Chùa Hà - Ngôi chùa cổ linh thiêng giữa lòng Hà Nội
Chùa Hà cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình - Chùa Hà trước kia thuộc Xóm Hà, Thôn Trung, Xã Dịch Vọng, Huyện Từ Liêm, nay là số nhà 86 Phố Chùa Hà, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Chùa nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, nổi tiếng là một vùng quê văn hiến của Xứ Đoài xưa.
Chùa Hà nằm tại số 86 Phố Chùa Hà, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy.
Ngôi chùa gắn liền với những thăng trầm của lịch sử
Về nguồn gốc của chùa Hà, có tới 2 truyền thuyết được kể lại. Theo truyền thuyết đầu tiên là vào thời Lý, Vua Lý Thánh Tông đã 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi Vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này còn có tên là Thánh Đức tự.
Truyền thuyết khác kể lại rằng, chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.
Ban đầu, chùa Hà vốn có tên là chùa Vồi vì được xây bằng gạch vồ và lợp lá vồi. Đến đời vua Hy Tông có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) sang trở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong, ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà (đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dân xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ, và ngược lại).
Đình – chùa Hà là di tích cách mạng gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Theo lịch sử ghi lại, những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, các đồng chí Nguyễn Khang (Uỷ viên thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ), Nguyễn Quyết (Bí thư Thành Uỷ Hà Nội), Trần Quang Huy (phụ trách công vận Xứ uỷ)… thường đi lại ăn, ở hội họp ở một số gia đình trong làng Vòng. Tháng 6/1945, Thành uỷ tổ chức lớp huấn luyện cho cán bộ thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu với danh nghĩa Hướng đạo sinh cắm trại ở cánh đồng chùa Hà. Ngày 15/8/1945, Bí thư thành uỷ Nguyễn Quyết trụ trì cuộc họp cán bộ vũ trang và tuyên truyền của thành phố ở đình, chùa Hà. Đêm 16 và 17/8/1945 Thành uỷ họp mở rộng tại nhà bà Hai Nhã (thôn tiền) bàn chủ trương giành chính quyền quyết định khởi nghĩa 19-8-1945.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hà đã bị hư hại nhiều lần. Trong kháng chiến chống Pháp, đầu năm 1947, chùa Hà bị giặc phá huỷ chỉ còn sót lại tam quan, một phần Phật điện với một số tượng Phật, trong đó có tượng Quan Thế Âm và tượng Đức Ông. Năm 1988, bằng tiền công đức của dân, chùa từng bước được tu sửa, thay thế cho tre gỗ đơn sơ đã dùng để dựng lại chùa thời kháng chiến.
Diện mạo đình - chùa Hà ngày nay.
Chốn bình yên giữa ồn ào phố thị
Nằm giữa phố thị ồn ào, náo nhiệt, chùa Hà như một chốn bình yên mang trong mình vẻ đẹp cổ kính và thanh tịnh. Người đi lễ và vãn cảnh có thể ngồi nghỉ chân tại những chiếc ghế đá đặt rải rác trong khuôn viên chùa để chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo giao hòa cùng khung cảnh thiên nhiên nên thơ với những bóng cau và bóng si cổ thụ hàng trăm tuổi.
Một góc chùa Hà rợp bóng cây.
Qua nhiều lần trùng tu, diện mạo kiến trúc của chùa hiện nay là sản phẩm của những lần trùng tu, sửa chữa vào thời Nguyễn và những năm gần đây. Sau khi phường Dịch Vọng và ban quản lý di tích triển khai xây dựng lại chùa và đình Hà từ năm 1995 - 2003, chùa Hà được nâng cấp, xây dựng lại rất khang trang, bề thế với tam quan được giữ nguyên vẹn. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, phó Tiểu ban quản lý di tích Đình Chùa Hà, hiện nay ban quản lý chỉ tiến hành lợp lại mái ngói với một số chỗ bị hư hại để vừa đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai, vừa bảo tồn được nghệ thuật kiến trúc của đình, chùa.
Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn. Tầng hai Tam quan treo chuông đồng Thánh Đức tự chung Niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật thời Tây Sơn còn bảo quản nguyên vẹn. Chuông được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh: long ly quy phượng cách điệu mà rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông.
Sau cổng tam quan là vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, cây đa và sân chùa. Bên cạnh hồ nước là bia đá bốn mặt Thánh Đức tự bi mới được phục chế gần đây. Bia chùa tạo năm Chính Hòa thứ 16 (1695), Tri huyện Nguyễn Đình Trạch soạn văn bia. Ở bên phải trước cửa chùa đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa. Ngoài ra, chùa Hà còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại... thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng của người Thổ Hà (xứ Kinh Bắc) xưa kia. Tuy nhiên theo chia sẻ của Tiểu ban quản lý di tích Đình Chùa Hà, vài năm trước, những hiện vật cổ đã được di dời gần hết chỉ còn lại một số bát hương cổ đặt tại chùa.
Hồ nước, cây cối, bia đá trong chùa.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, là chứng tích lịch sử của mảnh đất Thủ đô anh hùng, chùa Hà đã trở thành biểu tượng tâm linh và văn hóa Hà Nội. Du khách đến chùa Hà thường cầu duyên, cầu bình an, tài lộc hay chỉ đơn giản là tìm sự thanh thản và bình yên giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Hàng năm, nơi đây tổ chức nhiều lễ hội lớn như: Ngày 11 tháng Giêng âm lịch - kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Triệu Chí Thành; Ngày 12/2 âm lịch là ngày vào đám cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa, người khỏe của nhiều. Trong lễ hội thường diễn ra các tiết mục như đánh cờ người, đánh đu, kéo co, hát cửa đình, múa sư tử,…; Ngày 12/8 âm lịch là kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng.
Vì đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử và đời sống tinh thần của nhân dân nên đình - chùa Hà luôn được chính quyền các cấp, địa phương đầu tư tôn tạo, tu bổ, đặc biệt là vào các năm 1998, 2014 và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 2012 ngày 16/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.