Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019
Thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Còn hơn một tháng nữa, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ bắt đầu. Thời điểm này, các địa phương đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị cho kỳ thi, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ nhân sự, nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Kiểm tra từng bộ bàn ghế, từng chiếc camera
Tại Ninh Bình, thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cho thấy, tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm nay là gần 10.000 em, giảm gần 700 thí sinh so với năm 2018.
Theo ông Phạm Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, tất cả các khâu liên quan đến kỳ thi đều được triển khai một cách nghiêm túc. Trong đó, Ninh Bình đặc biệt chú trọng việc tổ chức tập huấn về điểm mới của kỳ thi năm nay với tất cả cán bộ làm thi. Sở cũng tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh tất cả các nơi bảo vệ đề thi, bài thi, chấm thi đều có camera giám sát; chủ động phối hợp với công an để giúp triển khai việc tổ chức thi được tiến hành nghiêm túc.
Hiện Ninh Bình đang kiểm tra và lắp bổ sung camera, hoàn thiện hệ thống máy tính, kiểm tra từng bộ bàn ghế, chủ động sẵn sàng phục vụ cho kỳ thi. Việc chuẩn bị, hoàn thiện cơ sở vật chất từ thời điểm này nhằm phục vụ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh sẽ được tổ chức vào đầu tháng Sáu tới, từ đó, tiếp tục hoàn thiện để phục vụ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Theo ông Phạm Thanh Toàn, Ninh Bình thậm chí còn siết chặt các quy trình hơn cả yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Ví dụ, quy trình sao in đề thi được làm chặt chẽ, đảm bảo cách ly ba vòng độc lập. Mọi thứ đưa vào khu vực cách ly là không đưa ra, kể cả thức ăn thừa cũng để trong đó 15 ngày. Việc chấm thi tự luận, Bộ yêu cầu chấm thẩm định 5% nhưng chúng tôi chấm thẩm định 9%. Tất cả các bài văn từ 8,5 điểm đều phải chấm lại,” ông Toàn chia sẻ.
Tại Hà Nội, nơi có số lượng thí sinh lên đến gần 75.000 em, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Văn Quý cho biết, Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt nhất việc tổ chức kỳ thi.
Với lượng thí sinh lớn, Hà Nội có sự hỗ trợ của 13 trường đại học, học viên, phải tổ chức tới 125 điểm thi, huy động trên 3.300 cán bộ coi thi, gần 300 cán bộ giám sát. Công tác sao in đề thi được thành phố phối hợp thực hiện cùng Đại học Bách khoa Hà Nội.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, thành phố tiến hành lắp đặt camera giám sát, bố trí lực lượng an ninh chặt chẽ, nhất là trong các khâu bảo quản và sao in đề thi, bảo quản bài làm của thí sinh, chấm thi, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lọt đề, lộ đề cũng như các tình huống xấu.
Cán bộ phục vụ cho kỳ thi được các địa phương quan tâm lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
"Siết" yếu tố con người
Sau sự cố gian lận thi cử gây chấn động cả nước tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang năm 2018, con người là yếu tố được các địa phương đặc biệt chú trọng khi chuẩn bị cho Kỳ thi Trung học phổ thông năm 2019.
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Phạm Song Toàn, tỉnh chọn trưởng điểm thi là các hiệu trưởng, hiệu phó có trách nhiệm. Cán bộ coi thi, chấm thi là các giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt. Tất các thành viên liên quan đến tổ chức thi đều được tập huấn kỹ càng để nắm chắc quy trình và trách nhiệm của từng cá nhân.
“Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều cải tiến kỹ thuật nhưng con người vẫn là yếu tố quyết định. Nếu làm đúng quy trình thì không thể xảy ra gian lận và mỗi khâu phải có sự giám sát của nhiều người,” ông Toàn nói.
Theo ông Lê Trung Chính, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, địa phương này đã chuẩn bị cho kỳ thi rất kỹ theo đúng quy chế, đúng quy trình, không bỏ sót khâu nào.
“Tuy nhiên, dù chuẩn bị kỹ đến mấy thì con người vẫn là yếu tố quyết định thành công. Vì vậy, thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng quán triệt tinh thần này đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành,” ông Chính chia sẻ.
Vị lãnh đạo của Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường đại học quán triệt Quy chế thi đối với tất cả cán bộ, giảng viên có tham gia tổ chức kỳ thi.
Tại Hà Giang, nơi đầu tiên bị phát hiện gian lận thi cử với hàng trăm bài thi bị can thiệp nâng điểm trong năm 2018, vấn đề con người lại càng là bài học “xương máu.”
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Đức Quý cho hay, Hà Giang không chỉ thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh mà còn thành lập cả ban chỉ đạo thi cấp huyện. Không đưa vào Ban chỉ đạo thi những thành viên có liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018, lựa chọn kỹ nhân sự tham gia kỳ thi, ông Quý cho biết Hà Giang quyết tâm tổ chức kỳ thi thực sự hiệu quả, nghiêm túc, để những tiêu cực như năm 2018 không thể xảy ra./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.