Thành tựu của HH DN của Thương binh và Người khuyết tật VN 20 năm qua
Hiện nay, Việt Nam có 7,8 triệu người khuyết tật, chiếm 8% dân số. Chính sách, pháp luật Việt Nam xác định người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng và triển khai Kế hoạch dài hạn về người khuyết tật do UNESCAP đề xướng.
Việt Nam cũng đã ký Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật và đã có Luật Người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật nặng, thương binh, bệnh binh, người bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có trẻ em, được Nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng.
Nhằm giúp đỡ cho thương bệnh binh, người khuyết tật có việc làm, hòa nhập cộng động, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, hỗ trợ một phần cho Nhà nước về gánh nặng ngân sách, hàng chục năm qua, nhiều cơ sở kinh doanh do thương binh và người khuyết tật làm chủ đã ra đời ở khắp các địa phương trong cả nước.
Thực hiện chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng, sự đồng ý của Lãnh đạo Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam đã ra đời, nhằm hỗ trợ về chính sách, pháp luật, thị trường cho các cơ sở kinh doanh do thương binh và người khuyết tật làm chủ. Trong suốt 20 năm hoạt động, Hiệp hội đã thu hút 900 doanh nghiệp hội viên tham gia, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong cơ chế thị trường, trụ vững và phát triển, tránh được nguy cơ phá sản, giải thể. Chính nhờ đó, hàng triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật, duy trì được việc làm, có được thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình. Các doanh nghiệp hội viên trong hệ thống của Hiệp hội đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách của Nhà nước.
Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2023 và vinh danh các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Kể từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội luôn là chỗ dựa tin cậy cho các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật hoạt động trong tất cả các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh - dịch vụ của nền kinh tế. Dưới sự giúp đỡ của Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên, nhiều thương binh, người khuyết tật đã vượt qua nỗi đau, tích cực lao động làm giàu cho mình, cho gia đình, không trở thành gánh nặng cho xã hội. Thông qua các chương trình, giải pháp do Hiệp hội triển khai, tổ chức đã xuất hiện nhiều Tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”, “Anh bộ đội cụ Hồ”, “Người khuyết tật vượt khó” trên khắp 63 tỉnh, thành.
Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam (tiền thân là Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật Việt Nam) được thành lập năm 2003 theo Quyết định số 13/2003/QĐ-BNV ngày 14/4/2003 của Bộ Nội vụ.
Hiệp hội đã qua 4 đại hội (mỗi nhiệm kỳ là 5 năm). Về tổ chức Hiệp hội có Chủ tịch, Phó Chủ tịch; Ủy viên Thường trực, Ủy viên Thường vụ và Ủy viên ban chấp hành.
Từ 113 cơ sở hội viên lúc ban đầu (năm 2003) đến nay đã có hơn 900 cơ sở hội viên và Hội cấp tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam) thu hút khoảng 40.000 thương binh và hàng ngàn người khuyết tật vào làm việc thường xuyên, ở các cơ sở SXKD và dịch vụ trong đội hình của hiệp hội, giúp họ ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.
Hiện nay, Ban chấp hành Hiệp hội có 50 đồng chí, AHLĐ Trần Hồng Quảng là Chủ tịch Hiệp hội, Thương binh 2/4 Nguyễn Văn Quỳnh là Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội.
Hiệp hội có trụ sở chính đặt tại Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hiệp hội. Cơ cấu tổ chức của Hiệp hội hiện có:
Văn phòng, gồm: Chánh văn phòng, Phó chánh văn phòng và các chuyên viên;.
Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội là Tạp chí Hướng nghiệp & Hòa nhập (in) và Tạp chí điện tử Hòa nhập,
Một số đơn vị trực thuộc như: Trung tâm dạy nghề số 1 (Hà Nội), Trung tâm dạy nghề số 2 (TP.HCM), Trung tâm dạy nghề số 3 (Thừa Thiên - Huế),
Các Tỉnh hội và Chi hội trực thuộc trên nhiều tỉnh thành của cả nước.
Hiện trên cả nước có trên 8,8 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số), trong đó có 117 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng, hơn 2 triệu người là Thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, hàng vạn người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần, hiện có gần 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sỹ được hưởng chế độ ưu đãi dài hạn về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế... Cả nước có 7,8 triệu người khuyết tật, trong đó có 30% trong độ tuổi lao động, hiện vẫn còn nhiều người khuyết tật chưa có việc làm.
Trong nhiều năm qua, Hiệp hội luôn là thành viên tích cực của Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong mọi hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống và tạo việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước. Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên đã tạo nhiều việc làm mới cho đối tượng chính sách, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên cả nước hỗ trợ người khuyết tật, thương, bệnh binh hòa nhập cộng đồng.
Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được tổ chức trên nguyên tắc tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân có hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực của nền kinh tế có liên quan đến sử dụng người lao động là thương binh và người khuyết tật theo quy định của Pháp luật Việt Nam.
Mục đích, tôn chỉ hoạt động của Hiệp hội là: Phối hợp hoạt động của các hội viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; quảng bá, dịch vụ, hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên trong phạm vi toàn quốc.
Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
THÀNH TÍCH CỦA HIỆP HỘI TRONG 20 NĂM QUA:
Trong 20 năm qua, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật, thương bệnh binh. Nhiều chương trình an sinh xã hội đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của người khuyết tật, từ thiện trong và ngoài nước… góp phần không nhỏ vào tạo việc làm cho họ; từng bước giảm dần những rào cản, cải thiện đời sống, bảo đảm quyền của người khuyết tật.
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành Trung ương và địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm đào tạo nghề, tạo việc làm đối với thương binh, con em gia đình chính sách và người khuyết tật, tạo điều kiện để Thương bệnh binh và người khuyết tật có thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, từ khi có Luật Người khuyết tật năm 2010 và Công ước Quốc tế về quyền của Người khuyết tật, Hiệp hội đã tiến hành họp Thường trực Ban chấp hành và Ban Chấp hành thường kỳ đề đưa ra những định hướng chiến lược, hướng đi đúng cho mình nhằm củng cố và phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
1. Công tác phát triển hội viên và tạo việc làm mới
Từ những ngày đầu thành lập vào năm 2003, Hiệp hội chỉ có 113 doanh nghiệp hội viên, sau 20 năm hoạt động Hiệp hội đã kết nạp được hơn 900 doanh nghiệp hội viên tham gia vào quá trình hoạt động, phát triển chung của Hiệp hội. Hàng trăm ngàn lao động đang làm việc tích cực tại các doanh nghiệp hội viên đang góp phần thay đổi đáng kể hình ảnh người khuyết tật không ngừng vươn lên, không ngừng vượt khó để hòa nhập cộng đồng, không trở thành gánh nặng của xã hội.
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, song hiện nay hơn 900 đơn vị hội viên của Hiệp hội vẫn đứng vững và duy trì việc làm ổn định và đảm bảo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, con em của các đối tượng chính sách và người khuyết tật. Thu nhập cao nhất của người lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp thành đạt đảm bảo ở mức trên 10 triệu đồng/1tháng. Ở các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và Trung bình đạt ở mức từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
2. Tham gia xây dựng chính sách pháp luật
Hiệp hội luôn tham gia tích cực vào nhiệm vụ phản biện, xây dựng chính sách và thực hiện chính sách: Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam là một trong những đơn vị có vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức giám sát quá trình triển khai thực hiện Đề án Dạy nghề 10 năm (2011- 2020); Quyết định 51/2008/QĐ-TTg, ngày 24/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người khuyết tật do Hiệp hội kiên trì tham mưu, đề xuất với các cấp, đã được Thủ tướng Chính phủ ký. Căn cứ quyết định này, Hiệp hội là đơn vị được chỉ định tham gia đôn đốc, giám sát để yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện.
Hiệp hội phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia xây dựng chính sách pháp luật, đóng góp ý kiến nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các cơ sở hội viên như: tham gia ý kiến xây dựng Luật Lao động, Luật Người khuyết tật, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội…
Thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương tổ chức các Hội nghị, Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho các doanh nghiệp hội viên thực hiện đúng các quy định chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tại Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/4/2008, Hiệp hội được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan giám sát thực hiện quyết định này. Hiệp hội đã triển khai tốt chính sách để các hội viện tiếp cận được nguồn vốn đặc biệt ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương.
3. Công tác đối ngoại
Hiệp hội có tham gia thiết lập mối quan hệ và là thành viên viên của các Tổ chức quốc tế và Việt Nam như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Tình nguyện viên Liên hiệp quốc (UNV), Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam...
Hiệp hội coi công tác đối ngoại có ý nghĩa rất quan trọng nhằm mở rộng, tăng cường uy tín và hiệu quả hoạt động. Các quan hệ truyền thống của các tổ chức nhân đạo ở trong nước và quốc tế có văn phòng hoạt động tại Việt Nam được giữ vững; quan hệ với các tổ chức nước ngoài thông qua mối quan hệ của Bộ LĐTBXH được Hiệp hội đáp ứng kịp thời, đầy đủ. Mối quan hệ với các cơ quan, đoàn thể ở trong nước được duy trì tốt và phát huy hiệu quả thiết thực.
Trong nhiều năm qua, Hiệp hội đã tổ chức nhiều đoàn công tác đưa đại diện doanh nghiệp hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất tại Mỹ, Anh, Pháp… Sau mỗi chuyến đi, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết, sản phẩm do người khuyết tật và thương binh làm ra đã đến với bạn bè khắp các quốc gia trên thế giới. Qua đó, doanh thu của các doanh nghiệp hội viên tăng lên đáng kể, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp hội viên được cải thiện.
4. Công tác xã hội từ thiện
Nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong nhiều năm qua, Hiệp hội luôn tổ chức nhiều Chương trình tri ân Thương binh Liệt sĩ. Hàng năm, Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (Bắc Ninh), tại Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam… và nhiều cơ sở chăm sóc thương binh trên các tỉnh thành trong cả nước. Tổ chức Đoàn viếng Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị).
Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên đã quyên góp, vận động được hàng chục tỷ đồng và nhiều hiện vật để trao tặng cho trẻ em nghèo, đồng bào gặp thiên tai bão lũ, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Hiệp hội cũng Tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Thiên Anh hùng ca”, “Còn mãi với thời gian”, với sự tham gia gần 1000 người/mỗi đêm giao lưu. Chương trình nhằm tôn vinh các thương binh làm kinh tế giỏi để cùng giao lưu học hỏi, nhằm nhân rộng các điển hình tiên tiến.
5. Công tác sản xuất kinh doanh và đóng góp ngân sách Nhà nước
Cơ chế thị trường cạnh tranh khắc nghiệt đã làm nhiều doanh nghiệp hội viên đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể, nhưng với quyết tâm giữ vững, ổn định cho doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động. Nhiều năm qua, Hiệp hội đã kịp thời có giải pháp về chính sách, kinh tế, để cứu doanh nghiệp hội viên thoát khỏi khủng hoảng. Những văn bản, ý kiến của Hiệp hội đã đến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành... để kịp thời có hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thương binh, người khuyết tật.
Qua các chương trình hành động của Hiệp hội, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong hệ thống, nhiều mô hình làm ăn kiếu mới, sản xuất giỏi như: Xí nghiệp tập thể Thương binh Quang Minh (Địa chỉ: 280 Lê Lợi, Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng). Đây là một trong số doanh nghiệp đầu tiên của thành phố Hải Phòng được công nhận là "Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ của thương bệnh binh và NKT". Ngày đầu thành lập, chỉ có 35 đồng chí là thương binh tham gia từ hạng 4/4 đến 1/4, cho đến nay đã nâng lên tới con số hơn 100 lao động chính thức và gần 300 lao động thời vụ, chiếm 52,6% là thương, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em các gia đình chính sách. Giám đốc Trần Hồng Quảng (thương binh ¼, Anh hùng lao động) cùng Ban lãnh đạo Xí nghiệp đều là thương binh nặng đã tổ chức kinh doanh tốt với đội xe vận tải và hành khách trên 100 chiếc, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ nằm rải rác trên phạm vi toàn quốc, trạm kinh doanh xuất nhập khẩu ở Quảng Ninh, Xây dựng cảng mới… Hiện Xí nghiệp còn mở rộng sản xuất với 3 Cụm công nghiệp tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) mới năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Một điển hình tiên tiến nữa là Công ty dịch vụ cơ khí tổng hợp 27 – 7 (Địa chỉ: Số 17, ngõ 145, phố Nguyễn Văn Cừ, Phường Ngọc Lâm, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội). Được thành lập từ năm 2012, là một doanh nghiệp có đặc thù riêng với 100% lao động là thương binh, trong đó có 40 người (chiếm 1/3 lao động) là thương binh nặng và đặc biệt nặng. Hiện nay, số lượng thương binh làm việc tại công ty đã trên 100 đồng chí. Mỗi năm Công ty đang nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Tạo thu nhập ổn định cho thương bệnh binh từ 5 đến 15 triệu đồng. Trong quá trình hoạt động, công ty đã có nhiều hoạt động xây nhà tình nghĩa và tặng các sổ tiết kiệm cho các gia đình thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, Công ty đã được Thủ tướng Chính phủ trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án trung tâm Thương mại và Bãi đỗ xe tại Hoàng Mai, Hà Nội với tổng mức đầu tư 300 triệu đô là, tương đương 7.000 tỷ đồng Việt Nam.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp của người khuyết tật (trong 900 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội) có Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ (Địa chỉ: Thôn Châu Cầu, Xã Châu Phong, Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh). Năm 1996, khi khai sinh trung tâm dạy nghề, có rất nhiều khó khăn. Học viên khuyết tật vốn trình độ văn hóa thấp, đầy mặc cảm tự ti, nên để dạy nghề cho họ là cả một bài toán nan giải. Sau thời gian trầy trật xoay xở, sự kiên trì đã giúp lãnh đạo công ty tìm được "lối đi" vào lòng người khuyết tật. 60 học viên khóa chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ đầu tiên được nhận vào trung tâm làm việc đã cho sản phẩm, được thị trường chấp nhận. Nhiều học viên bị liệt hai chân, tay co rút, vốn trở thành gánh nặng cho gia đình, thì ở thời điểm năm 1996-2000 đã có thể kiếm được 500.000 đồng mỗi tháng. Đến nay, công ty đã mở được hàng trăm lớp dạy nghề cho hơn hàng ngàn học viên, phần đông là người khuyết tật. Hiện nay, Công ty Chân - Thiện - Mỹ tại Bắc Ninh đã tạo việc làm cho 800 người, trong đó thương bệnh binh và người khuyết tật là 388, với mức lương tháng bình quân 7 – 15 triệu đồng/tháng. Công ty chuyên cung cấp các mặt hàng thêu may, sơn mài, gốm, chế tác đá mỹ nghệ, trang sức bán khắp và ngoài nước, doanh số mỗi năm đạt cả trăm tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng/năm.
Với gần 900 doanh nghiệp hội viên, trong 20 năm qua, hệ thống doanh nghiệp của Hiệp hội đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng.
Sự phát triển ổn định của doanh nghiệp hội viên đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động trực tiếp, họ là những thương binh, người khuyết tật, con em gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
6. Giải pháp phát triển Hiệp hội và hỗ trợ doanh nghiệp hội viên
Để có được những thành tích đã kể trên, đó là nhờ sự sáng tạo, thống nhất cao trong Ban lãnh đạo Hiệp hội qua các nhiệm kỳ. Đó là những giải pháp:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông:
Căn cứ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương bệnh binh và người khuyết tật để mọi tổ chức, thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, nhận rõ trách nhiệm, thực sự quan tâm, động viên, giúp đỡ bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ việc làm và bảo đảm đời sống cho thương bệnh binh và người khuyết tật.
Tổ chức truyền thông về chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội, khả năng tham gia lao động sản xuất của thương bệnh binh và người khuyết tật và việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, qui định của Đảng, Nhà nước để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc tạo cơ hội, bảo đảm việc làm cho thương bệnh binh và người khuyết tật.
Xây dựng đề án truyền thông đa dạng, kết nối với các tổ chức truyền thông trong nước và quốc tế để mở rộng, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Chú trọng xây dựng Tạp chí Hướng nghiệp và hoà nhập và Tạp chí điện tử Hòa nhập vững mạnh, trở thành cơ quan ngôn luận của Hiệp hội có hiệu quả, uy tín trong xã hội.
Tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày sản phẩm của thương bệnh binh và người khuyết tật tạo cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp và quảng bá khả năng, thành quả lao động của thương bệnh binh và người khuyết tật.
Thứ 2, đổi mới, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh:
Các Hội địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ là Hội viên của Hiệp hội cần có biện pháp thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh với các mô hình thích hợp và ngày càng nâng cao chất lượng, phấn đấu giữ vững trận địa sản xuất kinh doanh; quan tâm phát triển ngành nghề mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tích cực tạo việc làm cho thương bệnh binh và người khuyết tật giúp họ có thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống người lao động.
Đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm:
Tổ chức tốt công tác dạy nghề cho thương bệnh binh và người khuyết tật với những qui mô, hình thức thích hợp, đa dạng. Xây dựng đề án mang tính đặc thù của người khuyết tật với nhiều hình thức phù hợp với tính chất công việc theo cơ cấu và phân bố người khuyết tật trong cộng đồng, các điều kiện kinh tế xã hội. Đề án dạy nghề cho thương bệnh binh và người khuyết tật xây dựng theo vùng, tạo dựng và phối hợp với các Cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống nhằm dạy nghề cho đối tượng thương bệnh binh và người khuyết tật ở nông thôn.
Phối hợp giữa các Cơ sở dạy nghề với các Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài Hiệp hội để tạo việc làm cho học viên sau tốt nghiệp. Phấn đấu phát triển các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội đảm bảo từ 30% lao động trở lên là thương bệnh binh và người khuyết tật.
Thứ 3, tăng cường hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động:
Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thương bệnh binh và người khuyết tật, nghiêm túc tiếp thu sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, trực tiếp là MTTQVN, Bộ Lao động TB và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính để vận dụng, triển khai cụ thể trên các lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.
Xây dựng đoàn kết thống nhất, tinh thần hợp tác cao với các cơ quan, tổ chức có liên quan và giữa các thành viên trong Hiệp hội, giữa Hiệp hội với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương để tạo môi trường thuận lợi thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương bệnh binh và người khuyết tật.
Tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển quan hệ với tổ chức quốc tế hoạt động về lĩnh vực người khuyết tật. Trong điều kiện cho phép có thể mở văn phòng đại diện của Hiệp hội ở nước ngoài để tranh thủ quan hệ đối ngoại nhằm phát triển Hiệp hội và mang lại quyền lợi cho các Cơ sở hội viên.
CÁC HÌNH THỨC ĐÃ ĐƯỢC KHEN THƯỞNG:
Với thành tích đóng góp quan trọng trong công tác hỗ trợ các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh - dịch vụ hoặc trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế có liên quan đến việc sử dụng nguồn nhân lực là thương binh, bệnh binh và người khuyết tật trên địa bàn cả nước theo quy định của pháp luật Việt Nam trong 20 năm qua.
Hiệp hội có các hình thức khen thưởng như sau:
Huân chương Lao động hạng 3 năm 2019
Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và xã hội (nhiều năm liên tục)
Ngày 13/11/2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1632QĐ-TTg tặng bằng khen cho Hiệp hội.
Ngày 15/10/2015, Hiệp hội đã vinh dự đón nhận cờ thi đua do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội được trao tặng Huân chương Lao động hạng 1 hạng 2 hạng 3 của Nhà nước.
Nhiều cá nhân đang đảm nhận các chức vụ chuyên trách trong Hiệp hội còn nhận được phóng tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hung Lao động thời kỳ đổi mới…
Qua 20 năm phấn đấu, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Hiệp hội đã đạt được những kết quả quan trọng việc hỗ trợ các doanh nghiệp thương binh và người khuyết tật phát triển, tích cực tổ chức nhiều chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm đối với thương binh, con em gia đình chính sách và người khuyết tật, tạo điều kiện để Thương bệnh binh và người khuyết tật có thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, Hiệp hội cũng tích cực động viên các lực lượng xã hội, các nhà doanh nghiệp hưởng ứng công cuộc đổi mới của Đảng, nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tham gianhieeuf hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc tốt thương bệnh binh và người khuyết tật có hoàn cảnh khóa khăn, đảm bảo tốt an sinh xã hội trên nhiều địa phương của cả nước..
Trong định hướng phát triển thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, triển khai học tập và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các Chỉ thị của Ban bí thư T.W Đảng về chăm sóc, hỗ trợ người có công. Nâng cao truyên truyền để các đồng chí thương binh vượt qua nỗi đau, tích cực lao động, rèn luyện xứng đáng với hình ảnh “Anh bộ đội cụ Hồ”, giữ vững phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phong trào thi đua lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.
Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.