Kìm kẹp giáo viên mầm non: Tôi chỉ ước được về hưu
Xin chia sẻ tâm sự của một giáo viên xin được giấu tên, về những cơ cực về nghề trông trẻ. Với nhiều giáo viên mầm non, thời kỳ này họ cảm thấy hoang mang, chưa bao giờ thấy sợ hãi vì nghề như thế này.
Đến giờ ăn, hô hào các con ăn để mong các con đủ chất dinh dưỡng và khỏe mạnh. Thế nhưng, nếu quát mắng hay phạt các con chỉ mong các con ăn nhiều hơn thì các cô cũng bị lên án. Ảnh minh họa |
“Làm giáo viên mầm non bây giờ có khác gì “làm dâu trăm họ”, được lòng phụ huynh này thì mất lòng phụ huynh kia. Trong khi, các con lại hiếu động, thích chơi những trò mạo hiểm, không phạt thì các con không sợ, phạt thì phụ huynh lên tiếng. Hay đơn giản, không ép các con thì các con không chịu ăn, rồi sụt cân rồi giáo viên lại bị đánh vào thi đua...
Bây giờ, các con đi học về mà bị đau cổ, tím hay xây xước một chút thôi thì giáo viên cũng phải giải trình, phải gánh trách nhiệm. Nhiều khi tôi rất hoang mang, không biết phải làm gì với những cậu bé hiếu động.
Một hôm khác, vừa ăn cơm xong, cô thì dọn nhà sinh, cô mải quét lại lớp. Một cháu nằm sấp xuống nền nhà, một cháu nghịch ngợm, lấy đà nhảy ngay vào lưng bạn. Vậy là, cháu nằm sấp kia bị ựa nước bọt mà tôi cũng hoảng sợ. Tôi cũng nhắc nhở các cháu làm như vậy rất nguy hiểm và cũng không được làm như thế nữa. Một lúc sau, các cháu lại tiếp tục nhảy lên lưng bạn vì làm thế thấy vui, thực sự, có những lúc tôi thấy bất lực.
Giờ đây giáo viên mầm non như bị đưa vào thế “gọng kìm”, chỉ chạm nhẹ vào người các cháu, theo phản xạ các cháu vùng tay lại, về nhà phụ huynh thấy vết xước, hay vết tím trên người con là cô giáo lại giải trình. Thế nhưng, không phạt, chỉ nhắc nhở thì các con lại không sợ, các con lại tiếp tục chơi những trò mạo hiểm như nhảy vào người bạn hay trồng cây chuối, dốc ngược người lên.
Hay như, đến giờ ăn, hô hào các con ăn để mong các con đủ chất dinh dưỡng và khỏe mạnh. Thế nhưng, nếu quát mắng hay phạt các con chỉ mong các con ăn nhiều hơn thì các cô cũng bị lên án. Vậy thử hỏi, đến ngày kiểm tra sức khỏe, các cháu mà tụt cân, suy dinh dưỡng, không tăng trưởng chiều cao nhà trường lại đánh vào thi đua của các cô, vậy các cô phải làm sao để các con ăn ngoan, vẫn đảm bảo dinh dưỡng và không bị phạt thi đua?
Tôi làm nghề này cũng đã hơn 20 năm nay, bao khó khăn, bao gian nan cũng đã nếm đủ cả nhưng chưa bao giờ thấy mệt mỏi vì nghề như lúc này. Rất yêu nghề, yêu trẻ nhưng giờ trên thì nhà trường đánh thi đua, dưới thì phụ huynh kìm kẹp, có yêu đến mấy cũng thấy nản lòng.Nhiều khi tôi chỉ ước nhanh đến 55 tuổi để đủ tuổi về hưu, “hạ cánh an toàn” chứ ở trong ngành lúc nào cũng lo sợ thế này mệt mỏi lắm.
Tôi thường hay nói với bản thân mình, kiếp sau là nghề gì thì làm chứ không bao giờ làm cô giáo mầm non: Cơ cực, mệt mỏi.
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân, giảng viên khoa Giáo dục mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ: “ Trẻ con thường chưa ý thức được hành vi của mình nên thường xuyên thực hiện các hoạt động trong vô thức buộc giáo viên phải xử lí khéo léo.
Với trường hợp trẻ dẫm lên người bạn, cô nên giải thích cho đứa trẻ hiểu việc dẫm lên bạn khiến bạn rất đau. Thậm chí, có thể có trẻ trải nghiệm qua cảm giác ấy, “Con có thể hình dung, nếu bạn cũng dẫm lên người con thì con sẽ đau thế nào, con có thích bị người khác dẫm lên như vậy không?”. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến phương pháp giải quyết vấn đề chứ không phải các con cứ mắc lỗi là cô phạt.
Suy cho cùng cũng là cách giải quyết tình huống của người giáo viên. Khi giáo viên biết cách giải quyết tình huống thì tự nhiên sẽ làm giảm áp lực của mình với công việc.
Còn về vấn đề các con không chịu ăn, cuối tháng không đủ cân nặng các cô sẽ bị phạt thi đua, theo tôi đây là cách quản lí rất cứng nhắc và vô tình chúng ta đang tạo áp lực cho giáo viên của mình. Chúng ta cần hiểu cô giáo không quyết định sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong đó có cả yếu tố gia đình”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.