Kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2017): Kế tiếp cuộc hành trình lịch sử
Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử một thời…
Xe tăng quân gải phóng đánh chiếm phủ Tổng thống Ngụy lúc 9 giờ 30 ngày 30/4/1975 (Ảnh: Internet) |
Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì cuộc sống hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến 30 năm. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau hơn 30 năm đất nước đổi mới trong bối cảnh hoà bình, xã hội ổn định.
42 năm trước, trong chương trình thời sự của Đài Phát thanh Giải phóng, phát 17 giờ và chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát 18 giờ, ngày 30/4/1975, các Biên tập viên theo dõi chiến sự của hai Đài đều hồ hởi báo tin vui đến đồng bào, chiến sỹ cả nước: “11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, thành phố Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn toàn giải phóng! Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!” Tiếp theo tin vui đó, bản tin chiến sự trích lời tường thuật của phóng viên Hãng thông tấn Pháp AFP, từ Sài Gòn điện về Pari, miêu tả quang cảnh hùng tráng của quân giải phóng miền Nam với mũi đột kích của xe tăng, thiết giáp, húc đỏ cánh của sắt của Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của địch, bắt sống toàn bộ nội các nguỵ quyền Sài Gòn.
Sáng 1/5/1975, các tờ báo xuất bản ở Thủ đô Hà Nội đều đăng trên trang nhất tin chiến thắng làm nức lòng nhân dân cả nước và bè bạn năm châu cùng với lời Tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân giải phóng của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh. Ngày 2/5/1975, đài, báo đồng loạt đưa tin, bài tường thuật, bình luận và hình ảnh quân ta tiến vào Sài Gòn trong niềm hân hoan chào đón của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Quân giải phóng đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975 (Ảnh: Internet) |
Người Việt Nam sống trong những giờ phút hào hùng đó, mỗi khi tháng Tư về lại gợi nhớ trong ký ức cái mốc son chói lọi của đất nước, thời khắc non sông sạch bóng quân thù, Bắc - Nam liền một dải. Lực lượng thù địch thường rêu rao từ rất lâu rằng: Nếu để Việt Cộng nắm quyền, Sài Gòn và miền Nam sẽ tắm máu (?). Nhưng, ngày đó, Sài Gòn và miền Nam không tắm máu mà trái lại, chỉ thấy nụ cười và nước mắt vui mừng khi Bắc - Nam sum họp. Chỉ sau hai ngày khi Sài Gòn giải phóng, chiều 2/5/1975, quân giải phóng đã phóng thích Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Buổi chiều hôm đó, khi được gặp Trung tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Dương Văn Minh đã nói: “Tôi làm Tổng thống khi 1/2 đất đai đã về tay cách mạng. Tôi cùng nội các của tôi đầu hàng không điều kiện vì thấy lực lượng quân giải phóng đã vây quanh Sài Gòn, không có cách nào chống đỡ nổi”. Trung tướng Trần Văn Trà ôn tồn giải thích: “...Từ thời điểm này, tất cả mọi người Việt Nam đều phải góp công xây dựng đất nước, vì chúng ta đều là con Lạc, cháu Hồng...”. Sự hòa hợp dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ngay từ khi chúng ta đang còn cầm súng chiến đấu.
Hơn ba thập kỷ đã đi qua, kể từ ngày 30/4 năm ấy... Thời gian kế tiếp nhau vẫn hằn rõ trong lịch sử dân tộc những buồn, vui, gian lao, vất vả để đến hôm nay, đất nước đổi thay nhiều, cả dân tộc Việt Nam đều vượt ra biển lớn. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã biến tư tưởng Hồ Chí Minh vào đời sống thực tế đất nước, thực hiện lời dạy của Người: “Dân tộc Việt Nam là một”, “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội đổ ra đường mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc (Ảnh: Internet) |
Chúng ta khép lại quá khứ không có nghĩa là tất cả đều cào sòng giữa phải, trái, đúng, sai, giữa người mang trong mình đầy chiến công hiển hách và những người từng quay lưng lại lịch sử dân tộc, quay lưng lại lợi ích của nhân dân. Trong bất cứ thời điểm nào của sử dân tộc, dù khiêm nhường đến mấy, chúng ta vẫn có quyền khẳng định: Đảng ta, nhân dân ta, lực lượng vũ trang nhân dân ta là những người chiến thắng. Đường lối cách mạng của Đảng theo quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh đã chiến thắng. Tổ quốc tự hào gắn Huân chương chiến thắng lên ngực những người chiến sỹ cách mạng, lớp lớp kế tiếp nhau, trung thành chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng và cách mạng, vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Tổ quốc mãi mãi vinh danh những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho Độc lập - Tự do của Tổ quốc, đang yên giấc ngàn thu trong những nấm mồ xanh cỏ, từ Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên đến U Minh, Đồng Tháp; từ Trường Sơn cho đến Trường Sa...
Trên những nghĩa trang liệt sỹ và nghĩa địa nhân dân, người Việt Nam đều thương nhớ thắp nhang cầu mong cho những linh hồn người đã khuất được siêu thoát khi ở thế giới bên kia sông lòng biết ơn giành cho những ai hy sinh vì dân, vì nước, ngã xuống ở trận tiền. Những căn nhà “Đền ơn, đáp nghĩa” do nhân dân góp sức tạo nên, chỉ để dành tặng các gia đình có công với cách mạng, các gia đình liệt sỹ, thương binh. Những căn nhà tình nghĩa và những căn nhà “đại đoàn kết” do nhân dân góp sức tạo nên là món quà nhân nghĩa dành tặng những đối tượng khó khăn, cần được cứu giúp.
Nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đang cựa mình ngày càng lớn mạnh... (Ảnh: Internet) |
42 năm, nhớ về tháng Tư lịch sử, đất nước càng sôi động trước đại công trường nhộn nhịp thời thị trường, háo hức vươn ra biển lớn. Công việc trước mắt bề bộn trăm ngả nhưng nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục làm. Trên báo chí cả nước, vẫn đăng tải các tin tức, các bài báo về tên, tuổi các liệt sỹ đã hy sinh trên các chiến trường đang cần tìm mộ. Ở các làng quê, nhiều gia đình đang khắc khoải chờ tin những người thân yêu ra trận không về, mong tìm được mộ chí để đưa hài cốt về chôn cất giữa quê nhà. Các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ chỉ huy quân sự các Tỉnh, Thành phố vẫn bận rộn với nhiệm vụ lục tìm các sơ đồ mộ chí, các giấy chứng thương để tìm mộ người đã khuất, xác định thương tật cho người bị thương ở chiến trường. Từng ngày, từng tháng, những đoàn quân đi tìm mộ và khai quật hài cốt liệt sỹ trên chiến trường Lào và Căm-pu-chia thuộc các tỉnh quân khu 4, quân khu 5, quân khu 9, vẫn băng rừng, lội suối để tìm kiếm, đưa đồng đội về với Tổ quốc yêu thương. Trên cả nước, di chứng chất độc màu da cam đang hiện hữu ở nhiều số phận con người. Những nạn nhân chiến tranh do kẻ thù gây ra đang cần xã hội góp sức từ nhiều phía. Bom, mìn vẫn phải tìm kiếm, lần gỡ ở nhiều nơi... Tất cả không cho phép bất cứ ai thờ ơ và phải cùng góp tay hành động. Sự hòa hợp từ tấm lòng trở thành hành động của tất cả mọi người sẽ thành sức mạnh dân tộc để khắc phục hậu quả tai hại của chiến tranh, dù chiến thắng đã đi qua trên ba thập kỷ.
Tinh thần chiến thắng 30/4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Ý chí quyết chiến quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển. Tính sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ giúp chúng ta biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, vượt lên khó khăn, ổn định nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay…
30/4/1975 đã lùi xa, nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đang cựa mình ngày càng lớn mạnh. Có thể trong chiến thắng 30/4 ấy ngẫm lại mỗi chúng ta có nhiều cảm xúc khác nhau trộn lẫn, ngày chiến thắng sẽ còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt nam, trong các thế hệ đi trước và hôm nay...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.