Khái niệm bán buôn, bán lẻ được hiểu thế nào?
Theo phản ánh của IPIC, căn cứ Khoản 6 và Khoản 7, Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định:
“6. Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.
7. Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.
Cũng tại Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định: “1. Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:
a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 9 Nghị định này;
b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 9 Nghị định này;
c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 9 Nghị định này”.
Với quy định như trên thì hoạt động bán buôn không phải xin giấy phép kinh doanh trừ bán buôn các sản phẩm quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 9 của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP. Mặt khác, hoạt động bán lẻ bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh mới được phép hoạt động.
Tuy nhiên, theo ý kiến của IPIC với quy định bán buôn và bán lẻ như tại Khoản 6 và Khoản 7, Điều 3 của Nghị định nêu trên việc phân biệt hai hình thức bán hàng này là không rõ ràng.
Công ty Luật IPIC đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn quy định rõ ràng hơn về khái niệm bán lẻ và khái niệm bán buôn trong Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ để các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 6, 7 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ khái niệm bán buôn, bán lẻ được hiểu như sau:
- Bán buôn là hoạt động bán hàng cho thương nhân, tổ chức khác không bao gồm bán trực tiếp cho người mua để sử dụng vào mục đích tiêu dùng sinh hoạt của các nhân, gia đình.
- Bán lẻ là hoạt động bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để sử dụng cho sinh hoạt cá nhân, gia đình.
Theo đó, quy định đã phân biệt rõ khái niệm về chủ thể mua hàng hóa là bán buôn hay bán lẻ.
Việc phân phối các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng (thức ăn, thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm, quần áo bảo hộ lao động...) cho các đối tượng khách hàng là nhà máy, doanh nghiệp, các tổ chức... nhằm trang bị cho cán bộ nhân viên hay phục vụ cho hoạt động của tổ chức đó được hiểu là thực hiện quyền phân phối bán buôn và thuộc trường hợp không phải cấp Giấy phép kinh doanh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.