôi từ đầu ngõ. Đưa chúng tôi vào phòng khách ở tầng 1 ngôi nhà, ông chậm rãi châm trà và mời khách. Uống xong tuần trà, ông mời chúng tôi lên tầng 2 thăm quan phòng truyền thống.
Phòng Truyền thống của Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn gồm những bức tượng, phù điêu, tranh, ảnh được sắp xếp ngăn nắp, tuần tự theo những sự kiện quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp. Nhìn thấy những hình ảnh đó, hình như đã đưa ông về với những ký ức từ thủa thiếu thời.
Ngược dòng thời gian, ông Văn bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện tham gia kháng chiến của ông, từ khi còn là một cậu học trò trường làng.
Đầu tháng 2/1954, mình trốn gia đình đi thanh niên xung phong (TNXP), khi đó mới học được gần hết học kỳ 1, lớp 5. Đầu tháng 3/1954, Đại đội (C) 268, Tiểu đoàn (D) 531, Sư đoàn (F) 312 về đơn vị TNXP nơi mình đang công tác tuyển quân. Khi đó, mình gày lắm, cân nặng chỉ có 38kg. Vì mong ước muốn được trở thành anh bộ đội, nên mình đã bí mật giấu hai viên gạch vào người nhưng vẫn không đủ tiêu chuẩn cân nặng để nhập ngũ.
Nhìn cảnh cả đơn vị TNXP lúc đó được chuyển sang quân đội, chỉ có mình còn xót lại do không đủ tiêu chuẩn sức khỏe, mình buồn lắm. Đợi đơn vị hành quân được khoảng 1 km, mình chạy theo năn nỉ. Sự nhiệt tình đó đã tác động đến thủ trưởng đơn vị. Thế là mình chính thức được nhập ngũ. Đó là ngày 02/03/1954 - Ngày mà mình không bao giờ quên. Khởi đầu ngày nhập ngũ, mình được trở thành chiến sĩ 12 ly 7 phòng không bắn máy bay bảo vệ cho bộ binh đánh đồi Him-Lam, Điện Biên Phủ. Sau khi giải phóng Điện Biên (ngày 07/05/1954), đơn vị hành quân về Vĩnh Yên tham gia chiến dịch Hè năm 1954. Được ít ngày, thì đến ngày 21/07/1954 hòa bình được lặp lại.
Đại tá Đinh Thế Văn, AHLLVTND chăm chú xem Tạp chí Hướng nghiệp&Hòa nhập do tác giả tặng. Ảnh Vân Anh
Tháng 10/1954 cả đơn vị về tập kết tại Cao Bằng và biên chế về Binh chủng, Pháo Cao Xạ 88 ly. Tại đây, mình được biên chế vào C thông tin vô tuyến điện (VTĐ). Biết nghề VTĐ đòi hỏi phải có trình độ cấp II (hết lớp 7), thế là mình phải nhờ mua toàn bộ tập sách: Toán, Lý, Hóa cấp 2 về tự học.
Đến năm 1956, toàn bộ các đơn vị sáp nhập vào Binh chủng Pháo 88 ly về bảo vệ Thủ đô. Vào thời gian này, Trung đoàn (E) 250 có 4 C Pháo 88 ly, bố trí ở Nhật Tân; Hồ Yên Quyết; Nghĩa Dũng; Lĩnh Nam (Thanh Liệt). Mình được biên chế về đại đội thông tin - Sở chỉ huy E 250 (ở Giảng Võ).
Tháng 2/1958, mình được chuyển lên làm Trạm phó trạm phát VTĐ – thuộc C1- D26 Phòng thông tin F367.
Thời kỳ này, mình vừa huấn luyện, vừa công tác, vừa chịu khó tham gia lớp học tại chức, nên năm 1960 đã được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp VTĐ.
Đến tháng 4/1961 do quân đội phải cắt giảm quân số nên các đơn vị đều được chuyển ½ đơn vị ra làm kinh tế, bản thân mình được chuyển ngành về công tác tại Nhà máy Supe Phốt Phát Lâm Thao (Phú Thọ)…
Nói tới đây, bỗng giọng ông trùng lại, đôi mắt có vẻ đượm buồn. Tôi hỏi: Trong giai đoạn này, Đại tá có gì hối tiếc chăng..? Không cần suy nghĩ lâu, Đại tá Văn chậm dãi nói: Về công tác, về sự đóng góp, về thành tích mình đạt được trong 7 năm (từ 1954 đến 1961) không có gì phải áy náy. Bởi, quãng thời gian này đã giúp mình trưởng thành lên nhiều. Sự đóng góp của mình cho quân đội chưa nhiều, song cũng được cấp trên tặng thưởng 7 giấy khen và 2 lần chụp ảnh dưới quân kỳ. Song, chỉ tiếc rằng, những người đồng đội sát cánh bên mình cùng chiến đấu ở Him-lam không còn nữa. Họ mãi mãi ở “tuổi đôi mươi”...!
Để xóa tan bầu không khí trầm lắng này, tôi chỉ tay lên những bức ảnh treo trong phòng truyền thống rồi hỏi về lịch sử ra đời của chúng. Như nhớ lại những ký ức từ ngày tái ngũ đến cuộc chiến 12 ngày đêm (từ 18 đến 30/12/1972) trên bầu trời Hà Nội, ông Văn tiếp tục kể:
Tháng 7/1965, mình thi đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa – Hà Nội, khoa VTĐ. Tháng 11/1965 tựu trường, thì tháng 12/1965 tái ngũ trở lại Quân đội. Mình được biên chế về E 257 - Quân chủng Phòng không – không quân (PK-KQ), chuyên về điều khiển tên lửa Phòng không SAM-2; BUMHA; CA-75A. Sau 3 tháng học nghiệp vụ chuyên ngành do chuyên gia Liên Xô đào tạo, tôi được học lớp sĩ quan điều khiển tên lửa. Học xong, tôi được biên chế giữ chức Trưởng xe chỉ huy, kiêm Sĩ quan điều khiển tên lửa D77- E257-F361- quân chủng PK-KQ. Trong suốt những năm ở D 77, mình không lúc nào được rời xe điều khiển, rời trận địa. Ngày 16/9/1968 mình được giữ chức Đại đội trưởng đại đội kỹ thuật; Năm 1970 giữ chức Tiểu đoàn Phó tiểu đoàn 77-E257.
Năm 1971 - 1972 mình đã là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 77-E257-F361.
Uống xong cốc trà nóng, Ông Văn nói tiếp: năm 1970, D77 nhận nhiệm vụ chuẩn bị đánh B52, nên chuyển hướng bảo vệ Đông Đông Nam sang hướng Tây Tây Bắc Hà Nội. D77 được phân công chốt tại trận địa Chèm có nhiệm vụ đánh B52, bảo vệ khu Trung ương - Ba Đình; Đài phát thanh Mễ Trì; Nhà máy điện Yên Phụ và sân bay Quốc tế Nội Bài, với nhiệm vụ rất quan trọng. Khi đó, mình cũng hiểu chưa hết về sức mạnh của máy bay B52, còn kẻ thù hùng hồn tuyên bố, dựa vào B52 sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Lúc đó, mình thoạt nhớ tới buổi được gặp Bác Hồ, khi Bác đến thăm Trung đoàn 324, bộ đội PK-KQ và được nghe Bác căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng”. Lúc này, mình rất tin tưởng vào một thắng lợi. Bàn với cán bộ, chiến sĩ đơn vị chọn cách đánh “Vượt nửa góc” và thề “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Nhìn vẻ mặt chúng tôi, ông biết chúng tôi vẫn còn ngỡ ngàng về tên gọi của cách đánh này, ông giải thích: “Vượt nửa góc - nghĩa là quả tên lửa của ta điều khiển lên sao cho phải luôn luôn đón trước nửa góc với mục tiêu. Khi đến điểm bằng không là tên lửa tự động bắn mục tiêu. Với cách đánh này, xác suất đạt cao, vừa tiết kiệm đạn, vừa bắn rơi được B-52 tại chỗ.” Sự dũng cảm, cùng với kỹ, chiến thuật điêu luyện, góp phần vào thành tích ngay trong đêm 18/12/1972, Tiểu đoàn 77 bắn rơi tại chỗ chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội. Đêm 20, ngày 21 tiểu đoàn tiêu diệt thêm 3 máy bay B52, trong đó có hai chiếc bắn rơi tại chỗ. Cũng trong ngày hôm đó, một tốp 16 chiếc F4 điên cuồng trút bom xuống trận địa của đơn vị. Chợt xúc động, giọng ông Văn trùng xuống: “Trận địa của ta bị trúng tên lửa của địch, bom bi dải thảm dày đặc, nhưng trên vị trí quan sát đồng chí Nghiêm Xuân Danh vẫn kiên cường bám trụ và đã anh dũng hi sinh…”.
Với thành tích trên, ngày 22/12/1972, đơn vị vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống thăm, động viên, chúc mừng ngay trên mâm pháo. Mình vẫn còn nhớ mãi câu nói của Đại tướng: “Các đồng chí đã đánh rất xuất sắc, các đồng chí xứng đáng là những anh hùng”. Đúng như lời Đại tướng nhận định, sau đó, Tiểu đoàn 77 đã được phong tặng danh hiệu: “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; Liệt sỹ Nghiêm Xuân Danh (quê ở Kim Bảng-Hà Nam) năm 2010 được truy tặng danh hiệu AHLLVTND; còn mình được phong tặng danh hiệu AHLLVTND vào năm 2013.
Kỷ niệm đẹp nhất với mình là đúng đêm 30 Tết Nhâm Tý (năm 1972), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháp tùng Bác Tôn Đức Thắng – Chủ tịch nước lúc bấy giờ xuống tận nơi thăm Tiểu đoàn và giao nhiệm vụ. Đại tướng nói: “Đồng chí Văn, Tiểu đoàn trưởng D77 hãy cho diễn tập trận tự phá và báo cáo Bác Tôn về một trận bắn rơi B52 tại chỗ nhé”. Sau khi diễn tập báo cáo với Bác Tôn, Bác được xem và hết sức khen ngợi. Với cách đánh, chiến thuật đánh hay này mà sau đó Tiểu đoàn cũng được rất nhiều đoàn các nước đến thăm hỏi, khâm phục và khen ngợi…
Đại tá Đinh Thế Văn (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu với đồng đội tới thăm phòng truyền thống về hình ảnh tư liệu trong 12 ngày đêm đánh B52.
Là người đã trải qua hai cuộc chiến thần thánh của dân tộc, giờ đã ở tuổi trên bát thập, song Đại tá Đinh thế Văn một năm vẫn 5-6 lần cùng các các cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ thuộc Câu lạc bộ CCB liên các tỉnh thành đi về chiến trường xưa, viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ trong nước và quốc tế (Lào và Campuchia). Bằng cách làm đó, ông muốn tri ân những người đã sống, tưởng nhớ công ơn những đồng đội đã hi sinh và dăn dạy con cháu viết tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn của dân tộc”./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.