Hỗ trợ nhà ở cho người có công là nhiệm vụ cấp thiết
80.000
hộ người có công đã được hỗ trợ nhà ở
Sau gần 4 năm thực
hiện, đã có hàng chục nghìn ngôi nhà của NCC được hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Đời
sống của NCC với cách mạng được nâng cao hơn trước, nhà ở khang trang, chắc
chắn, có diện tích tối thiểu 30m2, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, chống thất thoát trong quá trình phát triển nhà ở cho người có công
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng với Thủ tướng Chính phủ, thực hiện NQ 494 và QĐ 22 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong giai đoạn 1 (2013-2016) có 80.000 hộ người có công được hỗ trợ về nhà ở; nguồn kinh phí ngân sách cấp để thực hiện là 2.758 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương cấp là 2.516 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp là 242 tỷ đồng).
Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/5/2017, cả nước đã có 116.967 hộ hoàn thành việc xây mới và sửa chữa, cải tạo nhà ở (trong đó có 61.080 hộ xây mới và 55.887 hộ sửa chữa, cải tạo), đang triển khai thực hiện cho 6.787 hộ (gồm 2.334 hộ xây mới và 4.453 hộ sửa chữa, cải tạo). Như vậy, tổng số hộ đã và đang thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở tính đến nay là 123.754 hộ, vượt 43.754 hộ so với kế hoạch ban đầu là 80.000 hộ.
Nguyên nhân tăng số hộ nêu trên chủ yếu là do một số địa phương đã tạm ứng trước kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương và một số hộ gia đình đã tự huy động kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở (khoảng 34.000 hộ); có một số địa phương đã thay đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa, cải tạo (khoảng 9.000 hộ).
Nếu tính cả số hộ mà 13 địa phương đề nghị bổ sung thêm thì đến ngày 15/5/2017, cả nước còn 256.166 hộ chưa thực hiện theo QĐ 22.
Về kinh phí thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2, ngay sau khi Nhà nước đã cấp kinh phí hỗ trợ cho 80.000 hộ giai đoạn 1, tính đến ngày 15/5/2017, còn 299.920 hộ cần cấp kinh phí để hỗ trợ, trong đó có hơn 43.000 hộ đã thực hiện sẽ được Nhà nước cấp hoàn trả kinh phí (gồm 119.351 hộ xây mới và 180.569 hộ sửa chữa, cải tạo).
Như vậy, tổng kinh phí ngân sách Nhà nước cần cấp để hỗ trợ giai đoạn 2 là khoảng 8.385 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương cấp khoảng hơn 7.762 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp khoảng hơn 623 tỷ đồng)…
Công khai, đúng đối tượng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương đã đạt được trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo QĐ 22. Theo Phó Thủ tướng, đây không chỉ là việc triển khai hiệu quả một quyết định của Thủ tướng, mà còn thể hiện đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
"Phát triển nhà ở xã hội nói chung, trong đó có nhà cho người có công với cách mạng mang lại ý nghĩa lớn về kinh tế-xã hội, là chủ trương rất nhân văn của Chính phủ, thực hiện quyền về nhà ở của người dân đã được thể hiện trong Hiến pháp", Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc QĐ 22 của Thủ tướng.
"Đề nghị Bộ Xây dựng, Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân cần xác định việc hỗ trợ, xây dựng nhà ở cho người có công là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải sớm xây dựng, hoàn chỉnh đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công của mỗi địa phương, trong đó nêu rõ kế hoạch thực hiện, chỉ rõ nguồn lực, kế hoạch huy động nguồn lực xã hội của người dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần rà soát lại để lồng ghép một cách hài hoà các chương trình nhà ở hiện đang triển khai trên địa bàn, tránh dàn trải, lãng phí.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, chống thất thoát trong quá trình phát triển nhà ở cho người có công và các chương trình nhà ở xã hội khác.
Hỗ trợ sớm nhất có thể
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công trên tinh thần khẩn trương, chính xác, hiệu quả.
Đối với các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ theo Đề án được duyệt nhưng chưa được Nhà nước cấp kinh phí mà đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách để hoàn trả cho các hộ gia đình này.
"Nếu có thể, sẽ cấp ngay trong năm 2017 sau khi có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương", Phó Thủ tướng nói.
Đối với trường hợp thuộc diện được hỗ trợ theo Đề án được phê duyệt nhưng đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống, có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó thì được hỗ trợ theo mức quy định tại QĐ 22 để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Nếu người có công với cách mạng mà cả vợ và chồng đều đã chết, giao các địa phương rà soát lại, xem xét cụ thể từng trường hợp.
Trường hợp thuộc diện được hỗ trợ theo Đề án đã được phê duyệt nhưng chuyển đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa hoặc ngược lại mà không làm phát sinh thêm kinh phí từ ngân sách Trung ương thì cho phép tiếp tục thực hiện; các trường hợp khác thì địa phương cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách hằng năm của địa phương hoặc huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân khác để thực hiện hỗ trợ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc ứng trước kinh phí từ ngân sách để cấp cho các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phân bổ và cấp phát ngay kinh phí được cấp phát cho các quận, huyện để triển khai thực hiện hỗ trợ cho người có công với cách mạng. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng dân cư tích cực tham gia cùng với Nhà nước để hỗ trợ người có công với cách mạng nhằm nâng cao chất lượng nhà ở được xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa.
Kiên Cường
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.