Hợp tác xã Tiểu thủ Công nghiệp 26/3 (Hà Tĩnh): Khó khăn chồng chất khó khăn trong khai thác đá
2016-09-23 09:27:51
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Thị trường tiêu thu bị thu hẹp, hoạt động cầm chừng, máy móc được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đắp chiếu hoen rỉ, công nhân thất nghiệp, nợ ngân hàng, nợ thuế chồng chất, nhiều mỏ phải đóng cửa… Đó là thực trạng đã và đang xảy ra tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. HTX Tiểu thủ công nghiệp 26/3 tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên cũng không thoát khỏi tình trạng chung nêu trên.
Toàn cảnh mỏ đá của HTX |
Khai thác mỏ đá là công việc vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm và gây nhiều tác động xấu tới môi trường cho nên vấn đề đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường và chính sách đối với người lao động phải được các doanh nghiệp khai thác hết sức quan tâm. Hơn nữa là trong điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, phức tạp hơn nên chi phí cũng theo đó ngày càng tăng lên. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải phân phối hợp lý và sử dụng hiệu quả các lợi ích thu được từ khai thác khoáng sản. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải năng động hơn thì mới có thể trụ vững trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Cũng là một mỏ đá có quy mô lớn với tổng diện tích 4,89 ha và hệ thống máy móc hiện đại, công suất lớn, mỏ đá thuộc HTX tiểu thủ công nghiệp 26/3 cũng đã từng đem lại nguồn thu lớn và tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân. Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng của những khó khăn chung trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và đặc biệt là sự xuất hiện của ngày càng nhiều mỏ đá khác trên địa bàn nên việc hoạt động sản xuất của mỏ bị ngưng trệ.
Phóng viên trao đổi với anh Lê Xuân Diệu giám đốc mỏ |
Trao đổi với PV anh Lê Xuân Diệu - Giám đốc HTX cho biết: Khai thác đá ngày càng khó khăn, vì có nhiều mỏ mọc lên, kinh doanh ngày càng khó vì chất lượng đá xấu không đúng như lúc khoan thăm dò, nợ thuế quá hạn thì phải chịu lãi cao, các công trình thì khó thu hồi nợ. Bên cạnh đó, đường vận chuyển của mỏ đá phải đi qua trạm thu phí cầu Rác. Các nhà xe không muốn phải mất thêm một khoản lợi nhuận khi nộp phí qua cầu, nên đã tự bỏ đi nơi khác để mua vật liệu. Thị trường tiêu thụ bây giờ chỉ còn lại xã Cẩm Trung, Cẩm Minh, và một số ít xã Cẩm Lộc. Hợp tác xã đã khổ nay còn khổ hơn. Bây giờ hợp tác xã đang phải chống chèo với nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại. Trước cảnh sản xuất ra nhưng chẳng tiêu thụ được, nhiều mỏ đá yếu thì chết hẳn, còn những mỏ lớn thì bắt đầu chuyển sang hướng khác. Các chủ mỏ không chỉ gặp khó do sản phẩm làm ra không bán được mà còn do tỉnh thu phí “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” quá cao và bất hợp lý.
Anh Diệu đưa chúng tôi đi một vòng khu vực mỏ, đập vào trước mắt chúng tôi là một khung cảnh trầm lắng, vắng bóng công nhân, xe cộ thưa thướt, máy móc và các loại dây chuyền nằm đắp chiếu không hoạt động, đá thì chất thành những quả núi cao. “Đến thời điểm hiện tại, không những mỏ của tôi mà các mỏ khác đều trong tình trạng ảm đạm như vậy. Làm sao có đầu ra để khai thác, cầm cự nuôi công nhân, máy móc là tốt lắm rồi. Sản lượng làm ra không đủ để xoay vòng, chưa nói đến việc phải trả ngân hàng và đóng nộp các loại thuế” - Anh Diệu nói với vẻ buồn rầu.
Máy móc phải ngừng hoạt động vì không bán được đá |
Theo tìm hiểu của Hoanhap.vn, từ trước đến nay nhiều doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh từ những cá nhân đến các hội doanh nghiệp khai thác đá đã có những kiến nghị gửi lên UBND tỉnh và Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh về việc xem xét điều chỉnh khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho phù hợp, sát với thực tế, nhưng đến nay những kiến nghị của họ vẫn chưa được giải quyết.
Từ những khó khăn chung mỏ đá của hợp tác xã 26/3 cũng đã cố gắng hết sức để cầm cự ổn định hoạt động. Anh Diệu tâm sự: “Gắn bó bao nhiêu năm với mỏ đá nói bỏ cũng không bỏ được vì cái nghề cũng là cái nghiệp của mình. Cũng chỉ mong tháo gỡ các khó khăn để mỏ đá có thể hoạt động nhộn nhịp trở lại như những năm trước đây”.
Việc tháo gỡ những khó khăn trong khai thác đá ở Hà Tĩnh nói chung là một bài toán vô cùng khó cần có sự vào cuộc quyết liệt từ UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các sở ban ngành liên quan để đưa ra những hướng đi phù hợp “cứu vớt” những doanh nghiệp khai thác đá đang trên bờ vực đóng cửa như hiện nay. Nếu không có những giải pháp để khắc phục tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp như hiện nay thì hệ lụy của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Quán Hiên - Thùy Linh