Khám sức khỏe định kỳ cho học trò chỉ là hình thức
LTS: Có nhiều câu chuyện bi hài đằng sau việc bác sỹ đến khám sức khỏe định kỳ cho học sinh tại Nhà trường.
Cô giáo Phan Huyền đã minh chứng nhiều chứng cứ rõ ràng dẫn tới nhiều chuyện dở khóc dở cười đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Theo quy định hàng năm, học sinh tại các trường học phải được các bác sĩ ở bệnh viện khám sức khỏe định kì từ 1-2 lần gồm các mục như răng, mắt, tim đến chiều cao, cân nặng...
Nói về quy định là hoàn toàn đúng đắn và mang tính nhân văn sâu sắc khi mọi người đều chú ý quan tâm đến sức khỏe của các em học sinh.
Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, buổi khám bệnh diễn ra mang đậm tính hình thức để hợp thức hóa một số quy định.
Chi phí nhà trường phải trả công khám cho một học sinh là 10 nghìn đồng. Trường có số lượng hàng nghìn em thì số tiền phải bỏ ra không hề nhỏ. Nhưng kết quả thu về chỉ là tờ phiếu khám bệnh hợp pháp có đủ hồ sơ lưu làm minh chứng.
Khám sức khỏe định kỳ cho học trò chỉ là hình thức (Ảnh: tienphong.vn) |
Bởi vì, qua đợt khám bệnh mà phát hiện ra những căn bệnh về mắt, răng miệng, tim mạch để Nhà trường kịp thời thông báo với phụ huynh giúp học sinh phòng và chữa bệnh thì không đáng là bao.
Nói là khám bệnh nhưng trong quá trình thực hiện thì bác sỹ chỉ “nhìn” và “hỏi” học trò nên trong dăm ba tiếng đồng hồ là 2 vị bác sỹ đã khám xong hàng nghìn học sinh.
Vì thế, câu chuyện đi khám bệnh ở trường ắt sẽ có nhiều câu chuyện nực cười diễn ra.
Đối với học sinh Tiểu học, bác sỹ khám bệnh chủ yếu là nhìn, dù có đặt ống nghe thì chỉ diễn ra vài giây thậm chí có em, ống nghe chưa chạm đến ngực thì bác sỹ đã nói “Xong rồi”.
Khi khám mắt, thấy em nào đeo kính thì bác sỹ ghi là “Cận”, còn em nào không đeo thì bác sỹ ghi vào phiếu là “10/10”.
Vì bác sỹ khám bệnh chỉ bằng “nhìn” và “hỏi” nên mới có chuyện, đầu năm học sinh cao 1m35, ấy thế mà cuối năm chỉ còn 1m20 hay đầy năm cân nặng là 35 kg thì cuối năm phiếu khám bệnh bỗng nhiên chỉ còn 20 kg.
Còn đối với học sinh cấp 2, cấp 3 thì khi khám bệnh bác sỹ chủ yếu hỏi: “Có cận thị không? Có đau tim không? Có đau răng không?” hay “Cân nặng bao nhiêu? Chiều cao bao nhiêu? Cho nên cũng chỉ 1-2 phút là mọi khâu khám đã xong hết.
Vì cách khám bệnh qua loa như vậy nên sau buổi khám hàng nghìn học sinh mà chỉ có vài em được kết luận là “có vấn đề về sức khỏe” như: sâu răng, cận thị…
Tuy nhiên, chỉ với những trường có cán bộ y tế chuyên trách thì giáo viên chủ nhiệm còn được thông báo sơ qua tình hình sức khỏe của học sinh để thông tin lại cho phụ huynh mang con đi kiểm tra lại ở tuyến trên.
Còn nhiều trường không có cán bộ y tế nên phiếu khám bệnh của học sinh được kẹp vào hồ sơ lưu từ năm này qua năm khác và rồi không ai còn ngó ngàng tới.
Chính vì vây, không có gì đáng ngạc nhiên việc nhiều giáo viên không nắm được tình hình sức khỏe của học sinh mình. Điều này dẫn đến nhiều chuyện đáng tiếc như có học sinh bị đột quỵ trong giờ thể dục, có học sinh bị động kinh mà cô giáo không nắm được, có học sinh bị cận thị (nhưng chưa đeo kính) mà cô giáo vẫn xếp ngồi bàn cuối…
Việc duy trì khám bệnh cho học sinh ở các trường là điều vô cùng cần thiết nhưng người khám ngoài việc cần có tay nghề thì phải có tâm, có trách nhiệm chứ không phải khám “nhìn” và “hỏi” để học sinh không được lợi gì mà Nhà trường lại tốn một khoản vô ích.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.