Huyền thoại về con tàu 3 lần vào cảng Vũng Rô giao vũ khí
Ngụy trang tàu tại Vũng Rô
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh là thuyền trưởng tàu 41 tại thời điểm con tàu này ba lần vào giao vũ khí tại bến Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) năm xưa. Người cựu binh (CCB) nay đã 87 tuổi cho biết, ông sinh ra tại một xóm chài ven biển tỉnh Phú Yên. Sau khi tham gia bộ đội năm 16 tuổi (1950), đến năm 1958 ông được chuyển sang học tại Trường 45 thuộc Cục phòng vệ bờ biển, tiền thân của Bộ Tư lệnh Hải quân ngày nay. Sau khi đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập (23/10/1961), năm 1962, Hồ Đắc Thạnh được điều về Đoàn 759 (là nòng cốt của Đoàn tàu không số), tiền thân của Lữ đoàn 125, thuộc Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Từ khi về Đoàn tàu không số, Hồ Đắc Thạnh tham gia nhiều chuyến giao vũ khí cho chiến trường. Năm 1964, sau chuyến đi thứ bảy vừa trở về, Hồ Đắc Thạnh lại được lệnh về cảng Đồ Sơn (Hải Phòng) để nhận nhiệm vụ mới. Tại đây, ông được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết, hiện nhu cầu vũ khí ở chiến trường Khu 5 hết sức bức thiết, nên theo chỉ đạo của trên, lực lượng hải quân phải nhanh chóng đưa vũ khí vào bến Vũng Rô. Đây là nơi có vũng nước sâu, tàu ra vào không phụ thuộc thủy triều, nếu biết tận dụng yếu tố này, việc vận chuyển vũ khí sẽ thành công.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Hồ Đắc Thạnh được cử làm thuyền trưởng tàu 41. “Được giao vũ khí ngay tại quê hương mình, đối với tôi đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất tự hào”- ông Thạnh bày tỏ. Rồi ông kể, sau khi nhận lệnh, Ban chỉ huy tàu 41 nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu hải đồ, đề ra các phương án di chuyển để tránh địch. Ngày 26/11/1964, tàu 41 bắt đầu xuất phát từ Bãi Cháy (Quảng Ninh), sau hơn hai ngày vừa lênh đênh trên biển vừa tránh địch, trưa 28/11 tàu đến gần Vũng Rô. Tới chiều, khi tàu đang vận chuyển như đã định thì thấy hai tàu địch xuất hiện từ xa. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh hạ lệnh thay biển số tàu, sửa lại lưới đánh cá ngụy trang và sẵn sàng chiến đấu. Tàu địch tiếp tục lại gần. Trước tình huống hiểm nghèo, nhưng các thành viên tàu 41 đều giữ được bình tĩnh, không để xảy ra sơ suất nào. Sau khi áp sát tàu ta, thấy không có biểu hiện khác thường, hai tàu địch tăng tốc chuyển hướng khác.
Tối hôm đó, tàu 41 vào đến Vũng Rô, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cử người bắt liên lạc với bến.Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nói với chỉ huy bến Vũng Rô, tàu chỉ có thể ở đây vài giờ trong đêm nay, rồi phải tận dụng trời vẫn tối để nhanh chóng quay ra, nếu không sẽ bị địch phát hiện. Chỉ huy bến Vũng Rô băn khoăn, với số lượng 63 tấn vũ khí trên tàu 41 khi đó, nếu trong vài giờ thì không thể bốc dỡ hết. Trước tình huống này, có ý kiến đề xuất nếu bốc dỡ hàng chưa xong, trước khi trời sáng tàu 41 có thể ra hải phận quốc tế, đến tối lại quay vào tiếp tục “nhả” hàng. Nhưng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nói, tàu trở ra có thể được, nhưng chắc gì đã an toàn khi quay lại, trong khi vũ khí chuyển vào được đến đây là rất khó khăn. Lúc đó tất cả cùng khó nghĩ. Bất chợt Hồ Đắc Thạnh nhớ đến lời Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát dặn ông trước lúc lên đường: “Trong trường hợp bất trắc, thuyền trưởng được quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên”. Nghĩ vậy, Hồ Đắc Thạnh quyết định sau khi bốc hàng tới giờ đã định, ông không để tàu trở ra mà cho tàu 41 áp sát vào núi của khu vực Vũng Rô, rồi cho ngụy trang tàu để tránh sự phát hiện của địch. Quyết định này đã thành công khi tàu 41 neo cạnh núi cả ngày hôm sau mà địch không phát hiện ra. Tối hôm đó, người của bến Vũng Rô tiếp tục nhận vũ khí, sau đó tàu 41 trở ra Bắc an toàn.
Các cựu chiến binh thăm lại tàu HQ-671, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.
Những kỷ niệm không quên
Trở ra Bắc, các thành viên tàu 41 chỉ nghỉ ngơi ít ngày rồi lại nhận lệnh đi tiếp chuyến thứ hai tới Vũng Rô. Lần cập bến Vũng Rô lần này vào ngày 25/12/1964, đúng Nô-en. Khi đó, địch sao nhãng nên việc tuần tiễu, canh phòng ít nhiều lơi lỏng. Chuyến đi thứ hai này, ngoài 63 tấn vũ khí, tàu 41 còn đưa thêm 4 cán bộ vào chi viện cho chiến trường và 3 tấn gạo cấp cho bến Vũng Rô. Và cũng như lần trước, lần này thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cũng cho tàu ngụy trang, neo lại Vũng Rô một ngày để bốc dỡ hết vũ khí, đạn dược.
CCB Hồ Đắc Thạnh cho biết, việc vận chuyển vũ khí đến Vũng Rô lần thứ ba mang lại cho ông nhiều kỷ niệm. Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ (1965) ít ngày, tranh thủ sơ hở của địch, lãnh đạo ta quyết định để tàu 41 tiếp tục chở vũ khí vào Vũng Rô. Trong chuyến đi này, cấp trên cho phép tàu 41 đón giao thừa tại Vũng Rô. Do vậy, trước khi đi, thủy thủ tàu đã chuẩn bị bánh chưng, trà, thuốc lá và một cành đào Nhật Tân để đón tết. Tối 1/2/1965, gần tới giao thừa bước sang năm mới, tàu 41 vào đến nơi. Lúc đó, pháo địch bất ngờ bắn trắng trời, cảm giác đầu tiên của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh là nghĩ tới việc bị lộ. Nhưng ông kịp xác định, việc bắn pháo sáng này chỉ là một hình thức đón năm mới của địch. “Ngay lúc đó, chúng tôi nghe tiếng Bác Hồ chúc tết vang lên qua radio, tất cả xúc động và hạnh phúc”- ông Thạnh cho biết. Bài thơ chúc Tết của Bác năm ấy đến giờ ông vẫn thuộc lòng.
Trong lúc mọi người hân hoan đón tết, một nữ dân công tại bến lại gần thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và đưa cho ông chiếc khăn mùi-xoa, có bọc một thứ gì đó bên trong. Mở mùi-xoa ra xem, Hồ Đắc Thạnh thấy bên trong có một nắm đất. Thiếu nữ đó rưng rưng: “Em xin gửi nắm đất Phú Yên theo tàu các anh ra miền Bắc. Dù mảnh đất này bị bom cày, đạn xới nhiều lần, nhưng chúng em vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng vì đã có vũ khí của Đảng, của Bác từ miền Bắc chi viện”. “Khi đó, tôi và các thuyền viên đã nâng niu nắm đất, chuyền qua tay từng người, sau đó cùng tàu mang về miền Bắc an toàn”- CCB Hồ Đắc Thạnh xúc động chia sẻ.
CCB Hồ Ðắc Thạnh hiện sống tại quê nhà Phú Yên, ông là Phó Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, phụ trách khu vực miền Trung. Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2017, tàu HQ - 671 được công nhận là Bảo vật quốc gia, hiện trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.