GS.TS Võ Tòng Xuân: Nhà khoa học lớn đem tri thức phụng sự đất nước

2022-05-30 08:40:40 0 Bình luận
Ở tuổi 82 lẽ ra phải nghỉ ngơi hưởng thụ cuộc sống về hưu, nhưng đối với GS.TS Võ Tòng Xuân lịch làm việc của Thầy vẫn luôn dày đặc với vai trò quản lí một trường đại học, nghiên cứu, tư vấn nông nghiệp, tham gia các hội nghị, hội thảo… Thầy chia sẻ: “Dù ở cương vị nào, tôi vẫn dốc toàn tâm, toàn lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực cho vùng sông nước cho đến khi nhắm mắt xuôi tay”.

GS. Võ Tòng Xuân cùng nông dân trồng mía

Tuổi thơ của Thầy Võ Tòng Xuân

Hơn 75 năm trước, cậu bé Võ Tòng Xuân rời vùng quê nghèo Ba Chúc, tỉnh An Giang theo gia đình đến Sài Gòn vừa mưu sinh, vừa học tập. Sau này, ông trở thành Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động. Ông là nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, một người Thầy lớn trong công tác đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước trong nhiều thập niên, là “cha đẻ” nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Làm công tác nghiên cứu khoa học, nhưng cái duyên với giáo dục luôn gắn bó với ông. Giờ đây bên cạnh việc đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, ông còn dành thời gian, tâm huyết cho trường mầm non ở TP Long Xuyên, An Giang.

Nói về thầy cô giáo, trong mắt Giáo sư Võ Tòng Xuân ánh lên niềm tự hào, lòng kính trọng. Ông kể, do hoàn cảnh khó khăn nên cả nhà rời quê nghèo Ba Chúc, An Giang theo cha lên Sài Gòn mưu sinh. Dù gia đình khó khăn nhưng ông được ba má cho đi học đàng hoàng. “Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên vào lớp 1, năm 1946 ở Trường Tiểu học Cầu Kho (nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Đó cũng là ngày đầu tiên tôi được má đưa đi học, vào đến lớp, tôi khóc như mưa!”.

Chính hình ảnh đầu đời đi học, được thầy cô giáo động viên đã trở thành kí ức không thể nào quên của cậu học trò nhỏ. “Tôi nhớ mãi hình ảnh cô giáo ân cần đón tôi vào lớp, vỗ về cho tôi nín. Cô nói: Trò thấy các bạn ngồi học nghiêm túc chưa, mau nín để cùng học với các bạn. Thấy vậy tôi nín khóc, bắt đầu mở ra trang sách đầu tiên của đời học sinh với bao khó khăn, vất vả”, Giáo sư Võ Tòng Xuân kể.

Trong kí ức của ông, những năm cuối thập niên 1940 còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cái ăn đã khó nói chi đến quần áo mới, tập vở, sách. Tuy nhiên, thầy cô luôn đồng cảm, yêu thương học trò, tuy vậy cũng rất nghiêm khắc. Lớp học chỉ có một giáo viên dạy từ đầu cho đến cuối năm nên trò nào tính tình ra sao, hoàn cảnh thế nào, thầy cô biết rõ… Ngày lễ, Tết không có lễ lộc gì, không có bông hoa hay phát biểu mà chỉ có thầy cô giáo đón học sinh vào lớp.

Bài học là những lời dạy bảo của thầy cô về đạo đức, lối sống và lòng yêu người. Quyển “Giáo khoa thư” đã trở thành người bạn quen thuộc của tất cả thế hệ học trò thời đó. Sách chỉ ngắn gọn mấy dòng thơ, mấy dòng đồng dao, văn xuôi nhưng chứa đựng trong đó bao ý nghĩa về cuộc sống, giá trị đạo đức, kĩ năng sống… Thầy cô giáo cũng không bị bó buộc bởi sách giáo khoa mà từ quyển “Giáo khoa thư” có thể mở rộng giảng dạy nhiều vấn đề thiết thực ngoài đời.

Một trong những kỉ niệm đẹp được ông nhớ mãi là năm lên lớp đệ tứ (lớp 9), được thầy Đỗ Thiếu Lăng dạy Việt văn cho về nhà ở nhờ. Mỗi tuần 3 lần, thầy dạy thêm Hán văn bằng sách Minh tâm bửu giám.

“Cuộc đời học tập của tôi phải học nhiều nơi, phải chuyển trường theo gia đình nhưng kí ức về thầy cô luôn là kỉ niệm đẹp, mỗi lứa tuổi học trò đều có trải nghiệm khác nhau. Dù trưởng thành, đi học, làm việc ở nước ngoài nhưng đến ngày Nhà giáo Việt Nam trong lòng tôi luôn cảm thấy bồi hồi vì những kí ức đẹp thời học sinh không thể nào quên”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước

Giáo sư Võ Tòng Xuân kể, từ nhỏ ông lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học. Bản thân từng trải qua một thời bán báo dạo dọc các bến xe, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Đến khi học thành tài, ông luôn tâm niệm: “Tôi xác định mục đích sống cho đời mình là phải đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu có”. Chính vì mục đích đó mà ông đã quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án Tiến sĩ nông học ở Nhật Bản, hôm đó chỉ cách ngày 30/4/1975 có 28 ngày.

Mười năm đầu sau ngày hòa bình, hoạt động khoa học của Giáo sư Võ Tòng Xuân với vai trò là Hiệu phó Đại học Cần Thơ gắn liền với sự phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng châu thổ, đặc biệt là phát triển nông thôn, thực hiện mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật vào phục vụ sản xuất. Vừa làm khoa học, Giáo sư Võ Tòng Xuân vừa dành tâm huyết cho giáo dục, tâm huyết xây dựng Đại học Cần Thơ rồi đến Đại học An Giang. Ông còn được mời tham gia thành lập Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Tân Tạo, Đại học Nam Cần Thơ…

Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ, hưu về chức vụ, nhưng chuyên môn đâu có nghỉ hưu. Còn sáng suốt và khỏe mạnh thì còn đóng góp được cả ở trong và ngoài nước. Nhiệm vụ tư vấn khoa học vẫn tiếp tục, vì người ta không giới hạn tuổi tác… Với tâm huyết đó, dù tuổi đã “bát tuần” nhưng ông vẫn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

“Tôi phải học rất căn bản và không ngừng tự cập nhật kiến thức. Tôi truyền đạt cho những cộng sự của tôi, không giấu ai kĩ thuật gì. Khi kiến thức mở mang, mình có thể thấy trước những gì mà người thường chưa thấy. Dĩ nhiên đừng bảo thủ, mà trái lại, luôn có sáng kiến mới, rồi truyền đạt nội dung, phương pháp thực hiện. Quan trọng là cần phải được đào tạo căn bản, sâu và rộng để thấy được cái mới. Không có sáng kiến mới thì không thể cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu...”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.

GS.TS Võ Tòng Xuân tốt nghiệp đại học ngành Nông Hóa năm 1967 của trường Đại học Nông nghiệp Philippines - thành lập từ năm 1908. Ghi nhận những đóng góp quan trọng về khoa học của GS.TS Võ Tòng Xuân, trường Đại học Nông nghiệp Philippines đã trao hai giải thưởng “Cựu sinh viên Golden Jubilarian xuất sắc nhất” và “Cựu sinh viên xuất sắc về Kĩ Thuật Lúa Gạo” nhân ngày truyền thống 10/10 của trường.

  GS. Võ Tòng Xuân xuống đồng ruộng kiểm tra hiệu quả cây trồng sử dụng phân bón hiệu cơ  

Bảng ghi nhận thành tích ông Võ Tòng Xuân viết: Với nhiều đóng góp của mình cho nông nghiệp địa phương và quốc tế trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông và nhà quản lí, kết hợp kiến thức về các hệ thống canh tác và sản xuất cây trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông đã góp phần làm tăng cao sản lượng lúa gạo, đã biến Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo sang nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Ngày 13/4/2022, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh phối hợp trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Lễ trao tặng “Huân chương Mặt Trời Mọc, Tia Sáng Vàng và Ruy Băng Cổ” của Chính phủ Nhật Bản cho GS.TS Võ Tòng Xuân. Huân chương Mặt Trời Mọc được Thiên hoàng Minh Trị thành lập và được Chính phủ Nhật trao cho người nước ngoài kể từ năm 1875.

Huân chương được trao cho những người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: Quan hệ quốc tế, Phát triển văn hóa Nhật Bản, Những tiến bộ trong lĩnh vực của người được trao tặng, Phát triển phúc lợi xã hội hoặc Giữ gìn môi trường.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chính Minh cho biết: GS.TS Võ Tòng Xuân đã có nhiều cống hiến tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác ODA của Nhật Bản.

Điển hình chương trình hợp tác đầu tiên của Nhật Bản về đào tạo kĩ thuật nông nghiệp thông qua dự án hợp tác với Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ (giai đoạn 1970-1975), Ông đã cố vấn và có nhiều cống hiến trong “Dự án Cải thiện kĩ thuật nâng cao năng suất lúa tại khu vực Nante, tỉnh Zambezia, Mozambique” (giai đoạn 2011-2015) ... 

Nhiều năm qua, GS.TS Võ Tòng Xuân đã không ngừng thúc đẩy sự giao lưu về học thuật và hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp; từ những công hiến này Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trao tặng Huân chương Mặt Trời Mọc, Tia Sáng Vàng và Ruy Băng Cổ.

Tại buổi lễ, Giáo sư Võ Tòng Xuân bày tỏ niềm xúc động, tự hào và khẳng định Huân chương nhận được là niềm vinh dự không chỉ dành riêng cho cá nhân mà là cho cả trường Đại học Nam Cần Thơ, cộng đồng Việt Nam. Đây là động lực để bản thân nỗ lực học tập, nghiên cứu hết mình để cống hiến cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam, nhất là ngành nông nghiệp; đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt - Nhật.

Kể về những thành tích cống hiến khoa học của Giáo sư Võ Tòng Xuân thì còn rất nhiều không sao kể hết. Nhưng với bà con nông dân vô cùng biết ơn Ông thường gọi ông bằng cái tên thân thương trìu mến “Nhà nông học của ruộng đồng”. Còn đối với các thầy cô đang giảng dạy thì gọi Ông là Thầy Xuân.

GS.TS; NGND, AHLĐ Võ Tòng Xuân sinh năm 1940, quê quán huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư nông học (1980), Anh hùng Lao động (1985), Nhà giáo Nhân dân (1999). Ông là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền: VII, VIII, IX. GS hiện là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ xây mới nhà thiệt hại do bão số 3

Những ngày qua, TP.Hải Phòng đã nhận dc sự quan tâm, chung tay, góp sức từ các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 gây ra. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp, khiến cho Hải Phòng thiệt hại về người và tài sản lên tới 11.000 tỷ đồng.
2024-09-19 19:48:34

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, hôm nay (18/9) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tổ chức Hội nghị lần thứ 10 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
2024-09-19 16:02:36

Đại nhạc hội sinh viên kinh tế 2024 chính thức ấn định ngày trở lại

Một tin vui bất ngờ dành cho cộng đồng sinh viên NEU! Sau khi tạm hoãn vì những lý do khách quan, BTC NEU Concert 2024 đã chính thức xác nhận thời gian trở lại vào ngày 5/10.
2024-09-19 15:25:44

Hà Giang: CSGT đến tận trường phổ biến luật ATGT cho học sinh

Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là đối với các em học sinh, Đội 2 Phòng CSGT Công tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Hà Giang tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho các em học sinh trong trường.
2024-09-19 15:04:52

Chính sách ưu đãi đối với Doanh nghiệp của thương binh và NKT: Những bất cập cần giải quyết

Hiện nay, Việt Nam các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật còn thiếu đồng bộ và bất cập. Nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.
2024-09-19 10:50:25

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong đêm 18/9, gây gió mạnh, sóng lớn ven biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Để chủ động ứng phó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
2024-09-19 10:25:26
Đang tải...