Khẩu súng bảo vệ Bác Hồ
Đó là khẩu súng P.38 màu đen, nòng thép đã cũ, mang số hiệu 83839. Đây là khẩu súng được tổ chức Việt Minh cấp cho đồng chí Phùng Thế Tài để bảo vệ Bác Hồ từ năm 1940 đến 1945. Là cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẩu súng là vật bất ly thân, đã luôn ở bên ông như người bạn tri kỷ.
Đồng chí Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ, sinh tháng 2-1920 trong một gia đình nghèo tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây trước đây (nay là TP Hà Nội). Ông có bí danh là Nghĩa (ở Vân Nam, Trung Quốc), Hữu Tài (ở Cao Bằng). Khi còn nhỏ, nhà đông anh em nên ông đã cùng mấy bà con sang Trung Quốc để kiếm sống. Năm 1939, đồng chí Phùng Thế Tài được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Bà Bùi Thị Yến, phu nhân cố Thượng tướng Phùng Thế Tài và con trai út Phùng Thế Tám trao tặng khẩu súng P.38 cho cán bộ Bảo tàng Phòng không-Không quân.
Từ năm 1940 đến 1945, đồng chí Phùng Thế Tài được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Trong dịp Tết Tân Tỵ (năm 1941), theo kế hoạch, ông phải bảo vệ Bác Hồ về nước. Khi về đến Cột mốc 108, đồng chí Phùng Thế Tài được tổ chức phân công ở lại Côn Minh hoạt động. Vì thạo tiếng Trung Quốc nên quân đội Tưởng tuyển ông làm cho cơ quan tình báo để chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” và cho vào học lớp quân chính về nghiệp vụ tình báo của Trường quân sự Hoàng Phố. Là người thông minh, tiếp thu nhanh, chỉ sau ít tháng, quân đội Tưởng phong cấp Thiếu hiệu (tương đương Thiếu tá) cho Phùng Thế Tài và cấp cho đồng chí một số giấy chứng nhận đặc biệt, có đóng dấu Tưởng Thống chế. Giấy chứng nhận cho phép được đi lại trong toàn quốc, không ai được quyền giữ. Lợi dụng sự ưu đãi này, đồng chí đã tranh thủ hoạt động có lợi cho phía ta. Những giấy tờ đó cũng thực sự trở thành “bảo bối” cứu nguy cho những chuyến công tác bảo vệ Bác Hồ sang Trung Quốc sau này.
Đầu năm 1942, đồng chí Phùng Thế Tài được tổ chức giao nhiệm vụ phụ trách đợt chuyển vũ khí về nước, sau đó ở lại Pác Bó bảo vệ Bác Hồ. Tháng 8-1944, Bác quyết định sang Trung Quốc gặp đại diện đồng minh để tranh thủ sự giúp đỡ. Bác quyết định phải nối mặt trận ngoại giao với những người cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là thiết lập mối quan hệ với người Mỹ ở Trung Quốc. Lúc đó, ta mới bắn rơi máy bay và bắt sống một trung úy phi công Mỹ tên là Saw tại bản Ngần, thị xã Cao Bằng nên Bác quyết định sử dụng viên trung úy như một bức thông điệp để tiếp cận viên tướng Tư lệnh không quân Mỹ ở Vân Nam. Chuyến đi được giữ bí mật và Phùng Thế Tài làm nhiệm vụ bảo vệ.
Sau nhiều ngày vất vả, đoàn đã đến được Tĩnh Tây. Do thông hiểu tiếng Trung Quốc nên cận vệ Phùng Thế Tài tới gặp Trung tướng Trần Bảo Xương, Chủ nhiệm Sở chỉ huy Tĩnh Tây thuộc chiến khu Bốn do tướng Trương Phát Khuê làm Tư lệnh. Sau khi giới thiệu với ông trung tướng về mục đích chuyến công tác của đoàn, đặc biệt có “món quà” là viên phi công Mỹ, đoàn công tác lập tức được tướng Trần Bảo Xương đón tiếp. Phát hiện thấy thái độ vồ vập với viên trung úy phi công, Phùng Thế Tài đã bắt đầu nghi ngờ, đồng chí xin phép Bác theo dõi động tĩnh của viên trung úy cùng tướng Trần Bảo Xương và đã phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm cho Bác, lập tức về báo cáo Bác.
Tình hình lúc đó rất khẩn trương. Bác hội ý với hai người cận vệ và cả ba thống nhất phải rời sở chỉ huy của Trần Bảo Xương ngay lập tức. Bác lệnh tắt điện, sắp xếp giường chiếu như là đã đi ngủ để đánh lạc hướng, khi đi qua cổng, Phùng Thế Tài nhanh trí nói là đi mua thuốc nên chúng không nghi ngờ gì. Ba Bác cháu gấp rút rời khỏi nơi nguy hiểm. Bác quyết tâm làm sao đến mờ sáng phải có mặt ở Cột mốc 108 trước khi mệnh lệnh bắt giữ kịp ban bố. Khi ấy sức khỏe không được tốt nhưng Bác rất cố gắng để không ảnh hưởng tới sự an nguy của đoàn. Ðến mờ sáng thì về được sát biên giới và được đồng chí Lê Quảng Ba đón ở một cái hang cách Cột mốc 108 hơn một cây số. Đồng chí Phùng Thế Tài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Bác an toàn tuyệt đối.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, đồng chí Phùng Thế Tài xin trực tiếp tham gia chiến đấu. Ông đã tham gia giành chính quyền tại Thất Khê tháng 8-1945. Tháng 12-1962, ông giữ chức Tư lệnh Binh chủng Phòng không. Tháng 10-1963, ông giữ chức Tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Tháng 6-1967, ông được bổ nhiệm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khẩu súng P.38 đã được Thượng tướng Phùng Thế Tài lưu giữ suốt cuộc đời binh nghiệp. Năm 2018, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Quân chủng PK-KQ, gia đình đã trân trọng gửi tặng Bảo tàng PK-KQ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.