Hội Doanh nghiệp của TB-NKT thành phố Hà Nội tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai công tác năm 2024
- Quảng Ngãi: Triển vọng đầu tư và phát triển kinh tế
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Tổ chức hội nghị đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn nhân 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
- Tập Đoàn Y Dược Việt: Tuyên truyền cây thuốc nam quanh ta trong việc kiểm soát bệnh mãn tính không lây trong cộng đồng
Toàn cảnh hội nghị.
Chỉ đạo Hội nghị ông Dương Minh Đỗ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội VAIDE; ông Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp của TB và NKT Việt Nam; ông Phạm Tiến Thành - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Hòa Nhập; ông Vũ Văn Bính - Chánh Văn phòng Hội Doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội.
Trong nhiệm kỳ III (2018-2023), Ban chấp hành Hội thực hiện Công tác rà soát các mặt hoạt động của các doanh nghiệp hội viên, điều chỉnh cho phù hợp với điều lệ bổ sung, sửa đổi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Ngay từ sau khi Đại Hội Ban chấp hành (BCH) Hội đã chỉ đạo Văn phòng và các bộ phận có liên quan rà soát lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hội viên; đồng thời; đối chiếu với nội dung của điều lệ bổ sung, sửa đổi đã được thành phố phê duyệt để điều chính những nội dung hoạt động không còn phù hợp. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên một số hoạt động của các doanh nghiệp hội viên phải tạm dừng cho đến khi nhà nước khống chế và dập được đại dịch. Từ cuối năm 2022 cho đến nay hoạt động mới dần trở lại bình thường và đang trong quá trình phát triển mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Dương Minh Đỗ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội VAIDE trình bày báo cáo tổng kết hoạt động của Hội năm 2023 nhiệm kỳ III (2018-2023)
Theo đó, Ban chấp hành Hội triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại Hội cũng như của các kỳ họp BCH; Ban thường vụ đã chỉ đạo văn phòng và một số cán bộ có liên quan tổ chức nhiều đợt đi khảo sát hoạt động của các cơ sở hội viên; BCH Hội đã thành lập đoàn công tác do trực tiếp chủ tịch Hội Dương Minh Đỗ làm trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc tại các doanh nghiệp hội viên của Hội; đồng thời rà soát và cấp lại toàn bộ giấy chứng nhận hội viên cho các doanh nghiệp.
Hiện Hội có 46 hội viên doanh nghiệp và 8 hội viên cá nhân. Trong năm qua Hội cũng đã triển khai kết nạp hai hội viên mới gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn vật liệu xây dựng Phong Cảnh; do ông Tạ Quang Uẩn, thương binh ¼ làm Giám đốc, và Công ty cổ phần hỗ trợ nhân đạo, văn hóa, giáo dục Hà Nội, do ông Nguyễn Bá Ngọ làm Giám đốc.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội gặp không ít những khó khăn. Với đặc điểm của các cơ sở hội viên khi thành lập là tự nguyện, trong số các lao động ở đây đều có sự tham gia của lực lượng lao động là thương - bệnh binh, người khuyết tật và con em các gia đình chính sách. Các hoạt động sản xuất và kinh doanh không được Nhà nước cấp kinh phí mà chủ yếu do các lao động góp vốn để tổ chức sản xuất và kinh doanh. Với một môi trường hoạt động doanh nghiệp có người lao động hoàn toàn khỏe mạnh còn khó khăn; trong khi đó, các đơn vị hội viên của Hội là các doanh nghiệp có lao động là thương, bệnh binh và người khuyết tật thì vô cùng khó khăn hơn nữa. Cụ thể hơn, trong môi trường hoạt động cũng như việc làm của người lao động tại các cơ sở hội viên, những khó khăn đầu tiên vẫn là: vốn để kinh doanh, mặt bằng kinh doanh, bao tiêu sản phẩm,… Những khó khăn này là bức tranh chung là đối với tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt là đối với các cơ sở sử dụng số lượng lớn lao động là thương bệnh binh, con em các gia đình chính sách và người khuyết tật. Tuy nhiên, với ý chí của người “Lính Cụ Hồ” các lao động trong doanh nghiệp đã động viên nhau vượt qua khó khăn vươn lên xây dựng doanh nghiệp, tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống và đóng góp xã hội, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gương mẫu tham gia các hoạt động của địa phương.
Tại HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, có trụ sở tại Thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà nội do bà Nguyễn Thị Vui làm Giám đốc. Ngành nghề chính của HTX là sản xuất sơn, khảm thủ công mỹ nghệ; cơ sở đủ điều kiện đào tạo, bố trí chỗ ăn, nghỉ cùng lúc cho 100 học sinh. Tuy nhiên, nhiều năm qua không được hỗ trợ kinh phí nên việc đào tạo, truyền nghề cũng gặp nhiều bất cập. Mặt khác, cũng tương tự như các cơ sở của người khuyết tật là việc tiêu thụ sản phẩm chậm, đồng vốn quay vòng thấp, nên cũng gặp khó khăn cho việc tái đầu tư sản xuất.
Tại Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đây là cơ sở mà lao động chủ yếu là người khuyết tật, chủ cơ sở là bà Đoàn Thị Hoa, thành lập từ năm 2007, tại thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Oai. Từ sau đại dịch hoạt động cầm chừng do không nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí nào; việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều trở ngại, nên việc phục vụ ăn, ở, truyền nghề và tiêu thụ sản phẩm hết sức khó khăn.
Tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho thanh thiếu niên khuyết tật vì ngày mai, gọi tắt là Trung tâm Vì ngày mai: Đây là Trung tâm có số lượng lớn lao động là người khuyết tật. Trung tâm này vừa là hội viên của Hội nhưng đồng thời trực thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, được thành lập tháng 1/2009; việc tiêu thụ sản phẩm trong thời kỳ đại dịch gần như đình trệ, nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy, truyền nghề và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương bình và Người khuyết tật Việt Nam (VAIDE) phát biểu tại Hội nghị.
Mặc dù là các doanh nghiệp sử dụng lao động là thương bệnh binh và người khuyết tật được hưởng chính sách miễn giảm thuế nhưng các doanh nghiệp hội viên vẫn nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của mình, đóng thuế cho nhà nước đầy đủ theo quy định.
Trong năm qua các hoạt động của Hội vẫn được duy trì tốt và đang từng bước là địa chỉ tin cậy cho các cơ sở hội viên trong công tác tư vấn chính sách và kết nối giữa các hội viên liên doanh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh; các cơ sở hội viên cũng tích cực tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng hội. Tuy nhiên, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, ba năm liên tục cơ quan của Hội không thu hội phí của các doanh nghiệp hội viên; các chi phí hoạt động thường xuyên của bộ phận thường trực do một số doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ trực tiếp theo vụ việc. Từ thực tế tại các cơ sở hội viên có sử dụng lao động là Người khuyết tật, trong thời gian tới BCH sẽ trực tiếp làm cầu nối giới thiệu sản phẩm của các cơ sở hội viên khó khăn trên với các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Chân Thiện Mỹ để tạo điền kiện ký kết các hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các Doanh nghiệp của Người khuyết tật, nhằm tạo điều kiện để việc tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở này ổn định, tạo động lực mạnh mẽ để các cơ sở nói trên phát triển.
Trong năm nay, Hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã chính thức chuyển trụ sở về địa chỉ: Số 64, Ngõ 279 Đội Cấn, Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. 6 tháng cuối năm 2023, Hội Doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội phối hợp cùng với Tạp chí điện tử Hòa Nhập thực hiện khảo sát và cấp lại Giấy chứng nhận Hội viên cho các Doanh nghiệp Hội viên trong Hội.
Một số Doanh nghiệp hội viên mà Hội Doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội cấp lại Giấy chứng nhận Hội viên trong 6 tháng cuối năm 2023.
Năm 2024 tới đây, Ban Chấp hành Hội tiếp tục đến với các cơ sở hội viên nhằm tạo điều kiện để kết nối giữa các hội viên với các doanh nghiệp trong và ngoài hội cùng hợp tác để phát triển cũng như xây dựng hội ngày càng vững mạnh, tạo được nhiều việc làm cho thương bệnh binh, các đối tượng chính sách và người khuyết tật để họ có thể ổn định đời sống, đóng góp cho xã hội.
Hội sẽ tiến hành kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của hội, sự phát triển của hội và quyền lợi chính đáng của hội viên. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và danh dự hội viên. Kiến nghị với Thành phố: đề nghị UBND Thành phố và các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ để Hội có mặt bằng xây dựng trụ sở, xây dựng Trung tâm đào tạo nghề nghiệp cho Thương bệnh binh, con em các gia đình chính sách và người khuyết tật, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng. Kiến nghị với các Sở, Ban, Ngành quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tăng thu nhập để nâng cao đời sống của anh chị em thương bệnh binh và người khuyết tật. Kiến nghị với chính quyền các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ Hội và các doanh nghiệp Hội viên hoạt động có hiệu quả, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.