Khai man hồ sơ để học đại học Y Dược Thái Nguyên
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm tại ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên trong các lĩnh vực liên kết đào tạo, thu chi tài chính, công tác tổ chức cán bộ.
132 sinh viên khai man hồ sơ buộc phải xử lý
Theo Kết luận thanh tra số 357 của Bộ GD&ĐT, ĐH Y Dược Thái Nguyên đã có nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo.
Giờ học của sinh viên ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên Ảnh: Người Lao Động. |
Thông tư số 06 của Bộ Y tế nêu rõ TP Hải Phòng và các tỉnh lân cận không thuộc khu vực tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ Y Dược của ĐH Y Dược Thái Nguyên. Tuy nhiên, ĐH Y Dược Thái Nguyên vẫn tiến hành liên kết tuyển sinh và đào tạo 3 lớp liên thông từ trung cấp lên ĐH ngành dược tại Hải Phòng, gồm: lớp 10D năm 2010, lớp 11D năm 2011 và lớp 13D năm 2013.
Năm 2012, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra, ban hành Kết luận số 324 chỉ rõ nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo của ĐH Y Dược Thái Nguyên, đồng thời kiến nghị có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngày 4/11/2014, Công an TP Hải Phòng có Công văn số 341 gửi ĐH Y Dược Thái Nguyên về việc thực hiện Kết luận số 324 của Thanh tra GD&ĐT và đề nghị xử lý đối với 23 sinh viên (SV) bị phát hiện có vi phạm. Trong đó, 22 SV thuộc lớp 10D có hành vi khai man thâm niên và đơn vị công tác, sử dụng bằng giả, bảng điểm giả để đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển, theo học tại ĐH Y Dược Thái Nguyên.
UBND TP Hải Phòng cũng có văn bản giải quyết đơn và xử lý vi phạm trong tuyển sinh, đào tạo về vấn đề trên gửi nhà trường. Tuy nhiên, sau đó, ĐH Y Dược Thái Nguyên vẫn chủ trương cho SV vi phạm thi tốt nghiệp bình thường và được Giám đốc ĐH Thái Nguyên chấp nhận tại Văn bản số 1829.
Theo văn bản này, ĐH Y Dược Thái Nguyên cho phép SV vi phạm dự thi và không cấp bằng khi chưa có sự đồng ý của ĐH Thái Nguyên. Chỉ trước hôm thi 1 ngày, giám đốc ĐH Thái Nguyên mới thay đổi quyết định của mình, yêu cầu ĐH Y Dược Thái Nguyên tạm dừng thi tốt nghiệp đối với 22 SV lớp 10D vi phạm theo kết luận của cơ quan thanh tra.
Trước những vi phạm trong liên kết đào tạo của ĐH Y Dược Thái Nguyên, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga giao nhà trường buộc thôi học đối với SV dùng bằng giả và kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm đối với SV có hành vi giả mạo giấy tờ để xác định thời gian công tác không đúng thực tế.
ĐH Y Dược Thái Nguyên đã rà soát cụ thể về đơn vị công tác, thời gian và thâm niên công tác, văn bằng tốt nghiệp trung cấp dược mà SV khai, nộp trong hồ sơ. Qua đó, trường phát hiện 132 SV có hành vi khai man thâm niên và đơn vị công tác, sử dụng bằng giả, bảng điểm giả để đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ xét kỷ luật theo quy định, nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật để xử lý SV sai phạm. Kết quả, trường đình chỉ học tập 1 năm đối với 17 SV lớp 10D, 52 SV lớp 11D và 61 SV lớp 13D vì có hành vi khai man thâm niên, đơn vị công tác, sử dụng bằng giả, bảng điểm giả để đủ điều kiện, tiêu chuẩn trúng tuyển lớp liên thông từ trung cấp lên ĐH.
Lỏng lẻo trong quản lý đào tạo
Quá trình thanh tra cũng cho thấy công tác đào tạo của ĐH Y Dược Thái Nguyên bộc lộ nhiều thiếu sót, lỏng lẻo. Chương trình đào tạo thạc sĩ chưa được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung hàng năm. Nhà trường vẫn sử dụng giáo trình được biên soạn từ năm 2011.
Thời gian đào tạo quy định từ 1,2-2 năm, chương trình đào tạo thạc sĩ 1,5 năm dành cho đối tượng đã có bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I nhưng không có quy định học phần nào được miễn và thẩm quyền cho miễn các học phần.
Việc quản lý hồ sơ nghiên cứu sinh chưa thống nhất, chưa đầy đủ. Từ năm 2012 về trước, hồ sơ nghiên cứu sinh không có kế hoạch học tập và nghiên cứu; không có quyết định giao nghiên cứu sinh về sinh hoạt tại bộ môn; không có xác nhận học phần trong chương trình đào tạo do thủ trưởng phê duyệt kèm theo biên bản hội đồng/trường; không có nhận xét quá trình học tập, nghiên cứu, tiến độ đạt được của nghiên cứu sinh và báo cáo định kỳ...
Chưa hết, ĐH Y Dược Thái Nguyên còn tự ý bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Cụ thể, hiệu trưởng bổ nhiệm thạc sĩ Nông Thị Phương Mai làm Trưởng Khoa Điều dưỡng khi không đủ tiêu chuẩn (theo quy định, trưởng khoa phải có học vị tiến sĩ).
Thu sai quy định 64 tỉ đồng
Trong lĩnh vực tài chính, ĐH Y Dược Thái Nguyên đã thu vượt quy định kinh phí đào tạo hệ liên kết đào tạo tới hơn 64 tỉ đồng. Trong đó, trường chi cho hoạt động chuyên môn, sửa chữa nhỏ và mua sắm thiết bị, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng và quỹ phát triển sự nghiệp hơn 57 tỷ đồng. Trường cũng trích lập sai quy định quỹ phúc lợi để chi cho các ngày lễ lớn, nâng cao đời sống cán bộ, viên chức gần 3 tỷ đồng.
Trong báo cáo giải trình của mình, ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Nguyên, cho rằng dù được nhà nước giao chỉ tiêu nhưng hình thức đào tạo là liên kết nên không được cấp kinh phí đào tạo, do vậy nhà trường đã thỏa thuận thống nhất với cơ sở phối hợp đào tạo mức thu quy định từng năm.
Số tiền hơn 64 tỷ đồng thu được từ đào tạo liên kết đã được chi cho người giảng dạy, chi chuyên môn nghiệp vụ, mua sắm, sửa chữa nhỏ, trích lập quỹ phúc lợi... với tổng chi tương đương tổng thu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.