Hơn 112.000 tỉ đồng quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình: Vùng dân cư nào sẽ bị ảnh hưởng?
Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 1261/UBND-NNNT, cho ý kiến về việc thực hiện quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Theo quyết định trên, tổng kinh phí thực hiện quy hoạch khoảng 112.668 tỉ đồng, dự kiến giai đoạn đến 2030 là 55.511 tỉ đồng; giai đoạn sau năm 2030 là 57.157 tỉ đồng. Nguồn vốn này được lấy từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động vốn ODA, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất vùng bãi sông hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của quy hoạch này là vấn đề quản lý, sử dụng bãi sông tại khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông. Theo đó, phải rà soát, di dời đối với những khu vực đang bị sạt lở, trong phạm vi bảo vệ đê điều, vi phạm pháp luật về đê điều. Một số khu vực dân cư phải xây dựng kế hoạch di dời với tổng số hộ cần di dời khoảng 2.023 hộ tại các khu dân cư Thạch Đồng (Phú Thọ); Võng La - Hải Bối, Đông Ngạc - Nhật Tảo, Bắc Cầu, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Bồ Đề, Bát Tràng (Hà Nội).
Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi quy hoạch có trách nhiệm: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều trên địa bàn bảo đảm phù hợp với quy hoạch này; trong đó xác định cụ thể các khu vực công trình, nhà ở phải di dời, khu vực dân cư tập trung hiện có, khu vực có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khu vực bãi sông phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều trên địa bàn. Xây dựng lộ trình, kế hoạch hàng năm, 5 năm để thực hiện quy hoạch. Chủ động cân đối bố trí nguồn ngân sách địa phương, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất vùng bãi sông và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi quy hoạch cũng cần tổ chức quản lý bảo vệ đê điều, hộ đê, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; thực hiện xây dựng, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê điều, cải tạo lòng dẫn thoát lũ, di dân tái định cư trong phạm vi quản lý của địa phương theo quy hoạch, đảm bảo an toàn phòng chống lũ theo quy định; xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp trên địa bàn trong trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế, xảy ra sự cố vỡ đập hoặc sự cố khác đối với các hồ chứa nước lớn ở thượng nguồn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.