Giáo dục đại học cần thay đổi để tiếp cận với chuẩn khu vực, thế giới
2017-02-18 09:12:00
0 Bình luận
Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay đang trong bối cảnh hội nhập quốc tế rất mạnh, đặc biệt khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã đưa vào vận hành, xuất hiện xu hướng chuyển dịch lao động. Nếu giáo dục đại học không thay đổi thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ khó cạnh tranh, có thể thua ngay trong sân nhà.
Nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học-cao đẳng. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) |
Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, nhất thiết phải ban hành một bộ tiêu chuẩn mới về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, nhằm đưa đại học Việt Nam tiếp cận với chuẩn khu vực và thế giới.
Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá mới
Phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết thời gian vừa qua, khi kiểm định chất lượng đại học được đưa vào vận hành trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có được những kết quả đáng ghi nhận.
Trước hết, nhận thức và hành động của cán bộ quản lý cũng như đội ngũ giảng viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Kiểm định chất lượng được xem như một giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển nhà trường bằng chính chất lượng đào tạo của trường. Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống văn bản để đảm bảo cho kiểm định chất lượng giáo dục đại học của mỗi nhà trường và hoạt động đánh giá ngoài về cơ bản đã đầy đủ, thể hiện từ Nghị định của Chính phủ, Luật Giáo dục Đại học, các thông tư, các văn bản hướng dẫn. Hầu hết các trường đại học của Việt Nam cũng đã hoàn thành báo cáo tự đánh, trong số đó có 32 trường đã được đánh giá ngoài, 12 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước và quốc tế. Cụ thể đã có năm chương trình được đánh giá theo chuẩn của các nước, hơn 80 chương trình được đánh giá và đạt chuẩn quốc tế.
Một điểm nổi bật nữa là cho đến nay, đội ngũ đảm bảo cho hoạt động kiểm định chất lượng từ bên ngoài đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Cụ thể có hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên.
Tuy nhiên, phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh cũng chỉ rõ những bất cập còn tồn tại trong công tác kiểm định chất lượng đại học. Đó là, nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng tự báo cáo đánh giá của các nhà trường mới ở mức độ nhất định, chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống văn bản đã khá hoàn chỉnh song các chế tài vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích các trường làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt công tác kiểm định. Các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó chưa theo kịp sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.
Chính vì thế, theo phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh, việc xây dựng một bộ thông tư mới là cần thiết nhằm tạo ra bộ công cụ mới đạt chuẩn khu vực, để các trường lấy đó làm thước đo đánh giá, tiếp tục duy trì điểm mạnh, từng bước khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ hiện nay bộ tiêu chuẩn đánh giá các trường đại học Việt Nam bao gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí, trước khi có bộ tiêu chuẩn đánh giá này đã có một bộ tiêu chuẩn ít tiêu chuẩn và tiêu chí hơn vào năm 2004. Bộ tiêu chuẩn khi đó đã được 20 trường đại học áp dụng để đánh giá ngoài.
Sau một thời gian thực hiện, năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh thành bộ tiêu chuẩn hiện hành. Về nội dung, bộ tiêu chuẩn đã bao trùm nội dung của các trường đại học, từ sứ mạng, mục tiêu đến tổ chức quản lý, tổ chức đào tạo, đội ngũ cán bộ, người học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất và tài chính. Tuy nhiên, giáo dục liên tục có sự vận động, các chức năng của trường đại học đã có sự thay đổi. Nhìn vào nội hàm của các trường đại học hiện nay sẽ thấy rất nhiều nội dung mới của giáo dục đại học, trong đó có chức năng được nhấn mạnh nhiều hơn trước nhưng chưa được đề cập đến. Với xu thế đó, việc bổ sung những đánh giá mới về chất lượng giáo dục đại học là cần thiết.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh các trường đại học hiện nay không chỉ thực hiện việc đào tạo, việc nghiên cứu mà còn phải đóng góp trở lại để kết nối cộng đồng tốt hơn, phù hợp với xu thế hội nhập. Về chuyên môn, bản chất các tiêu chuẩn đánh giá chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định nên sự thay đổi khá thường xuyên. Ví dụ ở Hoa Kỳ, mỗi năm họ thay đổi nhỏ một lần, năm năm họ thay đổi lớn một lần. Các trường đại học càng phát triển bao nhiêu thì đòi hỏi càng lớn lên bấy nhiêu chứ không phải bỏ bớt tiêu chí đánh giá đi.
Đồng quan điểm trên, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cũng cho rằng với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, kinh tế-xã hội của Việt Nam và thế giới ngày càng mạnh mẽ thì những yêu cầu, đòi hỏi của năm năm trước đây sẽ không phù hợp với thời điểm hiện tại và chưa bắt kịp với xu hướng của thế giới. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi bộ tiêu chuẩn hiện hành về kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Là một trong hai trường đại học đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp trường, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải, cho biết năm 2007, Trường Đại học Giao thông Vận tải là một trong 20 trường thực hiện đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn vào thời điểm đó. Đến đầu năm 2016, trường lại là một trong hai trường được công nhận kiểm định chất lượng đại học. Dưới góc độ đã kiểm định hai lần, nhà trường nhận thấy sự cần thiết và tất yếu phải thay đổi bộ tiêu chuẩn mới. Trong bộ tiêu chuẩn hiện hành có một số tiêu chí, nội dung tương đối lạc hậu, ví dụ như biên chế, một số hoạt động đoàn thể chiếm tương đối trong khâu đánh giá, nếu thêm vào sẽ bớt tiêu chí khác, hàm lượng đánh giá bớt đi. Trong khi đó, có một số tiêu chí hiện nay rất nóng đối với nhà trường nhưng lại chưa có nên không phản ánh được hết chất lượng.
Hướng tiếp cận mới trong kiểm định chất lượng
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi. Bộ tiêu chuẩn trong dự thảo với 111 tiêu chí cùng nhiều giải pháp hết sức quan trọng không chỉ đánh giá, kiểm định về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà còn tập trung vào mảng kết nối phục vụ cộng đồng, chú trọng cả về sở hữu trí tuệ. Bộ tiêu chí này cũng là cơ sở để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học; là tiêu chí để Bộ Giáo dục và Đào tạo quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học trong thời gian tới.
Nhận định về dự thảo này, nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia cho rằng những điểm mới trong dự thảo thực sự có ý nghĩa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh chia sẻ, bộ tiêu chuẩn mới dựa trên một chu trình quản lý chất lượng rất tiên tiến, bao gồm lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra giám sát, cải tiến sau quá trình kiểm tra giám sát. Với cách chi tiết hóa, việc đánh giá dễ hơn, nhìn ra điểm tồn tại cũng dễ hơn, tự đánh giá cũng dễ hơn và người bên ngoài đánh giá cũng dễ hơn. Từ đấy, các trường tìm giải pháp khắc phục cũng dễ hơn. Chúng ta sẽ biết mắc ở khâu nào, lập kế hoạch, triển khai hay khâu kiểm tra giám sát, hay việc chúng ta có kết quả kiểm tra giám sát rồi nhưng không cải tiến chất lượng so với kết quả đánh giá. Cách đánh giá theo thông tư dự thảo cũng rất hay, với bảy mức. Nếu đánh giá được theo bảy mức, chúng ta sẽ biết được trường đang ở mức nào, còn thông tư hiện hành chỉ có hai mức đạt và chưa đạt.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Phương Nga, bộ tiêu chuẩn mới trong dự thảo được xây dựng trên bộ tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến khu vực ASEAN, đó sẽ là cầu nối để các trường đại học của Việt Nam hòa vào chất lượng chung của khu vực. Bộ tiêu chuẩn của ASEAN cũng giao thoa khá lớn với bộ tiêu chuẩn của châu Âu và của Bắc Mỹ nên bộ tiêu chuẩn đang dự thảo sẽ là một điểm để đưa giáo dục đại học Việt Nam hòa nhập cùng thế giới. Bộ tiêu chuẩn này có nhiều tiêu chí hơn, chi tiết hơn, đòi hỏi các trường đại học phải phấn đấu để đào tạo ra các sản phẩm tốt.
Về phía cơ quan quản lý, phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh cho rằng bộ công cụ mới nhấn mạnh tới tính hệ thống đảm bảo chất lượng, cụ thể hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường hoạt động thế nào để các điều kiện đảm bảo chất lượng phát huy hiệu quả, trong đó từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường. Nếu tất cả các trường đại học ở Việt Nam vận hành, đánh giá theo bộ công cụ mới thì đòi hỏi phải có sự chuyển đổi từ nội tại của nhà trường một cách toàn diện, hướng tới sự hài lòng của các bên liên quan, trước hết là sự hài lòng của sinh viên, gia đình và xã hội. Hệ thống này khi được đưa vào đánh giá sẽ tạo động lực cho các nhà trường, chất lượng nguồn nhân lực được tăng lên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo TTXVN