Không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế
Tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 yêu cầu:
(1) PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội;
(2) PCTNTC phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân;
(3) Đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp, ông Nguyễn Hữu Đông – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết những yêu cầu này không phải là chủ trương mới mà là những việc làm thường xuyên.
"Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh từ nay đến Đại hội XIV, chúng ta phải tập trung vào 2 nhiệm vụ chiến lược là chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng và chuẩn bị cho công tác nhân sự. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, việc phát triển kinh tế - xã hội là một việc rất quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ Đại hội XIII báo cáo tại Đại hội XIV. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là việc làm thường xuyên và từ nay đến Đại hội chỉ còn hơn 1 năm rưỡi" - ông Đông trả lời tại họp báo.
Chấn chỉnh tình trạng sợ sai, không dám làm
Về giải pháp khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ công chức sợ sai, đùn đẩy, không dám làm, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, tại nhiều phiên họp của Ban chỉ đạo đều có thông báo kết luận đều có yêu cầu chỉ đạo chấn chỉnh đấu tranh với bệnh sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, không dám làm trong cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thực hiện các thông báo kết luận này, Đảng, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục. Ví dụ như Quy định 144 về của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới, trong đó có nội dung kiên quyết đấu tranh phê phán mọi hành vi né tránh đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Hay Quy định 148 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới quy định người đứng đầu có thể tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cố tình đùn đẩy, trì hoãn, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.
Thực hiện các nội dung này, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ đã thành lập 3 đoàn kiểm tra trách nhiệm thực hiện công vụ của công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp tại 6 Bộ và 3 tỉnh thành phố.
Các cấp ủy tổ chức đảng, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên, công chức xác định rõ trách nhiệm với thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật, xóa bỏ nhận thức không làm không sai. Nhiều bộ ngành địa phương đã đề ra các biện pháp chấn chỉnh tình trạng sợ sai không dám làm. Ví dụ như Đồng Tháp tiến hành 17 cuộc thanh tra công vụ tại 20 cơ quan, kiến nghị chấn chỉnh trong việc giải quyết thủ tục hành chính về công tác đối với 3 Giám đốc sở và 2 Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Tỉnh Nghệ An đã thực hiện 46 cuộc thanh tra công vụ thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp các ngành, kết luận 35 cuộc tại 66 đơn vị. Qua thanh tra kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 6 tổ chức Đảng và 70 cá nhân có sai phạm.
Qua việc thực hiện các nội dung này, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên cả nước đạt được kết quả rất đáng khích lệ.
"Con số tốc độ tăng trưởng 6,42% trong 6 tháng đầu năm là cực kỳ ấn tượng. Năm nay với khó khăn, thách thức đan xen mà chúng ta vẫn thực hiện được tốc độ tăng trưởng như vậy không thể nói là sợ mà không làm. Không làm thì không có con số này" – ông Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.