Hơn 155 nghìn tỷ đồng trả nợ, viện trợ trong năm 2016
Bộ Tài Chính cho biết, năm 2016 dự báo tình hình tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2015, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, lạm phát dưới 5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%...
Dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, từ cả môi trường quốc tế và tồn tại chậm khắc phục của nền kinh tế. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng với việc ký kết và triển khai các FTAs mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng tạo ra những khó khăn, thách thức rất lớn đến hoạt động SX-KD các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó là những biến động phức tạp, khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và giá dầu thô tiếp tục giảm sâu...dự báo có tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.
Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 là1.014,5 nghìn tỷ đồng.
Trong đó: Dự toán thu nội địa 785 nghìn tỷ đồng; thu dầu thô 54,5 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng 14,02 triệu tấn, giá bình quân 60 USD/thùng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 172 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở số thu 270 nghìn tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng 98 nghìn tỷ đồng; thu viện trợ 3 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh việc đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN và không thấp hơn so với dự toán được giao, cần có những giải pháp phù hợp. Phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao.
Về chi NSNN: Dự toán chi NSNN năm 2016 là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, tăng 126,1 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2015.
Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển NSNN là 254,95 nghìn tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên NSNN là 824 nghìn tỷ đồng; dự toán chi trả nợ, viện trợ là 155,1 nghìn tỷ đồng, đảm bảo trả đủ các khoản nợ gốc, lãi vay nước ngoài đến hạn. Đối với chi trả nợ trong nước, đảm bảo trả đủ lãi và một phần nợ, giảm mức vay đảo nợ.
Trong bối cảnh thu NSNN năm 2016 tăng không lớn, nhu cầu chi tăng cao để đáp ứng các nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, do đó bội chi NSNN năm 2016 sẽ phải giảm xuống mức 4,95%GDP tương đương với 254 nghìn tỷ đồng (giảm 0,05% so dự toán năm 2015).
Tổng nhiệm vụ phải huy động trong năm 2016 là 409 nghìn tỷ đồng, mặc dù đã giảm 27 nghìn tỷ đồng so năm 2015, nhưng vẫn rất nặng nề, đòi hỏi triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.
Bộ Tài chính cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; tập trung công tác thu NSNN, chủ động xử lý tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.