Giải cứu doanh nghiệp mùa dịch Covid - 19
Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Giới hạn “chịu đựng” của doanh nghiệp
Khi câu chuyện thông quan hàng hóa sang Trung Quốc đã được giải quyết, hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường này dần trở lại bình thường thì số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lại gia tăng từng ngày. Điều này đã tạo nên tâm lý lo lắng nơi người tiêu dùng trong nước nói chung. Bên cạnh đó là các thông tin về việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại tại châu Âu và Mỹ. Từ đó, khiến các nhà thu mua trái cây xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng e ngại với hoạt động mua gom hàng.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, đến thời điểm này, việc tiêu thụ thanh long sang thị trường Trung Quốc tuy ổn định, nhưng đã có xu hướng chậm lại. “Việc bán sang đây (Trung Quốc) chậm hơn, cho nên, một số nhà kho đòi không thu mua nữa, nhưng mới họp đêm hôm (tối 20-3) với một số anh em, tôi có vận động họ cố gắng thu mua”, ông cho biết và nói rằng giá thanh long mua tại vườn (mua xô) hiện chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000-15.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 3/2020. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở trong nước, trong khi phải mất khoảng 7-10 ngày, một đơn hàng thanh long (từ khi thu mua về đến kho) mới đưa được sang Trung Quốc tiêu thụ, cho nên, tâm lý của nhà kho rất sợ rủi ro.
Với các thị trường khác ngoài Trung Quốc, khi các hãng hàng không dừng khai thác các đường bay quốc tế, thì việc tiêu thụ cũng “tê liệt”. Ví dụ, đóng hàng đi Mỹ hay châu Âu, thì trước giờ cũng tiêu thụ được một số lượng nhất định, nhưng bây giờ do Covid-19 khiến tình hình di chuyển bằng đường hàng không cũng rất khó khăn, cho nên tiêu thụ cũng gặp khó.
Việc các nhà kho tiêu thụ trái cây thu mua cầm chừng do tâm lý e ngại Covid-19, rất có thể khiến ngành cây ăn trái rơi tiếp vào thế cần phải “giải cứu” như vừa xảy ra.
Với hơn 90% sản phẩm giày dép làm ra phục vụ cho thị trường Mỹ và châu Âu, giờ đây lãnh đạo Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định như đang “đứng trên đống lửa” khi các nhà nhập khẩu của công ty ở hai nền kinh tế này đã yêu cầu tạm ngưng nhập hàng vì hạn chế đi lại do dịch Covid-19. Công ty đang rất khó khăn vì hàng hóa làm ra chuẩn bị xuất đi thì đối tác nhập khẩu ở thị trường châu Âu và Mỹ đã thông báo yêu cầu dừng lại và lưu kho toàn bộ sản phẩm đã thực hiện.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, cho biết các đối tác nhập khẩu thông báo tạm ngưng nhập hàng vào 19-3 chỉ sau vài ngày có các quyết định đóng cửa biên giới, cấm tụ tập đông người của EU và Mỹ. Hành động này của các nhà nhập khẩu ở châu Âu và Mỹ hoàn toàn dễ hiểu khi họ dự báo sức tiêu thụ sản phẩm sẽ bị giảm mạnh do nhiều trung tâm thương mại lớn, các điểm bán lẻ hàng hóa tại hai nền kinh tế này đóng cửa trong thời gian này, vì hạn chế việc đi lại do dịch Covid-19.
Điều này chưa từng thấy đối với hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất giày dép xuất khẩu trong nhiều năm qua và nó đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có cả Công ty cổ phần tập đoàn Gia Đình.
Riêng những đơn hàng chưa triển khai sản xuất hoặc đang thực hiện dang dở thì phía đối tác cũng yêu cầu phải tạm dừng lại. Do đó, người lao động và công nhân tại các cơ sở sản xuất của tập đoàn Gia Định cũng đang không có việc.
Chưa bao giờ doanh nghiệp bất động sản rơi vào trạng thái khó khăn như hiện tại khi phần lớn dự án ngưng trệ vì pháp lý, thanh khoản yếu ớt, lượng tiền mặt cạn kiệt, kênh huy động vốn bị siết lại... Dịch bệnh vẫn chưa biết khi nào qua đi, vậy doanh nghiệp sẽ “chịu đựng” được bao lâu trong tình cảnh “thập diện mai phục” như hiện nay?
Các doanh nghiệp bất động sản vừa trải qua một năm 2019 hết sức khó khăn về thanh khoản khi thị trường đang nằm ở cuối chu kỳ tăng trưởng. Bước vào năm 2020, thị trường này vốn dĩ đã yếu ớt lại bị dịch bệnh tấn công. Nhiều người đã bắt đầu mường tượng chu kỳ khủng hoảng 2008 có thể lặp lại.
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty nghiên cứu thị trường CBRE nhìn nhận, tài sản thương mại, khách sạn, dự án nhà ở và bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đều chịu tổn thất khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo đơn vị này, Covid-19 đã tạo ra những mảng tối cho nền kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương và toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đơn vị này đã thống kê lại những loại hình bất động sản đang chịu tác động tiêu cực và phát sinh rủi ro do dịch bệnh trong hơn 2 tháng qua. Diễn biến của dịch ở Việt Nam lại tiếp tục được đẩy lên một cao trào mới thì doanh nghiệp sẽ phải nới rộng “biên độ chịu đựng” của mình có thể đến hết quí 2.
Cũng với nhận định tương tự, Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills TPHCM nhận định, dịch Covid-19 làm suy yếu những triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam, gây tổn thất tới mọi loại hình sản phẩm. Phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, sau đó tới văn phòng và bất động sản công nghiệp. Thị trường nhà ở cũng không hề được "miễn dịch" bởi đại dịch này.
Từ sau Tết Nguyên đán đến đầu tháng 3, nhiều chủ đầu tư và cả những công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người, hạn chế các sự kiện trong lúc dịch bệnh bùng phát.
“Một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng lúc, điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về thị phần để tìm kiếm đầu ra trong nửa cuối năm 2020. Hiện nay các nhà đầu tư vào kênh này cũng có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình khiến cho không khí thị trường ảm đạm”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao, Trưởng bộ phận, Nghiên cứu thị trường của CBRE đưa ra nhận định.
Cũng không thể chờ được đến khi nguồn cung cuối năm được đẩy ra, vừa qua Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam công bố thông tin, hơn 300 sàn giao dịch bất động sản đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm. Cùng với đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn vẫn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư.
Hiện nay, tình trạng trả mặt bằng kinh doanh đã diễn ra ở rất nhiều thành phố lớn do tác động của Covid-19 trong những tháng đầu năm. Một số khách tại các trung tâm thương mại đang cố gắng thuyết phục chủ nhà cắt giảm giá thuê xuống 50% hoặc miễn phí tiền thuê trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhiều chủ tài sản cũng chủ động giảm 20-40% giá thuê cho đối tác.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản vừa trải qua 2 năm lao đao với thanh khoản cực thấp. Đến nay, tiếp tục với khó khăn khách quan như dịch Covid-19 có thể đẩy phần nhiều doanh nghiệp đi đến giới hạn “chịu đựng” cuối cùng.
“Căn cứ vào lượng phát hành trái phiếu, hàng tồn kho và tính thanh khoản của thị trường cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phải “gồng mình” trong một thời gian dài. Lượng tiền mặt trong doanh nghiệp đang cạn dần, chi phí ngày một tăng, kênh huy đông vốn đang dần siết lại, nếu thị trường vẫn trong trạng thái “đứng hình” như hiện tại thì nguy cơ đổ vỡ sẽ rất cao”, ông Khánh chia sẻ.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã đưa ra hàng loạt số liệu dẫn chứng về tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay.
Theo Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện TPHCM có khoảng 15.000 doanh nghiệp bất động sản, chiếm 3,6% tổng số doanh nghiệp trên toàn địa bàn nhưng đóng góp đến hơn 80% vốn đăng ký đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân.
Với vị thế quan trọng trong nền kinh tế, song, cái khó của thị trường bất động sản thành phố hai năm gần đây ngày càng khắc nghiệt. Tỷ trọng đóng góp GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) giai đoạn 2015-2019 thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố.
Đỉnh điểm vào năm 2019, nguồn cung bất động sản giảm mạnh so với năm liền kề. Toàn thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, (giảm 24 dự án), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 64 dự án), 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới và 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn (giảm 30 dự án).
Trước tình hình khó khăn chung của thị trường, Chủ tịch HoREA cho biết phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản đều sụt giảm, thậm chí một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản vì bị chôn vốn.
Báo cáo của HoREA đã chỉ ra một điều đáng quan ngại hiện nay là giá trị hàng tồn kho. Tính đến cuối năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tồn kho 223.474 tỉ đồng, tăng mạnh 38% so với đầu năm.
Tuy nhiên, hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế nếu đó là thành phẩm (như do vướng mắc về pháp lý nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay…). Cũng có trường hợp hàng tồn kho là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
Một khó khăn dễ nhận thấy nữa là lượng tiền mặt trong doanh nghiệp đang cạn dần. Để tìm vốn, thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản hoạt động sôi nổi trên thị trường trái phiếu để huy động. Tuy nhiên kênh này đang có nguy cơ siết lại vì rủi ro lớn. Mặt khác, tỷ lệ huy động vốn thành công đang rất thấp, doanh nghiệp nào huy động được thì cũng phải trả mức lãi suất rất cao.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp niêm yết thì đang đối mặt với sự sụt giảm sâu của thị trường chứng khoán, huy động vốn trên sàn cũng không còn hiệu quả. Thậm chí nhiều doanh nghiệp cũng phải mất chi phí mua vào cổ phiếu quỹ để giữ giá cho các khoản thế chấp cổ phiếu nhằm vay nợ trước đó.
“Giải cứu” cho doanh nghiệp
NHNN đã quyết định cắt giảm tất cả các loại lãi suất điều hành để giúp các NHTM có nguồn vốn giá rẻ cung ứng ra thị trường, san sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Việc giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN là mạnh hơn so với những lần giảm trước và là động thái chính sách tích cực, đúng thời điểm, gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện thanh khoản của các NHTM vẫn duy trì tốt, thị trường tiền tệ liên ngân hàng có lãi suất thấp nên trường hợp bơm tiền ra lúc này thì nền kinh tế cũng chưa thể hấp thụ được. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng dư địa để ngân hàng có thể giảm thêm không còn nhiều. Trên thị trường, không ít ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Do tác động từ chính sách của NHNN, nhưng phần nữa xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng hiện nay đang thấp.
Nếu dự báo tốc độ tăng CPI trung bình năm 2020 xoay quanh mức 4%, thì một số lãi suất sau khi điều chỉnh vẫn phải ở mức thực dương. Chính sách tiền tệ quan trọng nhất là đối với những khoản nợ cũ, những doanh nghiệp không có doanh thu dẫn tới không trả được nợ đúng hạn thì ngân hàng hỗ trợ bằng cách giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho họ. Trong trường hợp giãn nợ, nếu lãi suất có thể giảm đi bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.
Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa có thể xem xét giãn, giảm thuế, phí, tăng đầu tư công... Những chính sách này đều đúng hướng, có điều là liều lượng đã đủ chưa thì phải xem dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao. Hiện tại, với những tác động ban đầu thì các chính sách của Nhà nước đang khá phù hợp, nhưng nếu bệnh dịch kéo dài hơn có thể Nhà nước sẽ phải đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Theo đó, các loại giá dịch vụ tác động trực tiếp tới tổ chức phát hành, nhà đầu tư sử dụng dịch vụ và đối tượng cung cấp dịch vụ là 2 Sở Giao dịch chứng khoán, VSD (tỷ lệ giảm từ 10% đến 100% tùy từng dịch vụ).
Trong đó nhóm dịch vụ giảm 10% tập trung vào các dịch vụ liên quan đến giao dịch và lưu ký chứng khoán của nhà đầu tư (dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán). Đây là các dịch vụ tác động đến toàn bộ thị trường, mặc dù theo đánh giá thì mức giá của các dịch vụ này hiện đang phù hợp, thậm chí là thấp so với các mức thu tại các thị trường trong khu vực, đồng thời cũng là mức giá đã được điều chỉnh giảm khi ban hành Thông tư 127, tuy nhiên, xét tới khía cạnh hỗ trợ nhà đầu tư trên diện rộng thì việc giảm nhóm dịch vụ này sẽ có tác động tích cực tới hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay.
Nhóm dịch vụ giảm từ 15%-20% tập trung vào nhóm dịch vụ cung cấp trên thị trường chứng khoán phái sinh (dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ); mặc dù các mức giá này cũng mới đưa vào áp dụng từ 15/2/2019 sau thời gian đầu triển khai TTCK phái sinh chưa thu giá dịch vụ nhưng theo đánh giá của chúng tôi, một số giá dịch vụ cũng cần xem xét để điều chỉnh giảm cho phù hợp; việc hỗ trợ giá dịch vụ cho TTCK phái sinh cũng khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ các sản phẩm trên thị trường này với mục đích hỗ trợ phòng ngừa rủi ro khi thị trường cơ sở có biến động giảm.
Nhóm dịch vụ giảm từ 30%-50% tập trung vào các dịch vụ cung cấp cho các tổ chức phát hành (dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này trong việc sử dụng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và nhà đầu tư.
Khách hàng giao dịch tại cơ sở của BIDV
Ngoài ra, một số loại giá dịch vụ quy định theo hướng không thu - miễn hoàn toàn (bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ) để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chứng khoán trong giai đoạn tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cung ứng dịch vụ chứng khoán cho khách hàng của các tổ chức này chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có thể thấy, phạm vi các dịch vụ được giảm giá lần này là khá rộng, mức giảm giá đã được thảo luận, cân đối nhằm hỗ trợ tối đa cho thị trường.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.