Khâm phục người phụ nữ mắc bệnh xương thủy tinh trở thành doanh nhân
Bắt đầu với những công việc nhẹ nhất và phù hợp là làm những chiếc lọ hoa, đèn bàn bằng khuy áo, đan những túi đựng điện thoại, những chiếc khăn bằng len.Những sản phẩm ban đầu của Thương tuy chưa đẹp lắm nhưng trong đó chứa đựng cả một ý chí, sự kiên trì vượt qua nghịch cảnh. Từ ngày học được nghề, Thương như lạc quan hơn, mọi thứ xung quanh đều là màu hồng. Cả ngày cô làm bạn với những cuộn chỉ, vải vóc, kéo và giấy.
Chị Thu Thương bên những tác phẩm của chị. Ảnh: FB Nguyen Thi Thu Thuong
Cái gì chưa làm xong cô quyết làm cho bằng được. Khi những cố gắng được đền đáp, các sản phẩm đã đẹp và đạt đến trình độ tiêu chuẩn, Thương bắt đầu nghĩ đến việc có thể làm những sản phẩm này đem mang bán. Để sản phẩm do mình làm ra được nhiều khách hàng biết đến, dù không qua một lớp đào tạo nào về tin học nhưng Thương đã tự mày mò, học hỏi và thành lập một trang web có tên là thuongthuong.net nhằm quảng bá sản phẩm của mình rộng khắp hơn. Thành công đã đến với chị, thông qua trang web này, nhiều khách hàng đã biết đến Thương. Có nhiều khách hàng sau khi đến tận nhà, họ không tin rằng những sản phẩm ấy là do chính đôi bàn tay của chị làm nên. Không chỉ có khách trong nước, những bạn hàng, những vị khách châu Âu, châu Á, châu Mỹ cũng tìm đến với chị. Cũng chính từ đây, Thương ngày càng có nhiều khách hàng.
Sản phẩm của chị Thương rất được yêu mến và ủng hộ. Ảnh: FB Nguyen Thi Thu Thuong
Điều đáng nói là website thuongthuong.net trở thành nhịp cầu miễn phí cho người khuyết tật quảng cáo sản phẩm và là diễn đàn chia sẻ niềm tin cuộc sống. Đến nay, website đã thành nơi trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng do người khuyết tật làm ra.
Tháng 4 năm 2012, chị cùng một số bạn trẻ vận động gây Quỹ Thương Thương và mở lớp dạy nghề miễn phí cho 5 người.
Ngày 16/3/2014, chị thành lập Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm Thương Thương tại thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nhằm tạo việc làm cho người khuyết tật. Sản phẩm của công ty là những món quà tặng lưu niệm trang trí thủ công làm bằng giấy, những bức tranh phong cảnh đất nước, con người Việt Nam, hộp đựng trang sức, hộp đựng danh thiếp. Lúc đầu, thu nhập của các lao động là người khuyết tật tại Trung tâm chỉ từ 1,4 - 2 triệu đồng; đến nay, Trung tâm đã giúp cho 20 người khuyết tật có việc làm, hỗ trợ ở miễn phí, với thu nhập trung bình là 3 triệu đồng, thậm chí có người được trên 5 triệu đồng một tháng.
Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương đã trở thành mái nhà thứ hai để những hoàn cảnh đặc biệt từ nhiều miền quê khác nhau tới làm việc và sinh sống.
Chị Thương và những thành viên của gia đình Thương Thương Handmade. Ảnh: FB Nguyen Thi Thu Thuong
Sản phẩm do Doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade sản xuất không chỉ mang thông điệp: người khuyết tật luôn đầy nghị lực, yêu đời, tự tin, vượt qua số phận, vượt qua khó khăn để có một tương lai tốt đẹp mà còn là lời khẳng định về năng lực và ước muốn vươn lên của những người có hoàn cảnh kém may mắn: “Tuy gặp nghịch cảnh nhưng khi có cơ hội và được tạo cơ hội họ sẽ luôn nắm bắt và vươn lên”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.