Hội thảo tạo việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Tô Đức cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 7,06 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn; tỉ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình của toàn quốc.
Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp: 41,01% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ từ tốt nghiệp THCS trở lên chỉ chiếm 19,5%. 93,4% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; chỉ 6,5% người khuyết tật có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên.
Từ lâu, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm và chỉ đạo thực hiện tạo việc làm cho người khuyết tật hòa nhập xã hội. Điều này được thể hiện trong Bộ luật Lao động, Chỉ thị 39 của Ban Bí thư, Quyết định 1100 của Chính phủ. Đặc biệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2023 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030 là 300.000 người khuyết tật có nhu cầu đào tạo và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Tô Đức, chủ trì Hội thảo Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với người khuyết tật ở Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả Điều tra quốc gia về lao động việc làm và Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam được Tổng cục Thống kê hoàn thành 6 vòng thu thập dữ liệu, từ tháng 7 đến 12/2022 với 117.864 hộ gia đình và 7.156 người khuyết tật đã cho thấy: Chỉ có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng có việc làm.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra, tỉ lệ người khuyết tật tự kinh doanh cao. Có tới 66,6% người khuyết tật trung bình làm nghề tự do, đối với người khuyết tật nặng là 52,6%. Khi có việc làm, người khuyết tật làm việc ít thời gian hơn so với những người không khuyết tật. Người khuyết tật trung bình làm việc 34,05 giờ mỗi tuần và người khuyết tật nặng là 31,22 giờ mỗi tuần.
Và khi người khuyết tật tìm kiếm được việc làm thì họ phải đối mặt với rào cản thái độ của người sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc. Những người khuyết tật nặng cho rằng có 29,51% người sử dụng lao động và 23,64% người lao động không sẵn lòng giúp đỡ họ khi làm việc.
Những người khuyết tật trẻ tuổi gặp phải các rào cản trong công việc cao hơn nhiều so với người khuyết tật lớn tuổi. Nhóm 15 – 29 tuổi cao gần gấp đôi so với dân số chung và cao hơn 3 lần so với nhóm tuổi 60 trở lên.
Kết nối, tạo việc làm cho những người khuyết tật
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu một số giải pháp thúc đẩy tạo việc làm cho người khuyết tật, bao gồm việc lồng ghép nội dung này trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia để có thêm nguồn lực thực hiện. Đó là các chương trình về xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó, phải tiếp tục phát huy sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về người khuyết tật trong tham gia giải quyết việc làm cho người khuyết tật.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh nhấn mạnh giải pháp nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cấp hội, bảo đảm thực thi đúng chính sách, đặc biệt là Quyết định 1100/QĐ-TT ngày 21-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Chỉ thị 39 do Ban Bí thư ban hành ngày 1-11-2019 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Tô Đức nhấn mạnh, để bảo đảm quyền có việc làm của người khuyết tật, cần chú trọng một số giải pháp trọng điểm.
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận cơ chế chính sách việc làm, sinh kế cho người khuyết tật. Bản thân người khuyết tật, gia đình người khuyết tật phải chủ động tìm kiếm thông tin, nắm rõ các quyền của mình.
Thứ hai, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường hướng dẫn các địa phương, chú trọng công tác cấp giấy chứng nhận cho người khuyết tật làm cơ sở giải quyết chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật.
Thứ ba, để giúp người khuyết tật có cơ hội học nghề, có việc làm, phải phát huy vai trò của chính quyền địa phương và các hội bảo vệ quyền của người khuyết tật, dựa trên dữ liệu lao động cụ thể về nhu cầu học nghề, việc làm của người khuyết tật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.